"Mùa chuyển" và một bút pháp linh hoạt, giàu chất văn học

Với tập ký “Mùa chuyển” (NXB Lao động) Phan Trung Hiếu đã chứng tỏ mình khá có duyên với thể loại này mặc dầu anh là người làm thơ và là cây bút văn xuôi khó có thể không kể tên trong mảng văn học viết cho thiếu nhi của Hà Tĩnh.

Đọc “Mùa chuyển” ấn tượng nổi bật nhất là tác giả đã tạo cho công chúng báo chí niềm tin chắc chắn rằng họ đang tiếp xúc với sự thật được phản ánh trung thực thông qua một bút pháp linh hoạt, giàu chất văn học. Một hiện thực cuộc sống ngồn ngộn và giàu tính sự kiện, từ sự ra đời của một nhà máy mới, sự hồi sinh của những con tàu, số phận bấp bênh của những kẻ cầu may trong cơn lốc đê hay những khía cạnh thú vị của một món ăn truyền thống… lần lượt hiện lên tươi mới, sinh động qua từng trang sách. Vốn sống, khả năng thẩm định hiện thực và sự nghiêm khắc trong sự chọn lựa những chi tiết khiến mỗi một bài viết của anh là một sự kiện tiêu biểu và có vấn đề. Chính thể loại ký tạo cho “Mùa chuyển” không gian sáng tạo giúp tác giả có thể thông tin thời sự một cách sinh động, hấp dẫn. Nó tác động tới đối tượng tiếp nhận không chỉ bằng khái niệm mà còn bằng những hình tượng.

Trong văn học người ta quan niệm thi pháp của các tác phẩm bắt đầu từ tên gọi của nó thì ở đây những phẩm chất nghệ thuật của “Mùa chuyển” cũng bắt đầu từ những tựa đề. Hãy lật xem: “Dòng sông trên đồng đất khát”, “Đất rừng không hoang vu”, “Nôn nao hến Thượng”, “Đi tìm dây cương cho những chú Ngựa hoang”…Mỗi một “tít” bài đều chứa đựng, gói gọn vấn đề đặt ra trong bài viết một cách hấp dẫn. Phản ánh những sự kiện mang tính thời sự, tính hiện thực nhưng ngòi bút của tác giả không khô cứng, xô bồ. Anh viết tự nhiên, nhuần nhụy: “Nhìn những dòng nước bạc ánh lên từ mặt ruộng, tôi nghe trong rạt rào sóng lúa những tín hiệu báo trước một mùa vui”; Và rồi, trên đồng đất quê tôi màu mía mới sẽ lên xanh ở Đồng Vang, Trạng Trăn, bãi Bè Bè, Trạng Mí…Tôi như nghe trong hơi nồng của đất, trong nắng gió của tiết hanh heo những tiếng rì rầm gọi tìm nhau”.

Mặc dầu có sự nhất quán về bút pháp nhưng cách thể hiện bút pháp ấy qua mỗi bài, trong từng bài đều khá linh hoạt từ cách vào đề, lối khai thác sự kiện, cách chọn và tạo dựng hình ảnh. Điều này tránh cho người đọc cảm giác nhàm chán mặc dầu cùng lúc đọc 18 bài ký xếp bên nhau. Về khía cạnh này, tác giả “Mùa chuyển” thổ lộ: “Việc tìm những hình thức thể hiện mới nhằm đạt tới hiệu quả cao hơn vốn là thuộc tính của quá trình sáng tạo. Và quy luật ấy luôn thúc đẩy tôi, chi phối tôi khi đứng trước một vấn đề, một mảng hiện thực mà mình muốn phản ánh”. Chất văn học của “Mùa chuyển” không chỉ thể hiện ở bút pháp sinh động mà còn ở chỗ sự thẩm định của tác giả bao giờ cũng vươn tới những phạm trù mỹ học, đem đến cho công chúng những cách nhìn, cách cảm đa dạng, nhiều chiều: “Mái tóc bạc trắng như cước ấy chắc sẽ còn dày và đẹp lắm nếu như không có một thời tóc ngắn – Tôi thầm nghĩ”; Bấp chấp hiệu quả ánh sáng, tôi giơ máy ảnh ngắm nét vào những hàng ngô, những vồng khoai và đằng sau là hình ảnh nhòe mờ của nhà máy với hy vọng có một tít ảnh hay: “Lỡ một vụ mùa” hay “Lạc điệu”; “Bất chợt có tiếng còi tàu kéo thử vang lên u-u. Đó là tiếng cười hớn hở của một con tàu mắc cạn đã được hồi sinh hay tiếng khóc chào đời của một con tàu mới? Tôi không phân biệt nổi mà chỉ nghe ra trong ấy những lời mời gọi biển cả thiết tha của những con tàu”; “Bên những rổ hến thơm phức, khuôn mặt em hốc hác xanh xao. Chắc chắn từ nay khi nhấm nháp món hến, ngoài vị thơm ngọt xưa nay, tôi sẽ còn nhận ra vị mặn”…

Thể ký nhìn chung là một thách thức lớn với người viết. Nó đòi hỏi người viết vừa phải có những phẩm chất nghề nghiệp như sự khổ công trong việc đi và viết, sự nhạy bén mẫn cảm, tính trung thực. Ngoài ra, để tác phẩm thật sự gây ấn tượng, xứng đáng với tên gọi thể loại, tác giả còn phải có khả năng chiếm lĩnh hiện thực bằng một bút pháp đa dạng, sinh động, giàu chất văn học. Vẫn còn có những khía cạnh chưa thể “thập toàn” nhưng tôi vẫn tin rằng " Mùa chuyển" xứng đáng với tên gọi là TẬP KÝ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast