Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Buồn như... môn tự chọn!

(Baohatinh.vn) - Với sự đổi mới trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp chỉ phải thi 4 môn gồm: 3 môn thi bắt buộc và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Theo đó, một số môn, đặc biệt là môn Địa lý được hầu hết các thí sinh lựa chọn, và điều đáng buồn là bộ môn Lịch sử lại rất ít được quan tâm.

82% thí sinh lựa chọn môn địa lý

Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh - Phó Chủ tịch hội đồng thi cho biết: “Trong tổng số 7.653 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia cụm tại Hà Tĩnh, có 6.277 thí lựa chọn bộ môn Địa lý cho phần thi của mình (chiếm tỷ lệ 82%)”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Buồn như... môn tự chọn! ảnh 1

Nhiều học sinh cho rằng, địa lý là môn dễ suy luận nên dễ "ăn" điểm hơn

Theo đánh giá chung, nguyên nhân thu hút thí sinh đến với bộ môn này là trong tất cả các môn học, Địa lý có nhiều lợi thế bởi kiến thức dễ học, có bài tập vẽ biểu đồ, bản đồ mà học sinh đã được thực hành nhiều lần. Cùng với việc ghi nhớ kiến thức của môn học trong sách giáo khoa, thí sinh vào phòng thi chỉ cần nhìn át lát để tìm hiểu, suy luận và làm bài là có thể đã có được 3 - 4 điểm.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, tình hình biển đảo được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì thế học sinh có thể hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, các em cũng tự tin hơn khi làm những bài tự luận liên quan đến vấn đề này.

Em Võ Văn Đạt - thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) cho biết: “Học lực của em chỉ mức trung bình nên em đã hết sức thận trọng khi lựa chọn Địa lý làm môn thi thứ 4. Đây là môn dễ học và cũng dễ suy luận. Ngoài ra những kiến thức của môn học này cũng góp phần giúp em định hướng cho bước đi tiếp theo trong việc lựa chọn cơ cấu ngành nghề, nơi lập nghiệp. Đề thi năm nay với em có phần hơi khó bởi đây là đề thi chung dành cho cả thí sinh có nguyện vọng thi đại học, nhưng với phần bài làm của mình em tin sẽ được 5 đến 6 điểm”.

Buồn cho môn Lịch sử

Khác với không khí rộn ràng, tấp nập của ngày thi thứ 3 trong phần thi Địa lý, ngày thi thứ 4 ở bộ môn Lịch sử, hầu hết các điểm thi đều vắng lặng, bởi trong tổng số 7.653 thí sinh, chỉ có 262 thí sinh (chiếm tỷ lệ 3,4%) lựa chọn bộ môn này. Một số điểm thi có số lượng thí sinh dự thi môn sử rất ít như: THPT Hương Sơn 3 thí sinh, THPT Hồng Lĩnh 4 thí sinh, THPT Nghi Xuân 5 thí sinh, THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) 7 thí sinh, THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) 11 thí sinh. Thậm chí có những điểm thi như: THPT Minh Khai (Đức Thọ), THPT Nguyễn Huệ (Kỳ Anh) không có thí sinh nào dự thi bộ môn này.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm gần đây, tình trạng học sinh “ngán” học môn Sử, sợ thi môn Sử và sự yếu kém về tri thức lịch sử đã khiến nỗi lo “mất gốc” trong một bộ phận giới trẻ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, từ khi Bộ GD&ĐT siết chặt kỷ cương trong thi cử thì những hiểu biết mơ hồ, những nhận thức lệch lạc về kiến thức lịch sử càng có dịp lộ ra rõ rệt hơn. Dẫu có rất nhiều người nhận thức được điều này, song những năm gần đây, kết quả học tập và thi cử môn Lịch sử vẫn chưa tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của môn học.

Thầy Lê Ngọc Hà - Phó hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan ( Lộc Hà) chia sẻ: “Kỳ thi năm nay, trường chúng tôi cũng chỉ có khoảng 30 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Từng là giáo viên dạy sử nên tôi rất buồn khi thấy có quá ít học sinh lựa chọn môn thi này…. Vì thế, để thay đổi quan điểm của các em trong việc lựa chọn bộ môn này, ngoài việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bài giảng thì vấn đề làm đổi thay quan điểm thi gì học nấy để xây dựng tư tưởng học gì thi nấy trong học sinh là điều hết sức cần thiết”.

Tại trường THPT Cù Huy Cận tình hình cũng chẳng khác hơn là bao. Thầy Nguyễn Hữu Toàn – hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với bộ môn Lịch sử chỉ có gần 30/126 em thi ở cụm Đại học Vinh đăng ký thi Lịch sử và không có em nào trong số 98 em đăng ký thi ở cụm do tỉnh tổ chức đăng ký bộ môn này”.

Em Dương Đình Sơn - thí sinh tại điểm thi THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) cho biết: “Lịch sử đòi hỏi tính chính xác cao, điều đó trong thi cử lại càng quan trọng nên em không tự tin để lựa chọn bộ môn này”.

Làm thế nào để học và thi tốt môn Sử? Câu hỏi không chỉ của riêng người dạy Sử, học Sử. “Đừng coi môn Lịch Sử là “môn phụ” và hãy trả lại vị trí cho môn Lịch Sử” - nói và làm theo tinh thần đó chính là căn nguyên đầu tiên giúp học sinh không chán Sử, đam mê Sử và giỏi Sử một cách tự nguyện, ý thức hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast