Hàng trăm ha đất lúa ở Cẩm Xuyên bỏ hoang do thiếu nước

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có gần 400 ha đất lúa bị bỏ hoang trong vụ hè thu. Nguyên nhân là vì công trình thủy lợi không thể dẫn nước về chân ruộng.

Xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười thuộc thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) thời điểm này vẫn trơ gốc rạ của vụ xuân trước. Nền đất nứt nẻ, cây cỏ héo khô. Từ nhiều năm nay, sản xuất ở 3 xứ đồng này gặp rất nhiều khó khăn do không có công trình thủy lợi đi qua. Hằng năm, người dân chỉ làm được mỗi vụ xuân nhờ thời tiết có mưa. Còn đến vụ hè thu, hạn hán, thiếu nước khiến cho đồng ruộng bị bỏ hoang.

Hàng trăm ha đất lúa ở Cẩm Xuyên bỏ hoang do thiếu nước

Xứ đồng Cửa Trại của thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng trơ gốc rạ, khô cằn, không thể sản xuất vụ hè thu.

Ông Nguyễn Đình Đường - Trưởng thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng chia sẻ: “3 xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười có diện tích khoảng 50 ha, cách kênh tưới N2 Kẻ Gỗ khoảng hơn 200m nhưng do không có kênh nhánh dẫn nước về nên việc gieo cấy vụ lúa hè thu gần như bất khả kháng. Những năm trước, xã đã từng chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây khác như: mía, khoai... Tuy nhiên, do không có công trình thủy lợi nên hạn hán thì thiếu nước, mưa to lại ngập lụt, trồng loại cây nào cũng không thành công.

Mấy năm nay, vào vụ hè thu, toàn bộ diện tích của 3 xứ đồng này gần như để đất hoang, làm bãi chăn thả trâu bò. Biết là lãng phí tài nguyên đất nhưng địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp chuyển đổi thích hợp. Nếu được các cấp quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, dẫn nước tưới về ruộng thì sản xuất sẽ hiệu quả, đời sống bà con cũng được nâng lên”.

Hàng trăm ha đất lúa ở Cẩm Xuyên bỏ hoang do thiếu nước

Cánh đồng Trằm của thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hưng vụ hè thu trở thành bãi chăn thả trâu bò.

Cùng chung tình cảnh thiếu nước do không có hệ thống kênh mương nội đồng, bà con nông dân các thôn: Tiến Thắng, Sơn Nam, Sơn Trung của xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) cũng phải bỏ hoang gần 100 ha đất nông nghiệp trong vụ sản xuất hè thu. Người dân nơi đây gọi khu vực này là vùng “tử địa” vì mỗi năm chỉ canh tác được mỗi vụ xuân.

“Gia đình tôi có 1,5 mẫu lúa nằm trong vùng đồng “tử địa”, chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu thì chịu thua. Diện tích nhiều nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Hi vọng thời gian tới, chính quyền địa phương nghiên cứu phương án, đưa vào các giống cây, con phù hợp để bà con nông dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập” - anh Hà Văn Lợi, thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh cho biết.

Hàng trăm ha đất lúa ở Cẩm Xuyên bỏ hoang do thiếu nước

Kênh N2 Kẻ Gỗ chỉ cách vùng sản xuất của thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng khoảng 200m.

Qua tìm hiểu được biết, để khắc phục thực trạng trên, tại các địa phương, một số người dân đã chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn như: lạc, vừng, khoai… Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản để bố trí vào kế hoạch sản xuất của địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: “Xã đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi các diện tích gặp khó khăn về nguồn nước trong hè thu sang trồng vừng. Dự kiến, đầu tháng 7 này sẽ xuống giống; trước mắt, xã hỗ trợ kinh phí thuê máy làm đất và hỗ trợ giống để sản xuất thử khoảng 20 ha. Nếu hiệu quả thì năm sau chúng tôi sẽ nhân rộng, chuyển đổi toàn bộ diện tích cao cạn sang trồng vừng trong vụ hè thu”.

Hàng trăm ha đất lúa ở Cẩm Xuyên bỏ hoang do thiếu nước

Vùng thượng kênh xã Cẩm Sơn nhiều năm đều bị bỏ hoang, không thể sản xuất vụ hè thu do thiếu nước.

Theo thông tin sơ bộ, vụ hè thu năm 2023, toàn huyện có khoảng gần 400 ha diện tích lúa không thể sản xuất do thiếu nước, tập trung ở các xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn… Để giải bài toán đất sản xuất bị bỏ hoang ở các xã vùng thượng các kênh tưới, vùng “tử địa”, thiết nghĩ, huyện Cẩm Xuyên cần có giải pháp lựa chọn, đưa vào thử nghiệm các loại cây trồng chịu hạn tốt, phù hợp với tự nhiên, thổ nhưỡng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân phủ kín diện tích sản xuất.

Cùng với đó, địa phương cần quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng và trạm bơm để dẫn nước khi hạn hán và tiêu thoát nước khi lũ lụt nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.