Gian nan tuyển sinh đào tạo nghề

(Baohatinh.vn) - Lại thêm 1 năm nữa, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Dù đã có nhiều cố gắng, chủ động vào cuộc nhưng vấn đề mang tính chất sống còn của các trường dạy nghề, trung tâm đào tạo xem ra vẫn còn nhiều gian nan...

Những con số đáng báo động

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề gặp nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề không tuyển đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đào tạo, kể cả những trường trọng điểm của tỉnh. Đến hết quý I/2014, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức chỉ tuyển được 476/1.658 chỉ tiêu (23 em hệ cao đẳng nghề, 453 em hệ sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng); Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ chỉ tuyển được 138/1.225 chỉ tiêu (36 em hệ trung cấp và 102 em sơ cấp); Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng tuyển được 35 em; các trung tâm dạy nghề khác cũng chỉ tuyển sinh được 315 chỉ tiêu sơ cấp... Đây thực sự là những con số đáng báo động, khiến không ít người trong cuộc phải trăn trở và lo ngại.

Tìm hiểu thông tin tại Ngày hội việc làm Can Lộc
Tìm hiểu thông tin tại Ngày hội việc làm Can Lộc

Thầy Nguyễn Văn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ của người học và các bậc phụ huynh. Đáng lo ngại hơn, năm nay, điểm sàn tuyển sinh của các trường đại học có sự thay đổi theo hướng mở rộng, lấy tối đa số thí sinh dự tuyển nên sẽ tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh cũng như chất lượng đầu vào. Ngoài ra, con số 8.132 lao động đã qua đào tạo nhưng không có việc làm hoặc việc làm không ổn định cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý người học và các bậc phụ huynh...”.

Qua quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, ngoài khó khăn chung thì các cơ sở đào tạo nghề còn có những khó khăn riêng, dẫn tới công tác tuyển sinh chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Có thể đơn cử như: Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức không thể tuyển sinh được ở các huyện phía Bắc do không cạnh tranh được với các trường ở Nghệ An. Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền chưa “đủ độ” nên không thu hút được học sinh (HS); Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh thì gặp khó khăn về kinh phí phục vụ đào tạo; Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh thì có vấn đề về nơi ăn, chốn ở cho HS, sinh viên...

Nỗ lực vượt khó

Trong giai đoạn này, tất cả nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, thời gian ở các đơn vị đều được ưu tiên để phục vụ công tác tuyển sinh. Cùng với các biện pháp, giải pháp mang tính thời vụ, đặc trưng, thì các cơ sở đào tạo cũng đã xây dựng các kế hoạch mang tính “chiến lược”.

Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 2.240 chỉ tiêu đào tạo nghề các loại. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác để về các trường THCS, THPT, các địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động, giới thiệu nhằm thu hút HS. Nhà trường cũng tập trung đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ giáo viên có trình độ để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiến hành rà soát chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN), liên kết đào tạo lao động cho DN, tăng thời lượng học tiếng Anh, tiếng Trung và các kỹ năng mềm...”.

Cũng giống như nhiều trường dạy nghề khác, giai đoạn này, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức đang nỗ lực và ưu tiên tối đa cho công tác tuyển sinh. Đặc biệt, cơ sở đào tạo này đã và đang tận dụng, phát huy tối đa các lợi thế để trở thành địa chỉ thu hút nhiều HS, sinh viên nhất. Theo đó, trong năm nay sẽ có 60% giáo viên giảng dạy trình độ thạc sỹ chuyên ngành và tỷ lệ này sẽ từng bước được nâng lên để tiến tới xây dựng trường chất lượng cao. Các nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ từ ngân hàng tái thiết Đức sẽ được tập trung để mua sắm và sửa chữa trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất. Để thu hút người học, nhà trường đang từng bước mở rộng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để đáp ứng yêu cầu thị trường; riêng trong năm nay sẽ mở thêm nghề mới là kỹ thuật lắp đặt đường ống công nghệ...

Đồng hành với các cơ sở đào tạo, ngành LĐ-TB&XH cùng đơn vị liên quan cũng đang vào cuộc để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan. Trong đó đáng chú ý là các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm và dạy nghề; đã và đang có sự chỉ đạo đào tạo nghề theo đơn hàng với các DN, nhất là Tập đoàn FORMOSA và các DN tại Khu kinh tế Vũng Áng; chú trọng công tác đánh giá kết quả định hướng, phân luồng cho HS sau THCS, THPT; tập trung chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng đặc thù gắn với GQVL sau khi học…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast