Đường tránh 1B thành phố Hà Tĩnh thành đê ngăn nước

(Baohatinh.vn) - Dẫu không ở vùng rốn lũ nhưng 2 đợt mưa lớn vừa qua, hàng trăm hộ dân vùng phía Tây Nam huyện Thạch Hà phải sống chung với lũ. Nước ngập sâu lại rút chậm nên cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân được xác định là do tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh (1B).

Trận mưa lũ vừa qua, nước ngập sâu, rút chậm đã khiến hàng trăm hộ dân ở xã Thạch Đài lâm vào cảnh khốn đốn. Giao thông chia cắt, trường học ngập sâu, đời sống dân sinh gặp nhiều khó khăn. Ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho biết: “Mưa lớn kèm theo việc xả tràn các hồ, đập đã khiến 70% hộ dân trên địa bàn 8 thôn bị ngập. Sâu nhất là các thôn Liên Minh, Bàu Láng, Kỳ Phong, Liên Hương và một phần của thôn Kỳ Sơn. Đường tránh thành phố chạy qua địa phận Thạch Đài gần 2 km thì mực nước lúc lớn nhất, ở phía Tây cao hơn phía Đông đường tránh từ 1-1,2m”.

duong tranh 1b thanh pho ha tinh thanh de ngan nuoc

Tuyến đường tránh chỉ bố trí những cống nhỏ thoát nước

Theo lãnh đạo xã Thạch Đài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt là do hệ thống thoát nước của đường tránh thành phố quá kém, khiến nước bị ứ lại rất lâu. “Năm 2009, khi đang thi công đường tránh này, trước ý kiến phản ánh của nhân dân, xã đã đề xuất BQL dự án cho làm thêm cống thoát nước để tránh ngập úng và họ đã bổ sung thêm 2 cống tiêu úng. Tuy nhiên, cả tuyến đường dài 2 km như con đê nhưng chỉ bố trí được 1 cầu và 2 cống nhỏ nên khi mưa lũ, tình trạng ngập úng phía Tây đường tránh vẫn liên tục xảy ra. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri; chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy có động tĩnh gì" - ông Dương Văn Hải chia sẻ.

Hậu quả của việc bố trí cống thoát nước quá ít, khiến vùng phía Tây đường tránh từ năm 2010 đến nay bỗng thành vùng ngâm lũ khi mùa mưa đến. Trưởng thôn Bàu Láng Nguyễn Tiến Kỳ cho biết: “Trước đây, chưa bao giờ người dân phải khổ sở như thế này. Dù nước có lên nhanh thì rút cũng rất nhanh. Thế nhưng, từ khi có đường tránh 1B, đường thành con đê ngăn chặn dòng chảy tự nhiên, khiến chúng tôi nơm nớp sau mỗi trận mưa lớn. Không chỉ vụ đông bị thiệt hại nặng nề mà vụ hè thu cũng vậy. Cuối vụ, chỉ một trận mưa lớn là đồng ruộng ngập chìm trong nước. Nhiều năm như thế nên việc chỉ đạo sản xuất hè thu hết sức vất vả. Riêng thôn tôi, người dân đã bỏ hoang gần 16 ha”.

Thay vì tập trung khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ thì hoạt động đầu tiên mà chính quyền xã Thạch Đài chỉ đạo quyết liệt - đó là huy động máy múc và hàng trăm người dân ra quân nạo vét đất đá, trục vớt bèo tây ở khu vực Cầu Đông 2 và 2 cống trên tuyến để khơi thông dòng chảy. Mới đây, sau 4 ngày lũ về, chúng tôi có mặt ở Thạch Đài, vẫn chứng kiến rất nhiều tuyến đường bị chia cắt; hàng chục nhà dân chịu cảnh ngâm lũ. Các trường học vẫn im ỉm đóng cổng vì ngập nước.

Tại Thạch Lâm, dù đường tránh chỉ chạy qua địa bàn khoảng 1 km nhưng cũng đã khiến gần 500 hộ thuộc các thôn nằm ở phía Tây Nam đường như: Kỷ Các, Phái Nam, Tiền Thượng và một phần thôn La Xá bị chia cắt hoàn toàn. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Tịnh cho biết: “Trận lũ vừa qua, toàn xã có 850 hộ bị ngập. 350 hộ ở phía Đông Bắc đường tránh, nước vào nhưng lại rút nhanh; còn các hộ ở phía Tây Nam, nước ngập sâu và rút rất chậm. Mực nước bên này và bên kia đường, lúc cao nhất chênh nhau đến nửa mét. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đời sống dân sinh, sản xuất mà 20 ao hồ nuôi cá, những mô hình kinh tế gây dựng từ phong trào xây dựng nông thôn mới cũng trôi theo con nước. Nếu tình trạng này không được cải thiện, sẽ rất khó động viên nhân dân xây dựng lại”.

duong tranh 1b thanh pho ha tinh thanh de ngan nuoc

Nhiều vùng ở phía Tây Nam Thạch Hà phải đi lại bằng thuyền trong nhiều ngày sau lũ. (Ảnh chụp chiều 4/11)

Với người dân Thạch Lâm ở vùng Tây Nam đường tránh, thay cho niềm vui khi có tuyến đường tránh đi qua là nỗi ám ảnh về lũ lụt. Ông Đặng Đình Nuôi - Trưởng thôn Kỷ Các cho biết: “Thôn nằm ở khu vực cao nhất xã, trước đây không bao giờ biết ngập lụt là gì. Thế nhưng, từ khi tuyến đường tránh hình thành, gần 200 hộ trong thôn lại thường xuyên ngập lụt khi có mưa lớn. Rau màu, lúa hư hỏng nặng, khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Huề - Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội (quê xã Thạch Lưu), trong lần về cứu trợ lũ lụt mới đây đã chia sẻ rằng, nhà ở quê của ông trước đây không bao giờ bị ngập lụt, nhưng từ khi làm đường tránh đến nay, mưa lũ lớn là lại ngập.

Đường tránh thành phố vô tình trở thành đê ngăn dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con trong vùng. Tìm cách tháo gỡ thực trạng này không phải là chuyện đơn giản khi bà con đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không có kết quả. Thậm chí, ở xã Thạch Đài, ngay khi công trình thi công, người dân đã vác cào, cuốc ra cào đường phản đối. Chỉ vài ba cống nhỏ hẹp trên toàn tuyến dài hàng km không thể đủ tiêu thoát khi nước ồ ạt đổ về. Vì thế, hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống chung với nỗi thấp thỏm mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho rằng, việc đường tránh thiết kế cao, chặn ngang dòng thoát lũ tự nhiên mà chỉ bố trí được vài ba cầu cống như hiện nay là bất hợp lý, cần phải khắc phục. Theo ông Hà, để thoát lũ một cách tốt nhất, cần phải làm cầu vượt trên tuyến đường này. Nếu không có kinh phí làm cầu vượt, cần phải điều chỉnh, bổ sung thêm hệ thống cống thoát nước đủ để tiêu thoát, tránh tình trạng vùng phía Tây Nam huyện bị ngập sâu và ngâm lâu mỗi khi lũ về.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast