SÔNG NƯỚC

Tôi và Khang cùng xã, bạn bè từ nhỏ. Những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ chúng tôi ở cùng đơn vị. Năm 1970, tôi chuyển lên sư bộ. Từ ấy, mỗi người một ngã; bặt tin nhau. Mãi sau giải phóng Sài - Gòn, tôi về quê mới hay Khang đã hy sinh ở mặt trận Tây Nam.

(Truyện ngắn)

Trở lại đơn vị, mấy lần tôi lặn lội từ Cà Mau lên Kiên Giang, An Giang sang Vĩnh Long tìm mộ Khang nhưng không có kết quả. Rồi công việc cơ quan, việc gia đình biến tôi thành kẻ vô tâm với anh tự lúc nào cũng không biết nữa.

Bỗng dưng Khang hiện lù lù trước mắt tôi. Cái sự nhầm lẫn sống với chết, chết với sống trong chiến tranh chẳng phải hiếm. Vậy mà thoạt tiên tôi trố mắt ngơ ngác, xương sống cứ lạnh buốt lên. Tôi cào cấu da thịt Khang để tin là anh còn sống thực.

- Ông... ông chui ở đâu ra thế này? - Tôi lắp bắp.

Vẻ mệt mỏi, Khang ngồi xệp xuống sàn tàu và cứ gật đầu liên tục. Tôi lay vai anh, giục:

- Nói đi!

Khang thôi không gật cái đầu tóc rối bù như một bó lưới nữa. Anh nói bằng một thứ giọng kỳ lạ, nó ồm ồm, nhơn nhớt như được dính kết bởi một thứ nhựa lỏng nào đấy!

- Chuyện dài như sông, kể sau. Có cái gì ăn không, chứ ruột gan tôi rỗng rễnh cả rồi.

Tôi nhờ người cấp dưỡng luộc cá và mì sợi. Khang ăn ngấu nghiến. Xong, anh thả bát, xòe bàn tay đen đúa vuốt dọc bụng và nhắm mắt, mi mắt thâm quầng. Trong ánh sáng vàng mơ của căn phòng nhỏ tôi nhìn ngắm khuôn mặt nhợt nhạt đầy nét vẻ khắc khổ của anh và bỗng một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm lòng tôi. Và đáng lẽ tôi phải nói câu gì đó nhưng lại im lặng nắm tay Khang kéo anh ra boong tàu. Bốn phía chung quanh chúng tôi là bóng đêm mịn màng và tiếng sóng biển ì ầm không dứt. Đội tàu đánh cá xa bờ của chúng tôi thả neo ở cửa sông Duềnh này đã ba ngày nay vì có tin bão xa. Khang là người khách đầu tiên xuất hiện một cách đột ngột và cả kỳ cục nữa: Người ta bắt gặp anh lơ mơ trên con thuyền ba ván dập dềnh bên hông tàu.

- Tôi ngủ quên, sông Duềnh đẩy thuyền đi mà không hay. - Khang vừa cựa quậy như tìm chỗ ngồi thích hợp cho mình vừa nói.

Tôi vui vẻ:

- Mấy năm qua, tôi cứ nghĩ là ông đã chết.

- Riêng chi ông - Khang nói, giọng uể oải - Sau ngày ông đi, đơn vị tôi chuyển vào mặt trận Tây Nam đánh nhau tối tăm mặt mũi. Cuối năm bảy hai, đại đội tan tác, tôi bị đạn vỡ xương vai. Một ông lão dân tộc Khơ Me nhặt tôi về nuôi.

- Sao ông không tin tức gì lên tiểu đoàn để đến nỗi làng xóm đưa tang ông - Tôi ngắt lời Khang.

- Hoi hóp mấy tháng giữa mịt mùng rừng với núi tin thế quái nào được - Khang nói, ném mẫu thuốc lá xuống biển - Vết thương lành, tôi xin ông lão chủ nhà cho về thăm nhà. Ông tiễn tôi ra đường lớn xuống Sài - Gòn. Tôi tính, hòa bình rồi, lính ta ở tràn khắp nơi, nhất định sẽ gặp được ai đó để xin ít tiền, nửa cho ông già mua ngựa - con vật ông ước cả đời - nửa dành về quê. Nhưng cả hai, ngựa và về quê theo tôi vào tù.

Khang bỗng cười, tiếng cười nấc nghẹn. Con tàu chao lắc. Gió phả hơi nước biển vào mặt tôi mặn chát. Phía khơi xa ánh đèn dân chài đánh cá dăng thấp sát đường chân trời. Vì sao lại thế? - Tôi hỏi, giọng bỗng lạnh lùng, dẫu thực lòng không muốn thế.

Khang gạt tay tôi ra khỏi tay anh, nói:

- Ông tưởng rằng, vào tù là vì có tội à? Đằng sằng là thế, nhưng không phải tất cả là thế. Chí ít là tôi, thằng lính không tội trạng chi cũng vào tù.

- Thế nên mới hỏi ông? - Tôi dàn hòa.

Khang nói tiếp:

- Hôm ấy không gặp ai quen biết trong cái thành phố nhộn nhạo ấy. Cứ như lính ta mò về quê hết ráo rồi. Tôi đi lơ mơ dọc vỉa hè thì đụng thằng Chung. ở quê, sau chiến tranh khó làm ăn quá nó vào Nam tìm vận may. Nó cho tôi hay, mẹ và em gái tôi bị bom Mỹ ném trúng hầm, cha tôi chết sau đó mấy tháng vì bệnh tim. Cô gái năm thề bảy thốt với tôi đã đi lấy chồng. Ngày ấy với tôi thật khủng khiếp. Tôi và Chung tấp vào một cái quán nhấp nháy đèn xanh đỏ . Uống ừng ực, uống mụ mị. Tôi say, đập phá cái gì đó; lúc tỉnh dậy đã thấy nằm trong đồn công an. Đấy là lần thứ hai tôi ở tù. Hai lần? Ông bảo, kỳ không? Lần thứ nhất khi tôi với ông còn ở cùng đơn vị. Hồi ấy, tôi không dám kể với ông vì ông làm chính trị viên đại đội; ông biết, tôi mạt kiếp chưa chừng. Mà tôi có lỗi gì đâu. Sau trận đánh đồn Mỹ Hòa, tôi bị đạn thủng ngực, các ông vác tôi vào bệnh viện. Người ta ném tôi từ chỗ này sang chỗ khác. Chỗ cuối cùng là bệnh viện Quân khu 4. Ra viện, tôi theo đường về quê. Về một buổi, một ngày cho đỡ nhớ rồi đi. Vậy nhưng vừa chân ướt chân ráo vào nhà, thằng Hưng xã đội trưởng đã dẫn dân quân đến hỏi giấy tờ. Tôi chỉ có mỗi cái giấy ra viện không ghi tên đơn vị, hắn chụp lên đầu tôi tội đào ngũ, phản bội Tổ quốc và bắt tôi bỏ vào kho phân đạm của Hợp tác xã. Cha tôi bảo, tôi bôi gio trát trấu vào mặt ông. Cô Tịnh thì không thấy mặt mũi đâu. Đêm, tôi giỡ ngói trốn khỏi nhà kho, chạy lên đường 15 xin đi nhờ xe vào mặt trận.

Lần ấy, tôi quay lưng về phía làng mà chạy, còn lần ở Sài Gòn, được thả, tôi nhảy tàu về làng. Tôi đặt chân lên đất làng lúc nửa đêm. Đón tôi chỉ có tiếng chó sửa và tiếng gió lào thào trên ngọn tre và mùi cỏ mật ẩm ướt. Nhà tôi đã thành nhà hoang, thì rõ là thế; có điều nó trống trếnh quá, nó lạnh lẽo quá. Tôi

thắp ba nén hương cắm lên bàn thờ. Cái lư hương bằng đất nung đầy chân hương nhuộm phẩm đỏ. Nghĩa là có ai đó vẫn thờ cúng cha mẹ tôi, thờ cúng tôi. Tôi bám lấy ý nghĩa ấy như bám vào một sự an ủi. Nỗi xúc động trong tôi lắng dịu. Tôi buộc võng vào cột hiên trước thềm ngủ, giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Tôi chưa chết, tôi về nhà chẳng biết ai thông tin mà vừa tơ mơ sáng dân làng đã kéo đến nhà tôi đứng chật vòng trong, vòng ngoài. Người ta cười, người ta khóc. Có người sờ mó mặt mũi tôi cứ như để tin rằng, tôi không phải là ma hiện. Vui mà buồn, buồn mà vui. Kéo dài cho đến trưa. Chập tối, cô Tịnh đến. Ông còn nhớ Tịnh chứ?

Tôi đáp:

- Nhớ. Trước chiến tranh bao nhiêu người theo đuổi, cuối cùng thì cô ấy chọn ông... - Tôi im bặt, vì chợt nhận ra mình lỡ lời.

Cô Tịnh mặc áo gụ, quần đen, tóc thả buông sau vai giống như xưa, chỉ khác là người béo nộn, còn nét mặt buồn thiu. Cô ấy lí nhí: “Tôi đến để xin anh tha thứ”. Người tôi ngôn ngốt, rồi thấy mình bị lừa dối, rồi thấy mình bị thiệt thòi nhất thiên hạ. Tôi hỏi, giọng cay nghiệt: “Cô biết tôi chưa chết mà vẫn đang tâm đi lấy chồng ư?”. Tịnh sụt sịt một lúc, rồi nói: “Không phải thế. Xã truy điệu anh hẳn hoi”. Tôi cười nhạt, nói: “Thế thì việc gì mà cô phải xin lỗi. Thôi, cô về đi”. Tịnh nhìn tôi bằng cái nhìn rân rấn rồi hỏi có vẻ hồi hộp lắm: “Anh giận tôi không, anh Khang?”. Tôi nói giống những tiếng thở dài: “Hơi sức đâu nữa mà giận”. Tịnh ngước khuôn mặt bầu bĩnh có một nốt ruồi hồng hồng dưới mi mắt, về phía tôi. Tôi thấy được nét thật thà trên khuôn mặt ấy: “Từ nay anh tính sao? Là nói chuyện làm ăn sinh sống ấy?” - Tôi nhăn nhó cười: “Lúc nãy tôi ra vườn thấy con thuyền cha tôi cất giữ giữa bãi giong riềng”. Nghe vậy, Tịnh giật mình, chí ít đấy là cảm giác của tôi. Cô nói, giọng run run: “Làm nghề sông nước ư? Lênh đênh lắm thôi”. Tôi nói cái giận hờn bỗng bất thần ập vào mình, tôi nói thế này: “Đây đã đủ nỗi rồi, lênh đênh thêm nữa có sá gì!” Tịnh ra về. Tôi nhìn theo. Đêm ấy cứ như côn trùng cả làng nước kéo hết về vườn nhà tôi, kêu inh tai nhức óc.

Sau đó vài ngày, vá đắp mộ cho cha mẹ và em gái xong, tôi nhờ người khênh con thuyền ba ván xuống sông. Sông Duềnh không rộng, đáy sông gồ ghề, bờ sông tấp đầy rác rưởi và nhâm nhi ruồi. Thế nhưng cá thì ít. Tôi còng gập lưng trên cần te đến răng rắc cột sống cũng chỉ đủ tiền ăn và tiêu vặt hàng ngày.

Một hôm, thằng Hưng mò xuống thuyền tôi. Nó nói như tự giới thiệu, như dọa dẫm rằng, nó là chủ tịch xã; rằng, chính quyền chưa rõ thời gian mất tích của tôi. Và rằng, tôi phải sống theo khuôn phép, không được tới những chỗ hội họp, những nơi tập hợp đông người. Nếu không nghe lời, hắn sẽ cho biết sức mạnh của chính quyền xã thế nào. Nỗi tức giận, nỗi tủi cực và cả sự bất lực khi cùng lúc nổi lên, trộn vào nhau thì chỉ có nổ tung cả người. Tôi thấy máu giần giật khắp vỏ não. Mẹ nó! Một kẻ không đi chiến đấu, khi chiến tranh qua rồi, trời yên bể lặng rồi lại khệnh khạng nhân danh này nọ mà dạy dỗ người khác. Nghĩ thế nhưng tôi cắn lưỡi im lặng cho mãi tới lúc cái dáng bục bịch của hắn lên khỏi thuyền...

Khang bỗng thở hổn hển, khua khoắng cánh tay trong bóng đêm. Tôi châm thuốc hút, cảm thấy miệng đắng nghét và trong người nôn nao. Chừng đã khuya, biển nổi gió, sóng vỗ loạp roạp dưới mạn tàu. Tôi nhìn khuôn mặt Khang, trong ánh đèn vàng ệch từ nóc tàu dọi xuống bệch bạc màu sáp, muốn chia sẻ với anh bằng một lời nói thật thân thiết. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng thì Khang đã gần như chồm lên tôi, hỏi:

- Tại sao hắn lại thù hằn tôi kia chứ?

Tôi vội nói, nói trong sự bối rối, trong sự không tin mình.

- Ngày xưa hắn giam ông để giành cô Tịnh. Còn sau này nó thù ông vì nó sợ ông.

- Ha! ha! Nó sợ tôi? - Khang cười hấc lên - Cũng có thể ông nói đúng. Và tôi cũng sợ hắn. Thú thật là nhìn cái lưng to bè của hắn lừ lừ trên bờ sông, tôi tính bài chuồn; kiếm khúc sông khác cư ngụ. Sông Duềnh thì dài, thuyền tôi thì bé cỏn con. Một hôm, thuận con nước xuôi, tôi gác chèo, tháo cởi dây buộc thuyền nơi cây bần to lớn nhất bờ sông cạnh bến tắm của làng. Cái gốc bần ấy những đêm có sương mù nó cứ hiện lên mờ mờ, lúc trắng hếu, lúc đen nhưng nhức và cứ lắc lư như một bóng ma.

Khang bỗng im bặt. Anh chống tay vào đầu gối đứng dậy đi đi lại lại quanh chỗ tôi ngồi. Rồi áp người vào mạn tàu, chắp hai tay sau lưng, anh ngoảnh mặt về phía sông Duềnh:

- Đêm trên sông nước nó không yên tĩnh nổi ông nhỉ? Dù là nó cứ đen sẫm, cứ thăm thẳm ông nhỉ? - Giọng Khang nghe bập bềnh.

- ờ... ừ... - Tôi nói.

Khang quay lại ngồi xuống bên tôi, tựa vai vào tôi nói tiếp:

- Tôi đang định rút tấm ván cầu lên thuyền thì bỗng nghe tiếng bước chân lép nhép sau cái gốc bần ấy. Tôi ngửng đầu nhìn và nhận ra cô Tịnh. “Ai đấy?” - Tôi hỏi để mà hỏi. Tịnh thều thào: “Tôi... tôi đây mà”. Tôi lạnh lùng: “Cô xuống đây làm gì?”. Hình như Tịnh bối rối, bàn chân chuầy trên ván cầu.

Rồi cô bước thật nhanh lên thuyền. Con thuyền chao lắc, nghiêng mạn về phía bờ. Tịnh ngồi xệp xuống, bám một tay vào cọc chèo; chắc sợ ngã, và ngước nhìn tôi. Vẫn cái nhìn hút hoẵm hồi trước chiến tranh cô rẽ đám cỏ lau xuống bờ sông Duềnh nhìn tôi đãi hến. Lòng dịu lại, tôi mới hỏi: “Việc gì vậy?”. Tịnh nói như người hụt hơi: “Tôi mua cá”. Trong khoang thuyền vỏn vẹn một con cá chép bằng cái lá đa và vài vốc cá cờ. Tôi nói: “Dưới khoang thuyền ấy?” và nhìn vu vơ lên ngọn bần. Cuối mùa hè, những cánh hoa bần như những cái kim khâu đỏ sẫm bay lăm răm khắp nơi. Tịnh đặt cái sảo tre xuống sạp thuyền rồi cúi khom người thò tay vào khoang thuyền. To, nhỏ tấm mén cô vớt hết. Xong nách sảo bên hông bước lên bờ sông. Cứ như cá của nhà cô ta vậy. Tịnh đi rồi, tôi lại buộc dây neo thuyền vào gốc bần. Suốt buổi tôi vơ vẩn trên thuyền, ý nghĩ trong đầu cũng vơ vẫn. Thật tôi không hiểu nổi tôi ra làm sao nữa. Gần trưa Tịnh từ chợ đi thẳng xuống chỗ tôi. Tôi biết vậy vì thấy cô đi theo lối mòn ven sông. Trong cái sảo tre bây giờ đựng đầy những thứ cần thiết cho đời sống sông nước: Gạo, mắm, muối, thuốc lào, bao diêm... “Của anh cả đấy” - Tịnh nói và thò tay vào chỗ nào đó phía trong vạt áo ngực lấy ra tờ giấy bạc cuộn tròn buộc bằng một sợi dây chuối, dúi vào tay tôi: “Còn mấy đồng đây nữa” - Tịnh nói và mủm mỉm cười, nụ cười buồn hơn là vui. Tôi chán nản: “Rõ ràng nhỉ?”. Tịnh cúi đầu, mi mắt chớp chớp, giọng hiu hắt: “Nếu không có cái sự ngày xưa thì nay tôi đâu phải ngồi tính toán với anh”. Cứ như có kim châm chích khắp da thịt, tôi gắt: “Tại ai?”. Cô ấy cúi đầu thấp hơn, đôi vai còn run lên nữa, nom tồi tội thế nào. “Tại tôi - Tịnh nói - Nhưng mà anh không biết tôi cực khổ đến đâsu đâu. Tôi bị bố mẹ ép lấy anh Hưng”. Tôi nói: “Hèn!”. Tịnh ngửng đầu, ánh mắt đen nhức: “Mãi sau lễ truy điệu anh, tôi mới...” - “Thôi dẹp và về đi” - Tôi ngắt lời Tịnh. Cô ấy nhìn tôi, mắt rân rấn, rồi bước rất chậm lên bờ sông.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa... vẫn thế. Vẫn mờ sáng, Tịnh xuống thuyền vớt cá, gần trưa đưa thức ăn, cái uống đến cho tôi. Cô đã giúp tôi khỏi phải chiềng mặt ra giữa cái chợ quê đầy những người quen mà lạ, lạ mà quen.

