Năm 2017, ông Lê Đình Nam (thôn Phố Cường, xã Gia Phố) đầu tư hơn 3 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng - PV) xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung với cơ sở vật chất hiện đại, đảm bảo hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.
Lò giết mổ được xây dựng trên diện tích đất 5.000m2, công suất khoảng 70 con/ngày. Sau khi hoàn thành, lò giết mổ này hoạt động đến đầu năm 2018 thì "đắp chiếu" đến nay.
Ông Lê Đình Nam chia sẻ, trong thời gian hoạt động, tỷ lệ giết mổ tại cơ sở cũng đạt thấp so với công suất thiết kế. Mặc dù được quy hoạch để đảm nhiệm giết mổ gia súc cho xã Gia Phố, thị trấn Hương Khê và các xã lân cận vùng trung tâm huyện, nhưng mỗi ngày cơ sở cũng chỉ giết mổ được từ 3 - 5 con gia súc. Tuy nhiên, cũng có những ngày lò mổ hoạt động khá hiệu quả, cao điểm có ngày số lượng gia súc giết mổ tại lò lên đến 60 con. Nếu có sự đồng hành quyết liệt từ chính quyền, lò sẽ phát huy hiệu quả. Còn hiện nay, chúng tôi đang rất buồn khi đã bỏ hàng tỷ đồng đầu xây dựng lò mổ nhưng phải bỏ hoang.
Ghi nhận thực tế, hiện nay, lò giết mổ khá hoang vắng, cửa đóng then cài, thậm chí được gắn biển "cấm vào" tại cổng. Do không hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất lò mổ theo thời gian cũng bị xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, một số thiết bị bắt đầu hư hỏng...
Ông Đặng Viết Long - Chủ tịch UBND xã Gia Phố cho biết: Thời điểm năm 2018 phát sinh nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, trong khi công tác quản lý của lò mổ không đảm bảo nên chính quyền phải cho dừng hoạt động, kéo dài đến nay. Ngoài ra, một số người dân địa phương phản ánh vị trí xây dựng lò giết mổ chưa thực sự hợp lý, còn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
Bên cạnh đó, những người làm nghề giết mổ gia súc còn chưa đồng thuận, không muốn đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung vì tốn chi phí, công vận chuyển, gò bó về thời gian và chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc đầu vào... trong khi giết mổ tại nhà thì tự do hơn. Hiện, việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn chủ yếu được triển khai tại hộ gia đình, gây không ít khó khăn cho công tác kiểm dịch của lực lượng thú y. Xã đã có báo cáo, kiến nghị lên cấp trên để tìm phương án xử lý phù hợp.
Qua tìm hiểu cho thấy, ngoài cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Gia Phố đã "đóng cửa" thì các lò giết mổ tập trung khác trên địa bàn huyện (Phúc Đồng, Phúc Trạch) cũng hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng này là chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để xóa bỏ lò mổ nhỏ lẻ trong khi các tiểu thương chưa tự giác, thậm chí còn có phản ánh gay gắt trước cơ quan chức năng...
Được biết, huyện Hương Khê đang triển khai xây dựng phương án tổng thể, tăng cường công tác quản lý giết mổ, vệ sinh thú y trên địa bàn đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh. Đồng thời làm việc với chủ lò giết mổ gia súc tập trung để chỉ đạo, có phương án, cam kết quản lý, sử dụng phù hợp, đúng mục đích đảm bảo theo quy định.
Thực tiễn đã khẳng định việc phát triển hệ thống giết mổ tập trung, xóa bỏ điểm giết mổ tự phát tại nhà là chủ trương đúng đắn, bởi thực tế, khu giết mổ tự phát rất khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Vì vậy, việc xóa bỏ điểm giết mổ tự phát, đưa lò mổ tập trung đi vào hoạt động hiệu quả là nhu cầu cấp thiết.
Để siết chặt hoạt động giết mổ gia súc, đưa lò mổ tập trung đi vào vận hành, hoạt động hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Trong đó, địa phương cần sớm có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các điểm giết mổ không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú ý, an toàn vệ sinh thực phẩm; có chính sách khắc phục, nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở giết mổ tập trung. Cùng đó, đẩy mạnh công tác vận động, di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các lò giết mổ tập trung; tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết không để thịt gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ đưa ra tiêu thụ trên thị trường...