Sự học trên "ốc đảo" Lam Giang

Được bao bọc bởi dòng sông Lam, "ốc đảo" Lam Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) có 180 hộ gia đình, đời sống còn hết sức khó khăn. Được tận mắt chứng kiến sự học của thầy, trò nơi đây, chúng tôi càng thấu hiểu sự nhọc nhằn truyền con chữ nơi miền sông nước.

Đường đến trường của giáo viên, học sinh xóm đảo
Đường đến trường của giáo viên, học sinh xóm đảo

Qua sông "gieo chữ"

Một ngày mới của giáo viên ở đây được bắt đầu khi gà gáy. Hành trình quen thuộc của các thầy, cô là 4 chuyến đò ngang và 3 chặng đường: từ nhà đến bến đò, gửi xe – lên đò qua sông và đi bộ thêm 1km mới tới trường.

Sáu giờ sáng, lớp sương mù vẫn đặc quánh triền sông. Mùa lũ, nước sông Lam đục ngàu, con đò nhỏ chở thầy, cô sang ốc đảo Lam Giang bắt đầu cuộc hành trình mới. Ngồi trên con đò gập nghềnh, chao đảo, tôi có cảm giác run run, thế nhưng, trên khuôn mặt của các thầy cô nụ cười vẫn thường trực trên môi.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Minh (người có trên 20 năm dạy học ở ốc đảo này) tâm sự: “Có lần lũ từ thượng nguồn kéo về, nước sông chảy cuồn cuộn, khi đó đò của chúng tôi đã ra giữa sông, bị kéo vào vũng xoáy. Nước từ bên ngoài chảy vào như muốn nhấn chìm con đò. May mà anh lái đò bình tĩnh và có kinh nghiệm sông nước nên chúng tôi mới thoát ra được”.

Thuyền cập bến. Con đường bê tông từ bến đò đến trường dài chừng 1 km bám đầy bùn non. Cô giáo Oanh nhỏ nhẹ: “Chỉ cần lắc rắc vài hạt mưa là con đường này sẽ sục bùn. Nhiều hôm bọn em đến trường, áo quần lấm lem như vừa đi làm đồng về vậy.".

Khoảng sông rộng chừng 300m đã trở thành con đường quen thuộc của cô Lan Minh và các đồng nghiệp. Mỗi khi dòng Lam nổi sóng, con đường đến lớp của các thầy cô lại thêm phần hiểm nguy. Chỉ có những người tâm huyết với nghề thì mới đủ dũng cảm để “cõng” chữ sang bên ấy.

Ngôi trường khang trang nằm dưới tán đa cổ thụ. Trên khuôn viên sân trường các học sinh đang dọn vệ sinh, nhặt sạch lá cây rụng xuống đêm qua để chuẩn bị cho buổi học mới.

Cô Trần Thị Thuý Trà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào mùa lũ, nhiều lúc sân trường nước ngập đến bụng, có khi cả chục ngày mới rút. Tất cả giáo viên phải trực 24/24h, vừa bảo vệ cơ sở vật chất, vừa dọn dẹp vệ sinh. Những ngày mưa bão, nước dâng cao, học sinh phải nghỉ học, nhà trường phải bố trí dạy vào thứ 7, chủ nhật cho kịp chương trình. Chỉ có tình yêu nghề, yêu trẻ mới giúp được chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Khát vọng thoát nghèo

Tiếng gọi nhau í ới của lũ trên đường đến lớp xé tan làn sương mỏng. Một năm học mới bắt đầu bằng những chuyến đò ngang chở theo ước mơ của con em thôn Hồng Thịnh đi tìm tương lai ở bến bờ mới.

Trong một giờ lên lớp
Trong một giờ lên lớp

Giống như bao đứa trẻ trên "ốc đảo" này, em Nguyễn Thị Hoa đến lớp mang theo bao ước mơ và sự kỳ vọng của người mẹ. Bố mất sớm, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau. 11 năm bươn chải trên sông nước, ốm đau, đói khát cứ thế bám riết lấy 2 con người này. “Nghĩ đến tương lai của con, tui tự nhủ mình phải sống, sống để cho con được đến trường. Chỉ cần có cái chữ nó sẽ không khổ như tui nữa” - chị Lan sụt sùi.

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Thuý Trà cho biết: “Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Xuân Giang 2 có 4 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện. Trường luôn nằm trong tốp đầu về thành tích giáo dục của huyện Nghi Xuân, là một trong những trường đặt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện”.

Hiểu được nỗi nhọc nhằn trên đôi vai của mẹ, Hoa càng cố gắng hơn. 4 năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em mong ước sau này sẽ làm cô giáo để tiếp tục mang con chữ về viết tiếp những ước mơ trên ốc đảo.

Năm học này, trường tiểu học Xuân Giang 2 có 49 em ở 5 lớp học. Mỗi em tuy có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của các em là khát vọng đến trường mang theo mơ ước thoát nghèo của người dân vùng sông nước

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast