Thủ tục để giới thiệu người ứng cử vào đại biểu HĐND

(Baohatinh.vn) - Anh Nguyễn Hữu Khánh, trú tại huyện Nghi Xuân hỏi: Sau khi tham dự hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, ủy ban MTTQ xã phân bổ cho thôn tôi 2 chỉ tiêu giới thiệu ứng cử vào đại biểu HĐND xã. Vậy xin hỏi, cần làm những thủ tục gì để giới thiệu người ứng cử vào đại biểu HĐND?

Trưởng ban công tác Mặt trận và công an viên thôn Hạ, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) rà soát danh sách cử tri chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Văn Bảy

Trưởng ban công tác Mặt trận và công an viên thôn Hạ, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) rà soát danh sách cử tri chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Văn Bảy

Tại Điều 52 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 quy định:

“Điều 52. Giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu HĐND

Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần thứ nhất và điều chỉnh của Thường trực HĐND, căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) được phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử tiến hành lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND như sau:

1. Ban lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dự kiến người của tổ chức mình để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo tổ chức hội nghị ban thường vụ mở rộng để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu HĐND;

2. Ban lãnh đạo cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế phối hợp với BCH công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện BCH công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu HĐND;

3. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân dự kiến người của đơn vị mình để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đại diện BCH công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy cấp dưới trực tiếp để thảo luận, giới thiệu người của đơn vị mình ứng cử đại biểu HĐND;

4. Ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã và phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn;

5. Việc tổ chức hội nghị cử tri quy định tại điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của luật này;

6. Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND phải chuyển biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và biên bản hội nghị lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình về việc thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Ban công tác mặt trận chuyển biên bản hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố về việc thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã đến ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.”

Như vậy, từ những quy định của pháp luật nêu trên, anh cần nghiên cứu để tổ chức thực hiện cho đúng.

Luật sư Phan Duy Phong

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast