Tình Việt – Lào trong âm nhạc

50 năm - nửa thế kỷ nhân dân 2 nước Việt - Lào được sống trong mối tình đoàn kết, keo sơn, trong những tình cảm thương mến dành cho nhau. Tình cảm thiêng liêng ấy không chỉ là động lực, sức mạnh giúp nhân dân 2 nước chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng xã hội mới mà còn trở thành một hình tượng đặc sắc trong sáng tác nghệ thuật. Và có lẽ, âm nhạc cũng chính là con đường ngắn nhất giúp gắn kết những tâm hồn xa lạ...

Nhắc đến những ca khúc về tình Việt – Lào có lẽ không ai không nhớ tới “Bài ca Việt – Lào” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương gắn với tên tuổi NSND Thanh Huyền. Bài này tuy được viết cho bộ phim Hai người mẹ nhưng với chất liệu dân ca Lào và ca từ đẹp đã sớm thoát khỏi hình tượng của bộ phim và trở thành một ca khúc được nhiều người Việt và Lào yêu thích, được chọn trong nhiều chương trình giao lưu quan trọng giữa 2 nước. Những câu hát vừa gợi về truyền thống keo sơn vừa thấm đẫm nghĩa tình luôn gọi dậy những tình cảm thiêng liêng, nhất là đối với những ai đã từng công tác, chiến đấu tại đất nước Lào thơ mộng: “Chung núi chung sông, núi rừng đây từng phen chôn kẻ thù chung/ Một lòng tranh đấu, dẫu núi cao suối sâu ta nguyện bên nhau/ Như rễ chung cây, xiết chặt tay chúng ta hướng về tương lai/ Việt – Lào anh em, vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai/ Lăm-vông nữa đi nào cô gái, nhịp chân bước theo tiếng khèn Lào/ Kìa hát lên, hát lên câu ân tình/ Mừng núi sông cùng ta vui ngày toàn thắng/ Nhìn kìa cờ bay trên núi cao/ Khắp nơi vui hát chiến công Việt – Lào...”

Những bài hát về tình Việt - Lào luôn vang lên trong những buổi giao lưu giữa 2 nước

Những bài hát về tình Việt - Lào luôn vang lên trong những buổi giao lưu giữa 2 nước

Đất nước Lào thơ mộng cũng đã tạo nên cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ nhạc sỹ. Dù đã trải qua bao năm tháng nhưng ca khúc “Bình minh trên đất nước Lào” của nhạc sỹ Vũ Thanh vẫn là bài hát được các nghệ sỹ Lào yêu thích và chọn để biểu diễn. Sự kết hợp khéo léo giữa chất liệu dân ca Lào và tình cảm trong sáng với đất nước bạn đã tạo nên giai điệu tươi vui, tha thiết: “Khi ánh dương về bình minh tươi sáng/ Ta vui hát ca mừng đất quê hương Lào/ Mùa xuân đẹp thắm môi cười/ Ruộng đồng mênh mông cây lúa trĩu bông đón mùa vui xôn xang/ Nhịp nhàng vòng quay, khói cuốn tung bay/ Máy hòa vang reo vang. Ôi đẹp biết bao đất nước Lào mến yêu...”.

Trong chuỗi những ca khúc về tình yêu với đất nước Lào, bài hát “Cô gái Sầm Nưa” của nhạc sỹ Trần Tiến viết về ký ức của anh lính tình nguyện Việt Nam tại Lào với giai điệu nhịp nhàng của điệu Lăm vông cũng được rất nhiều người yêu mến. Bài hát tuy viết về tình cảm riêng tư của anh bộ đội Việt nhưng đó cũng là tình cảm chung của cả một thế hệ bộ đội tình nguyện đã sống và chiến đấu vì đất nước Lào, vì mối quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc. Đây là một trong những ca khúc mà sự quyện thấm giữa những giai điệu dân gian Lào và tâm tư tình cảm của người Việt được khắc họa rất đậm sâu.

Nổi tiếng không kém là ca khúc “Tình Việt Lào” của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới. Ca khúc được sáng tác trong một hoàn cảnh rất tự nhiên trong một chuyến công tác tại nước bạn như một sự khẳng định niềm tin về mối tình keo sơn bền chặt: “Em ở bên này Tây Trường Sơn/ Anh ở bện này Đông Trường Sơn/ Luôn gửi cho nhau câu hát ân tình, câu hát dân ca Lào Thừng, Lào Lùm, Lào Xung/Câu hát dân ca của quê mình quan họ đến với nhau người ơi người ở đừng về/Em ở bên Tây/ Anh ở bên Đông/ Hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng/ Đất nước Cham-pa, đất nước Tiên rồng/ Chung bước đi lên xây đắp mối tình/ Tình Việt - Lào anh em. Tình Việt - Lào anh em Mãi mãi...không bao giờ phai.”

Bên cạnh những ca khúc của các thế hệ nhạc sỹ Việt Nam, các nhạc sỹ Lào cũng có những bài hát vô cùng nổi tiếng. Trong đó phải kể đến bài “Sải chay Lào – Việt Nam” (tấm lòng Lào – việt Nam) của nhạc sỹ nhạc sĩ Humphênh Lắt thạ nạ vôngra. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sỹ cho biết: “Đoàn kết Lào – Việt là quy luật phát triển của hai Đảng, của hai đất nước. Đó là truyền thống từ bao đời nay không thể thay đổi. Ta ở bên nhau, ở cạnh nhau vì địa hình, địa lý nếu không giúp nhau thì không thành sự nghiệp lớn được. Sự gắn bó về địa hình Lào – Việt, và cả Đông Dương nữa, tác động mạnh vào trái tim tôi. Tôi nghĩ rằng nghĩa tình Lào – Việt nó phải được ví như thân thể con người, như chân tay, như đôi con mắt, nghĩa là một sự gắn bó đến hoàn hảo và không thể khác được. Tôi chọn hình ảnh đó vì nó rất phổ thông, dân dã, ai ai cũng nhớ, cũng hiểu được. Hồi đó, tôi đã có được những cảm hứng về tình cảm Lào – Việt. Khi tôi viết, các chiến trường Lào – Việt đưa tin thắng trận liên tục, người Lào, người Việt Nam cùng hô vang mừng thắng lợi… Vì thế trong bài hát có không khí cùng chung thắng lợi. Để hình tượng tấm lòng Lào – Việt, tôi lấy biểu tượng của Việt Nam là hoa Sen, hình tượng của Lào là hoa Chăm pa. Về giai điệu, tôi cố gắng đưa dân ca vào, cả dân ca Lào và dân ca Việt Nam. Ví dụ ở khổ 2 của bài hát: Ô ngam thẹ đé, sải chay Lào – Việt Nam. Đằng đuông Chăm pa lẹ bua luông phuôm ban xừn. (Ôi đẹp sao, tấm lòng Lào – Việt Nam. Như hoa Chăm pa và Hoa sen bừng nở) tôi dựa vào dân ca Việt Nam”. Ca khúc “Sải chay Lào – Việt” là sản phẩm của tình yêu đôi lứa và tình cảm của hai dân tộc trong cuộc tử sinh giành quyền sống làm người nên mới có độ sâu lắng như thế: “Piệp ai nong, kợt huốm thong po me điêu căn, hắc phèng căn pền tai đuội căn, súc đuội căn lẹ thúc đuội căn, sẩi chay Lào – Việt Nam, sải chay Lào – Việt Nam. (Như anh em sinh ra từ trong lòng cùng một cha mẹ, thân yêu nhau, hạnh phúc có nhau, khổ đau có nhau. Tấm lòng Lào – Việt Nam, Tấm lòng Lào – Việt Nam).

Tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân 2 nước trở thành chất liệu trong sáng tác âm nhạc, mặt khác những tác phẩm âm nhạc cũng là chất xúc tác tô đậm thêm tình cảm mến thương với đất nước bạn. Đã có rất nhiều nghệ sỹ dẫu chưa một lần đặt chân lên đất nước bạn nhưng lại có những tình cảm tha thiết thông qua các ca khúc mình hiện.

Nghệ sỹ Quang Hưng – Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh người thể hiện rất thành công ca khúc Dên xa bai xao la (nông dân) của Lào cho biết: “Năm 1994, trong một chương trình giao lưu Việt – Lào tại Hà Tĩnh tôi được giao thể hiện ca khúc Dên xa bai xao la, khi ấy một từ tiếng Lào cũng chưa biết nên đó là một thách thức đối với tôi. Tuy nhiên khi cầm bản nhạc và được dịch nghĩa bài hát tôi đã hát rất tự nhiên. Bài hát sử dụng chất liệu dân ca Lào, hát về công việc, tình cảm của người nông dân, nó từa tựa như bài “một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” nên tôi đã hát rất thành công và cũng yêu mến đất nước Lào từ đó. Về sau trong những chuyến lưu diễn tại Lào tôi đều thể hiện ca khúc này và nhận được nhiều tình cảm của bạn bè bên ấy”. Những câu hát như: “Ta là người nông dân dắt trâu xuống đồng, vai mang cuốc cày. Hỡi em có muốn tìm anh hãy đến bên anh bên cánh rừng xanh yêu thương” thật gần gũi với đời sống tâm hồn người Việt nên cũng được khán giả Việt Nam yêu thích.

50 năm đã trôi qua, nhưng những ca khúc viết về tình Việt – Lào vẫn đi cùng năm tháng và vẫn nhận được sự yêu thích của nhiều thế hệ nhân dân 2 dân tộc. Trong tương lai đang đến với những tình cảm mới, với những bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị giữa 2 nước, tình cảm đó chắc chắn sẽ nồng đượm hơn. Và âm nhạc cũng nhờ đó mà có thêm những nhạc phẩm hay tác động vào trái tim nhân dân Việt – Lào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast