Đi lễ chùa Hương

(Baohatinh.vn) - Đang mùa lễ hội nên hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương (Thiên Lộc, Can Lộc). Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng, hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật là tâm nguyện của rất nhiều người.

Đi lễ chùa Hương ảnh 1
Đông đảo du khách thập phương về lễ chùa.

Từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) là thời gian cao điểm diễn ra lễ hội chùa Hương. Vào thời gian này, mỗi ngày, chùa Hương đón hàng trăm lượt du khách từ mọi miền đất nước về trẩy hội. Nét độc đáo của chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh, lạc vào non tiên cõi Phật. Từ bến Hương Tuyền, du khách lên thuyền, bắt đầu cuộc hành trình về với chốn “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Sáng sớm, cảnh vật còn bàng bạc trong màn sương, ngồi trên thuyền, cảm giác bồng bềnh nhẹ lướt như đang thực sự đi về nơi tiên cảnh.

Vừa hướng dẫn du khách lên thuyền an toàn, chủ thuyền Lê Công Chính vừa hồ hởi: “Đoàn mình đi giờ này là muộn rồi, từ 4h sáng du khách đã đông nghịt. Ngày cuối tuần nên lượng khách đến chùa đông hơn mọi ngày. Như hôm nay, mới đầu buổi sáng mà tôi đã chạy gần chục lượt, mỗi lượt chở tầm 60 người”. Để phục vụ chu đáo, đảm bảo an toàn cho du khách khi lên thuyền, chủ thuyền Lê Công Chính cũng như các thuyền khác đều đầu tư sửa chữa, nâng cấp thuyền và trang bị đầy đủ phao cứu hộ. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, trật tự cho du khách, năm nay, Ban Quản lý chùa Hương đã cho lắp đặt thêm hệ thống camera 12 mắt ở khu vực chùa, camera 4 mắt ở cổng Ban Quản lý và camera 16 mắt ở khu vực cáp treo.

Đi lễ chùa Hương ảnh 2
Hệ thống cáp treo hoạt động hết công suất.

Anh Nguyễn Duy Vỹ - Trưởng ban Quản lý Khu di tích Chùa Hương cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chùa Hương đón hơn 9 vạn du khách. Chúng tôi tăng cường thêm 20 cán bộ an ninh để đảm bảo an toàn cho du khách về lễ hội”. Nhờ tăng cường công tác an ninh trật tự mà từ đầu năm đến nay, lễ hội chùa Hương chỉ mới xảy ra một vụ mất điện thoại.

Hòa vào dòng người bất tận về với khu di tích chùa Hương, chị Phương đến từ Thanh Hóa hồ hởi: “Đường đi khó như vậy nên lòng thành đến với cõi Phật càng lớn hơn, lời cầu xin đức Phật cũng thành tâm hơn. Đây chính là thử thách tâm Phật trên đường đi đến đất Phật!”.

Từ năm 2012, tuyến cáp treo chùa Hương được hoàn thành và đi vào hoạt động, nhờ vậy, con đường đến chốn “Hoan Châu đệ nhất danh lam” cũng đỡ vất vả hơn. Tuyến cáp treo bắt đầu từ bên trái Miếu Cô lên chùa Hương Tích, chiều dài gần 1.000m, toàn tuyến có 7 cột cao từ 12-35m đi qua các triền núi, chênh lệch độ cao ga dưới lên ga trên 300m, thời gian một lượt đi từ Miếu Cô đến chùa Hương Tích hoặc ngược lại gần 4 phút. Ngồi trong cáp treo, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, từ những đồi thông, khe suối đến những dãy núi lớn được sương mù bao phủ tạo nên một khung cảnh nên thơ, hùng vĩ.

Từ trên cao nhìn xuống, cảnh sắc nơi đây vừa hùng vỹ, vừa nên thơ như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: H.A

Từ trên cao nhìn xuống, cảnh sắc nơi đây vừa hùng vỹ, vừa nên thơ như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: H.A

Dù chọn đi bộ hay đi cáp treo, lên đến chùa, du khách vẫn phải tiếp tục cuộc chinh phục lên đến đỉnh khoảng 500 bậc cấp. Nơi đây di tích còn lại được gọi là nền Trang Vương mà theo truyền thuyết, là nền ngôi chùa do vua Trang Vương lập nên lần đầu tiên thờ con gái út là công chúa Diệu Thiện, chính là Phật bà Quan Thế âm Bồ Tát. Từ trên nhìn xuống, phong cảnh đẹp và gió mát khiến bao mệt nhọc tan biến.

Để tránh cảnh người người chen lấn xô đẩy thắp hương chốn cửa Phật, năm nay, Ban Quản lý Khu di tích Chùa Hương bố trí người đứng hai bên lối lên nền Trang Vương để phát cho du khách mỗi người một nén hương. Mặc dù vậy, với lượng khách quá tải, tình trạng xô đẩy, chen lấn khi lên thuyền, hay khi chờ thắp hương, dâng lễ, làm lễ nơi cửa Phật là không thể tránh khỏi và một số du khách vẫn bất chấp quy định, thắp hương quá nhiều gây ngột ngạt.

Năm nay, tình hình vệ sinh môi trường, cảnh quan khu vực chùa Hương được cải thiện đáng kể nhờ hệ thống 50 thùng rác được đặt dọc đường đi. Ngoài ra, Ban Quản lý Khu di tích cũng hợp đồng thêm 12 lao động để tăng cường dọn vệ sinh trong những ngày lễ hội. Tuy vậy, ở đoạn đường tắt, không có thùng rác, một số du khách thiếu ý thức nên vứt rác bừa bãi, làm ô uế chốn linh thiêng.

Trong tiết trời ấm áp và không khí trong lành, ngoài việc lên chùa lễ Phật, được ngắm nhìn những trang sử khắc trên bia đá lưu truyền cho hậu thế, du khách còn có được những phút giây thư giãn khi thả bộ trong rừng thông mơ màng, chụp ảnh lưu niệm ở vườn hoa mới trồng và mua vài thứ sản vật của người dân địa phương. Chùa Hương Tích nổi tiếng khắp xa gần không chỉ ở câu chuyện huyền tích, sự linh thiêng mà còn là danh thắng nổi tiếng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast