Dọc đường đất nước - Đường về Đất Mũi

(Baohatinh.vn) - Những ngày vừa qua, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có chuyến trải nghiệm dọc đường đất nước, từ miền Trung đến miền Tây Nam bộ.

Càng đi càng thấy đất nước ta thật tươi đẹp, non sông hùng vĩ, bờ biển yên bình và căng tràn sức sống. Mỗi miền quê có những vẻ đẹp riêng nhưng điều rút ra là ở đâu thiên nhiên và con người hài hòa chung sống, đặc biệt là con người có ý thức gìn giữ môi trường thì ở đó thiên nhiên ban tặng cho con người những món quà vô giá. Hà Tĩnh điện tử trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm bài Dọc đường đất nước.

doc duong dat nuoc duong ve dat mui

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh về thăm Đất Mũi.

Vượt hơn 1.500 cây số và dừng chân ở nhiều điểm, cuối cùng, chúng tôi đã đặt chân tới Cà Mau, vùng đất với ngút ngàn rừng U Minh mà thuở học trò tôi đã bị cuốn hút qua cuốn sách “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Một vùng biển nơi cuối trời Tổ quốc, bao thế hệ học sinh mới chỉ hình dung được qua thơ của nhà thơ Xuân Diệu:

Tổ quốc ta như một con tàu

Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau.

Tôi mở tầm mắt bao la, tận hưởng mây, nắng, gió, cảnh vật cùng những món ẩm thực rất riêng của xứ sở này.

Cà Mau năm nay hạn nặng, tuy ban ngày nắng chang chang nhưng đêm xuống, gió ngoài khơi thổi vào cùng hệ thống sông rạch chằng chịt nên không khí ôn hòa, mát mẻ. Thành phố náo nức dòng người, dòng xe, rực rỡ những cột đèn màu.

Ngồi điểm tâm trong một khu vườn đậm nét thuần Việt, bóng cây đan dày với diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông, anh Nguyễn Chiến - Tổng Biên tập Báo Cà Mau “điểm nhanh” cho chúng tôi tình hình địa phương, nổi bật nhất vẫn là chuyện hạn hán kéo dài khiến nhiều huyện, nhiều thôn ấp thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Qua đồng nghiệp, chúng tôi hình dung được phần nào về Cà Mau hiện tại. Cà Mau là tỉnh cuối cùng của đất nước, tổng diện tích hơn 5.315 km2, dân số trên 1,2 triệu người, gồm 6 huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Mật độ dân số phân bố không đều, nơi cao nhất - TP Cà Mau có 819 người/km2 và thấp nhất - huyện Ngọc Hiển có 107 người/km2.

Thủy sản là mũi nhọn kinh tế của Cà Mau. Hơn 20 năm qua, vùng đất duyên hải này đã dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Nhờ biết phát huy lợi thế, tiềm năng, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân nên thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho Cà Mau.

Về Cà Mau, dạo khắp 6 huyện, nơi nào cũng thấy dân khai khẩn, quy hoạch hồ cá, đìa tôm. Diện tích nuôi cá đồng trong năm 2016 này đã lên tới 28.000 ha, chủ yếu là cá lóc, cá rô, cá bồi... Cà Mau đã xuất hiện nhiều tỷ phú nuôi tôm, trong đó, không ít sinh viên đại học bách khoa, thủy sản từ nơi khác đã chọn đất này lập nghiệp bằng nghề nuôi tôm. Phong trào nuôi thủy sản ở vùng đất Mũi đang đi theo hướng quy mô trang trại, hộ gia đình. Chủng loại phong phú, đa dạng: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, hàu lông, sò huyết, nghêu, vọp, ốc len, cá chình, bống tượng, ba ba, cá nước ngọt.

Nghe những con số “ngon ăn” quá, tôi hỏi anh Văn Minh Toàn - Phó Tổng Biên tập: “Người ta thường bảo, nuôi tôm là nghề đánh bạc với trời, sao đất này lại giàu lên nhờ tôm đến vậy?”. Anh Toàn giải thích: “Trước hết, môi trường nước sạch, thích nghi với sự phát triển của tôm. Nhờ có kinh nghiệm lâu năm, các ông chủ nuôi tôm luôn tạo ao đầm sạch. Môi trường an ninh xã hội tốt, người dân luôn có cộng đồng chung sức bảo vệ”. Mỗi năm, doanh thu hàng trăm triệu đô la không chỉ làm thay đổi nhanh chóng đời sống người dân mà còn tạo nên một hướng đi bền vững ở tầm vĩ mô.

Cũng theo anh Chiến: “Những năm trước, khách du lịch muốn tới thăm tượng đài đất Mũi phải đi bằng

ca-nô hoặc xuồng máy mất hàng tiếng đồng hồ. Nhưng nay, xe ô tô chạy miết tới đó luôn. Điều đáng tiếc, các anh chị đến đúng vào mùa nóng nên không vào thăm được rừng U Minh vì mùa này rừng rất dễ cháy. Hiện nay, đội kiểm lâm bảo vệ rất nghiêm ngặt, cấm khách ra vào khu vực này”.

Sau cuộc chạm ly thân tình, được thưởng thức món đặc sản cá, tôm tươi ngon, anh Toàn dẫn chúng tôi dạo quanh TP Cà Mau. Càng vào đêm, thành phố càng lung linh kỳ ảo. Theo anh Toàn, cư dân ở đây chủ yếu là người Việt cùng một số người Khơ Me và người Hoa sinh sống, lập nghiệp đã từ lâu. Nhiều người khôn khéo trong kinh doanh, hiện đã trở thành giới thượng lưu của thành phố. Hàng đổ về TP Cà Mau, ngoài đồ điện tử, điện lạnh, quần áo may mặc thì thế mạnh vẫn là hải sản. Chúng tôi vào xem chợ phố Cà Mau, không khí kinh doanh, buôn bán ở đây tất bật hơn nhiều so với các chợ địa phương khác. Chợ đêm có 115 gian hàng, trong đó có 9 gian hàng ẩm thực. Nét văn minh dễ thấy là không có mùi xú uế của rác rưởi; cách chào mời khách đon đả, chân tình.

doc duong dat nuoc duong ve dat mui

Khách du lịch mua hàng hải sản khô tại Đất Mũi. Ảnh: Minh Huệ

Dẫu đi đường xa khá mệt, mắt đã líu ríu muốn chớp lấy giấc ngủ nhưng tôi nghe cậu phóng viên trẻ Báo Cà Mau gợi ý: “Chẳng mấy khi anh tới đất Cà Mau, nên ghé thăm vườn chim 19/5 tý. Đi nhanh kẻo khuya, cách đây chỉ hơn 4 cây số thôi”. Xe lại tiếp tục chuyển bánh theo hướng đường Lý Văn Lâm, chưa đầy 10 phút đã tới sân chim. Chợ chim Cà Mau được hình thành từ những thập niên 80 của thế kỷ XX với diện tích hơn 17 ha. Tôi cảm nhận đây là một bức tranh tuyệt diệu, nhiều loại chim quý hiếm như điên điển, diệc, bồ nông khoang cổ, yến tụ tập tại “ngôi nhà lớn” này làm cho du khách quyến luyến hơn. Họ tìm đến vườn chim như tìm đến một thế giới thiên nhiên trong lành tạo hóa sinh ra đang được con người gìn giữ.

Sáng hôm sau, Báo Cà Mau lại cử anh Ngô Hoàng Vũ đi cùng chúng tôi. Đường từ TP Cà Mau đến Đất Mũi hơn 50 km. Vũ quê ở Vĩnh Long, mới ngoài 30, tính tình sôi nổi và hoạt bát. Anh bảo nghề chính là trình bày ma-két báo, nhưng nhiều lúc anh còn đảm nhận thêm cả chụp ảnh, ghi hình, quay clip nữa. Có Vũ ngồi trên xe chuyện vui, chuyện cười nở như ngô rang. Ngẫu hứng, chị Minh Huệ hát dân ca Nghệ Tĩnh và Vũ cũng đáp lại bằng những bài dân ca vọng cổ, dân ca chòi ngọt ngào, mùi mẫn.

Đường về đất Mũi, nhiều đoạn đã được láng nhựa, hơn 30 km đang thi công. Làm con đường này, công nhân khá vất vả vì phải lấn sông rạch, cát đá từ các thuyền ghe chở về quyện đất bồi phù sa be lên hai bên. Xe vừa chạy, tôi vừa tranh thủ quan sát, vừa lấy sổ tay ghi ghi, chép chép. Nhẩm tính có tới hơn 20 cây cầu nhỏ, mỗi tên cầu đều gắn với tên người, tên đất, tên sự kiện lịch sử vinh quang của quá khứ. Chẳng hạn như cầu Ông Niêm, Ông Tà, Kênh Hò... Họa sĩ Vũ giải thích cho chúng tôi hiểu, huyện Ngọc Hiển là tên anh hùng Phan Ngọc Hiển, người cán bộ cách mạng xuất sắc, người con trung hiếu của quê hương đã tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

Càng xuôi Đất Mũi, tôi càng choáng ngợp trước bạt ngàn rừng đước tán lá sum suê, mỡ màng. Thuở trước, rừng đước Cà Mau là trận địa của những người du kích mật phục quân thù. Bây giờ, rừng đước đất Mũi trở thành nơi làm ăn của các ông chủ nuôi tôm, nuôi cá. Tôi quan sát kỹ thấy dưới hàng vạn tán đước xanh dày đặc là những đầm tôm, hồ cá của hàng trăm chủ hộ. Loài tôm sú, cá lóc, cá bồi... rất thích nghi với môi trường nước lợ ở đây. Chỉ cần thả nuôi vài tháng, người dân đã có thu hoạch, miễn là chịu khó bám đầm, thực hiện đúng quy trình. Không ít chủ hộ ở Năm Căn, Ngọc Hiển có từ 15-30 ha đầm tôm, hồ cá theo lối nuôi này.

Đúng 10h sáng, chúng tôi đặt chân tới Đất Mũi. Nắng chói chang. Xã cuối cùng của Đất Mũi hiện nay gọi là xã Đất Mũi (trước đây gọi là xã Rạch Tàu) xưa mới lập làng chỉ khoảng vài chục hộ dân. Hiện tại, xã Đất Mũi có hơn 200 hộ sinh sống, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản. Dọc đường, tôi thấy nhà nào cũng phơi đầy cá khô, mực, tôm khô trên những chiếc nong to. Phiên chợ nhộn nhịp khách mua bán cá tươi, tôm càng xanh. Cạnh chợ mọc lên nhiều quầy dịch vụ, kinh doanh đặc sản biển.

Tôi áp ngực mình lên tượng đài Đất Mũi, bỗng thấy tâm hồn mình giàu có hơn nhiều tình yêu Tổ quốc. Tượng đài Đất Mũi giống mũi thuyền neo mãi vào bờ biển, neo mãi vào thời gian, vào sự trường tồn chủ quyền đất nước. Đứng trên tượng đài nhìn ra, biển cả mênh mông, xanh thăm thẳm. Xa xa, những chiếc thuyền đánh cá đang mải miết ra khơi. Gió biển lồng lộng thổi, mây trời trắng nõn như muốn xích sát gần với những con sóng đang tung bờm. Cách 30 hải lý, Hòn Khoai vẫn ánh lên đôi mắt người lính đứng canh biển trời Tổ quốc.

(Còn nữa)

Tháng 6/2016

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast