>> Hành động “tác nghiệp” khác thường của “phóng viên”
Ông Trần Quốc Việt – Trưởng BQL các dự án XDCB (Ban A) huyện Thạch Hà bức xúc kể: Ngày 9/11/2013, khi đang công tác ở Hà Nội tôi được anh em trong ban báo cáo có “nhà báo” đến kiểm tra hiện trường thi công tỉnh lộ 27 (do ban A Thạch Hà làm chủ đầu tư – PV) và đòi dừng thi công vì theo họ do không đảm bảo thiết kế! Không dừng lại ở đó, “nhà báo” này còn đòi phải đào những phần đã thi công để chứng minh ý kiến chủ quan của mình. Trong quá trình đó đã xẩy ra căng thẳng giữa “phóng viên” và đơn vị thi công. Khi thấy sự việc có dấu hiệu không bình thường, tôi đã báo cáo với lãnh đạo huyện Thạch Hà và công an địa phương để làm rõ sự việc.
Ông Trần Bá Từ - Trưởng công an xã Thạch Thắng cho biết, sau khi nhận được tin báo của Ban A huyện Thạch Hà, Công an xã đã có mặt tại hiện trường thấy hai bên xẩy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến xô xát. Sau khi ngăn chăn sự căng thẳng của hai bên, Công an xã đã tiến hành lập biên bản sự việc.
Biên bản sự việc liên quan giữa tổ thi công với "phóng viên" Tạp chí Môi trường và sức khỏe do Công an xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) lập |
Tại biên bản được lập hồi 9h11 phút ngày 09/11/2013, ông Nguyễn Văn Dần - đại diện tổ thi công tỉnh lộ 27, kể lại: "Vào hồi 8 giờ 45 phút ngày 9/11/2013, cả tổ thợ chúng tôi đang thi công thì thấy 1 người đàn ông đi xe máy Dream Việt mang biển kiểm soát 38F3 8197 dừng lại, yêu cầu tổ thợ dừng thi công để kiểm tra đổ không đủ độ dày (bê tông mặt đường - PV). Tôi nói với người đó, lấy thước mà đo chứ giơ chân lên như thế là không được. Còn nếu anh yêu cầu chúng tôi dừng thì anh phải đền bù thời gian công nhân nghỉ làm việc...".
Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Văn Dần tại biên bản này, sau đó giữa 2 bên (công nhân đơn vị thi công và "phóng viên") tiếp tục nói nhau nặng lời, đặc biệt người "phóng viên" đã dùng nhiều lời lẽ thiếu văn hóa: “dừng 100m3 hay 200m3 kệ tổ thằng cha bay, còn tao không biết”, “Mày có biết tao là thằng mô không?” và hăm dọa, thách thức: "Ngày nay tao sẽ không cho bọn mày làm"(!?).
Biên bản còn thể hiện, “phóng viên” đến hiện trường đòi dừng thi công công trình là Nguyễn Doãn Lương (SN 1973), nơi đăng kí thường trú ở phường Đông Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có giấy giới thiệu số 17/GGT-MTSK của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Sức khỏe Võ Tỉnh cấp ngày 6/11/2013, có giá trị đến ngày 31/12/2013.
Tuy nhiên, điều đáng nói, khi “phóng viên” báo moitruongvasuckhoe.vn đòi dừng thi công do "nhìn thấy bằng mắt thường không đảm bảo độ dày theo hồ sơ thiết kế là 27cm” (lời khai của Nguyễn Doãn Lương tại biên bản – PV) nhưng qua kiểm tra thực tế hiện trường, độ dày mặt đường bằng bê tông của tỉnh lộ 27 là 29 cm (vượt 2cm). Và điều này đã được “phóng viên” báo moitruongvasuckhoe công nhận tại biên bản.
Giấy giới thiệu của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Sức khỏe |
Ông Nguyễn Hồng Thái – cán bộ Cty CP Xây dựng Thương mại Đức Mạnh cho biết, ông đã từng thi công nhiều công trình trên địa bàn nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp cản trở thi công tương tự. “Chúng tôi đã và đang thi công hàng chục công trình trên địa bàn, nếu công trình nào “nhà báo” cũng đến nhũng nhiễu, gây khó khăn thì thật phiền phức! Luật có cho phép không và ai chịu trách nhiệm trả lương cho công nhân khi phải dừng thi công? – ông Thái nói.
Những câu hỏi này, chúng tôi xin gửi đến cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần làm lành mạnh hóa xã hội nói chung, ngăn chặn những người mượn danh làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà báo nói riêng.
Luật sư Mai Xuân Định - Trưởng văn phòng Luật sư An Bảo: Việc phóng viên yêu cầu dừng thi công để kiểm tra chất lượng công trình do nghi ngờ thi công không đảm bảo chất lượng là không đúng thẩm quyền. Theo Luật báo chí, Luật xây dựng và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về Quản lý chất lượng công trình xây dựng thì thẩm quyền trong trường hợp này “dừng thi công và kiểm tra chất lượng công trình” thuộc chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Điều này được thể hiện tại khoản 2, Điều 46, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng. Cụ thể, Khoản này quy định: trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn. Hành vi của phóng viên trong trường hợp này có thể bị xử lý hành chính được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; cụ thể:Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và có thể còn bị phạt bổ sung, tước quyền sử dụng thẻ nhà báo không thời hạn. |