Người “nặng nợ” với học sinh dân tộc Chứt

(Baohatinh.vn) - Thời gian ngắn ngủi của giờ nghỉ trưa đã tạo điều kiện cho tôi được gặp chị - người phụ nữ luôn tận tụy với sự nghiệp trồng người, “nặng nợ” với học sinh (HS) dân tộc Chứt. Chị là Nguyễn Thị Thanh Toàn - giáo viên Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê).

Với chị, nghiệp giáo viên ban đầu chỉ là sự lựa chọn cho kế mưu sinh. Nhưng từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, nhìn những cặp mắt to tròn đầy háo hức của các em nhỏ, cô giáo trẻ Thanh Toàn chợt nhận ra mình thực sự đam mê với con đường đã chọn.

Khi nói đến cô giáo Thanh Toàn, các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đều nghĩ đến một người mẹ dịu hiền của trẻ em dân tộc Chứt.

Tranh thủ giờ nghỉ, cô Toàn chăm sóc cho học sinh.

Tranh thủ giờ nghỉ, cô Toàn chăm sóc cho học sinh.

Duyên nợ với HS dân tộc thiểu số bắt đầu từ khi cô được chuyển về công tác ở Trường Dân tộc nội trú Hương Khê vào năm 2001. Ấy là lúc trẻ em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre được huy động vào học tập từ lớp 1 tại đây. Khó có thể kể hết những vất vả, gian nan của cô khi phải đảm nhận một lúc hai vai, vừa là cô giáo dạy chữ, vừa là người mẹ trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, giám sát mọi hoạt động của đám trẻ hiếu động luôn tìm cách trốn lớp để về với bố mẹ… Cứ 2 tuần một lần, trường cho HS về bản, giáo viên cũng về theo để bàn giao, rồi đón các em trở lại trường; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con để phối hợp chặt chẽ công tác quản lý, đề phòng HS bỏ học.

Những năm gắn bó với trẻ em dân tộc Chứt là quãng thời gian ghi dấu những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của cô. Cô Toàn nhớ lại: “Có lần, 2 chị em Hồ A Suy và Hồ A Sang đánh nhau ở ký túc, tôi vào can ngăn nhưng cuối cùng lại bị HS đánh lại. Nghẹn ngào không nói nên lời, tôi chạy vội về lớp òa khóc. Một lúc sau, 2 chị em Suy, Sang dắt nhau vào xin lỗi cô giáo. Quên cả tủi hờn, lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi các em đã ý thức được việc làm sai trái của mình và nói lời xin lỗi. Rồi những ngày 20/11, thấy lớp bạn mua hoa tặng cô, lớp học đặc biệt này cũng đã gặp tôi để vay tiền mua hoa tặng… tôi. Những lúc như thế, tôi chỉ xoa đầu các em rồi đi mua kẹo phát cho cả lớp cùng ăn. Tấm lòng của các em dành cho tôi thật quý giá vô cùng...”.

Bây giờ, HS dân tộc Chứt bậc tiểu học được chuyển về xã Hương Liên học tập, nhưng con đường đến trường chưa đầy 3 km gặp trở ngại khi các em không còn được hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, mua sắm tài liệu học tập… Hiểu được khó khăn đó, lại am hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của bà con dân tộc Chứt, cô giáo Toàn đã đề xuất nguyện vọng với Trưởng phòng GD&ĐT huyện được tăng cường về Trường Tiểu học Hương Liên để cùng nhà trường vận động HS dân tộc Chứt trở lại trường.

Cùng với đó, cô Toàn còn chủ động kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ Trường Tiểu học Hương Liên 100 triệu đồng để củng cố cơ sở vật chất; kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gạo, quần áo, khám chữa bệnh, cấp thuốc cho dân bản… Ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề cùng tình cảm ấm áp của “người mẹ” và mong muốn được góp sức giúp trẻ em dân tộc thiểu số mở mang kiến thức là động lực tiếp sức cho cô vượt qua chặng đường rừng núi dài gần 60 km mỗi ngày để đến với đàn con “đặc biệt”.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast