Vì sao nhiều hộ dân ở Nghi Xuân phải bỏ hoang ruộng đồng?

(Baohatinh.vn) - Khoảng 100 hộ dân thuộc 3 tổ dân phố của thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đành bỏ hoang đất nông nghiệp do giao thông nội đồng còn khó khăn.

Các xứ đồng Cửa Su, Đồng Vào, Cơn Mưng, Đồng Un thuộc thị trấn Xuân An là khu vực sản xuất nông nghiệp của khoảng 100 hộ dân thuộc 3 TDP: 8A, 8B và 9 với diện tích hơn 30ha. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm trở lại đây, hầu hết người dân không sản xuất do đường giao thông đi lại khó khăn.

8.jpg
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang do đường giao thông nội đồng khó khăn.

Theo người dân, nguyên do bà con bỏ sản xuất ở những xứ đồng này là sau khi thi công tuyến đường An Viên Mỹ Thành, đường giao thông để vào cánh đồng không còn thuận lợi, phải đi vòng thêm khoảng 600 – 700m. Ngoài ra, đường nội đồng là đường đất nhỏ hẹp, không thể đưa được phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất.

Thêm vào đó, từ năm ngoái đến nay, cây cầu sắt bắc qua mương thoát lũ của khu công nghiệp Gia Lách lại xây dựng ở vị trí cao hơn mặt đường, chỉ người đi bộ mới qua lại được nên càng làm khó người dân. Theo ghi nhận trực quan, mặt cầu nằm cao hơn đường khoảng 0,5 – 0,6m.

4.jpg
Cầu bắc qua mương thoát lũ xây dựng ở vị trí cao hơn nền đất khiến việc đi lại của người dân khó khăn.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Luyến (TDP 8B, thị trấn Xuân An) trước đây trồng khoảng 3 sào lúa và lạc ở xứ đồng Cơn Mưng nhưng hơn 2 năm nay phải bỏ hoang vì khó đi lại để sản xuất.

Ông Luyến bộc bạch: “Nhìn đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc chúng tôi cũng ngậm ngùi tiếc cho đất lắm. Đường vào sản xuất nông nghiệp ở xứ đồng này độc đạo, người đi xe máy vào còn khó chứ chưa nói đến đưa xe kéo vận chuyển vật tư nông nghiệp. Cầu qua mương thoát nước lại nằm ở trên cao, chúng tôi không có cách nào để đưa phương tiện qua bên kia cánh đồng”.

1.jpg
Ông Nguyễn Quốc Luyến (bên phải) chia sẻ về khó khăn đường sá nên đành bỏ hoang ruộng đất.

Còn ông Đậu Đình Nhu – người dân TDP 9 (thị trấn Xuân An) cho biết: “Gia đình tôi trước đây sản xuất hơn 1 sào lạc nhưng cũng nghỉ từ mấy năm nay do đường khó đi lại. Nhiều gia đình khác cũng phải bỏ đồng vì lý do này. Từ khi làm đường An Viên Mỹ Thành, bà con phải đi vòng lên đường 8B rồi quay lại, rất bất tiện. Hơn nữa, đường vào ruộng không thể đưa được phương tiện xe kéo, máy móc vào để sản xuất”.

Được biết, tháng 9/2023, ban cán sự các TDP 8A, 8B, 9 đã làm tờ trình gửi các cơ quan kiến nghị giải quyết khó khăn về đường giao thông nội đồng cho người dân để thuận lợi cho việc sản xuất. Trong đó, đề xuất mở giải phân cách trên tuyến đường An Viên Mỹ Thành, kẻ giảm tốc 2 đầu đường và đắp vuốt nối tiếp 2 múi đường phía Bắc và phía Nam với chiều dài 20m x chiều rộng 5m. Trong cuộc tiếp xúc với HĐND tỉnh và huyện vào cuối năm 2023, cử tri cũng phản ánh về tình hình này và đề xuất cơ quan thẩm quyền sớm giải quyết.

47fa9fb87078df268669 (1).jpg
Ban cán sự các tổ dân phố gửi tờ trình kiến nghị giải quyết khó khăn về đường giao thông nội đồng.

Ông Trần Quang Thủy – Tổ trưởng TDP 8B cho hay: “Hiện chỉ mới ở phần đường phía Bắc của đường nội đồng được đắp vuốt tiếp nối nhưng chưa thể đáp ứng việc đi lại sản xuất. Nông nghiệp là nghề chính của các hộ dân nhưng vì khó khăn về đường sá đi lại nên đa số bà con phải bỏ hoang đồng ruộng để đi làm nghề phụ. Chúng tôi mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có phương án khắc phục những bất cập về đường sá để thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp”.

Lãnh đạo thị trấn Xuân An cho biết, tiếp nhận kiến nghị của người dân, địa phương đã đề xuất đến cấp trên. Tuy nhiên, việc mở giải phân cách phải tuân thủ hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và đặc biệt, đảm bảo an toàn giao thông. Về vị trí vuốt nối đường giao thông nội đồng trong phạm vi dự án, do chưa bàn giao nghiệm thu nên địa phương sẽ liên hệ với BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư dự án đường An Viên Mỹ Thành) để xem xét hỗ trợ cho người dân đi lại. Đối với cầu trên mương thoát lũ Khu Công nghiệp Gia Lách, do thiết kế theo quy hoạch tổng thể nên mặt cầu ở vị trí cao hơn nền đất, gây bất lợi cho người dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.