Đến một chiều nọ, tôi còn nhớ là bầu trời nửa sáng, nửa tối và gió thì hôi hổi. Tịnh xách một cái giỏ tre - thứ giỏ người làng tôi chỉ dùng để đựng lễ vật những ngày giỗ chạp, tết nhất. Xuống thuyền, cô lấy từ trong giỏ ra một khúc đuôi bò luộc vàng ươm, một quả ớt, một gói muối, một vốc lá diếp cá lẫn lá quế và một hươu rượu. Tịnh rót rượu ra cái chén thủy tinh. Những cái bong bóng tí xíu từ đáy chén ngoi ngóp lên không dứt. Cô nói: “Rượu tôi tự nấu đấy. Nấu lấy bã nuôi lợn. Chẳng bán được đồng nào. Chồng tôi uống sạch khô. Anh ở sông không biết, chứ trên làng dạo này đang sản xuất lớn, ồn ào lắm. Tôi nói: “Tôi biết làm đếch gì!” Tịnh có vẻ như người có lỗi, lí nhí: “Là tôi thuận mồm, thuận miệng nói ra thế”. Cô đưa chén rượu vào tay tôi. Tôi uống một mình. Uống mà cứ thấy đôi mắt Tịnh như hai cái vảy cá lóng lánh hướng vào tôi. Rượu ngon mà cổ họng tôi đắng ngắt. Mắt tôi cay cay, lòng thì nao nao. Tịnh hỏi tôi: “Cần chi nữa thì bảo”. Trời ơi, còn ức triệu cái cần cho cuộc đời trống hoang hoác của mình, nhưng tôi lại nói: “Đủ!” Tịnh kéo cái giỏ tre vào lòng, vẻ uể oải: “Tôi về nhé”. Tôi nhìn những cái lá dứa uốn cong bên bờ sông nói bâng quơ: “Vội thế à?”. Bâng quơ thế nhưng Tịnh lại đặt cái giỏ vào chỗ cũ. Những ngón tay Tịnh ngọ nguậy trong cái giỏ giờ chỉ còn lá chuối khô, nghe lào xào. Giọng cô ấy dường như cũng lào xào trong tai tôi: “Tôi... thương anh lắm, anh Khang ạ”. Tôi ngửa cổ uống chén thứ ba, rồi thứ tư, rồi ực chén thứ năm. Con thuyền dập dềnh, người tôi chao đảo. Gương mặt Tịnh cũng chao đảo. Và sông Duềnh dựng ngược lên. Tịnh kêu: “Ngã đấy”, và tới ôm lấy vai tôi. Vì thế mà mặt tôi áp vào ngực cô ấy. Lúc đó bất thần trời nhả hạt mưa lắc rắc, loáng cái bốn phía rào rào lên. “Ướt!” - Tịnh nói. Tôi chui vào khoang thuyền có mái che rồi vươn tay qua cửa kéo Tịnh theo. Tôi bảo Tịnh: “Đóng cửa lại”. Cô ấy thì thào: “Tôi về thôi”. Và đưa tay thả tóc. Tóc Tịnh dài trải cả xuống chiếu. Tôi vươn tay kéo tấm ván cửa lậc khậc... Lần ấy, tôi đã hùng hục giành giật cái đáng ra là của tôi. Và, ông ạ dường như trong tôi còn có cả sự trả thù thằng Hưng.

Tôi nói với giọng đùa đùa:

- Ông được lắm!

Khang không để ý đến lời tôi, nói tiếp.

- Xong việc, Tịnh ngồi dậy ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi lập cập giúp cô mặc áo. Tôi thấy mắt cô đầy nước, mới hỏi: “Làm sao mà khóc?” Tịnh đáp: “Chẳng làm sao cả”. Rồi mềm mại như một con mèo cô luồn qua ô cửa . Bên ngoài trời đêm đã mờ mịt. Cái gốc bần đầu mũi thuyền nghiêng ngả lúc đen, lúc trắng. Tịnh nhoài người trở lại. Tôi phải dắt cô lên khỏi ván cầu. Đến bờ sông, Tịnh bấm ngón tay vào lòng tay tôi và thì thào: “Tối mai tôi xuống”.

Tịnh về rồi, tôi nhảy xuống sông lặn hì hụp. Nước mát, đêm ngọt lành không sắp xếp nổi mọi ý nghĩ rối rắm, xáo trộn và không có cái gì mạch lạc trong đầu tôi. Tôi ngủ cho đến sáng bạch mới thức dậy chắc bởi mỏi mệt chứ chẳng phải vì thanh thản. Hôm ấy tôi không buông te. Đêm đến, tôi ngồi đầu mũi thuyền ngóng lên lối vào làng. Nhưng Tịnh không xuống. Những ngày tiếp đó cũng không thấy cô ấy đâu. Tôi nới dài dây neo, đẩy thuyền ra giữa sông rồi đi lên làng. Người con trai đầu lão Khế vươn cái cổ dài như cổ cò qua hàng rào tre khô nháy nháy mắt, nói với tôi: “Hôm làng ta mổ lợn liên hoan tiễn vợ chồng anh Hưng lên làm quan trên huyện sao không thấy anh Khang đến dự, hỉ?” Tôi cười trệu trạo. Anh ta liến thoắng: “Đi rồi! Có nhà cao cửa rộng trên phố từ đầu năm ngoái. Giỏi đến thánh cũng phải trố mắt mà nhìn, hỉ?” Tôi bỏ đi loanh quanh trên con đường làng đầy lá tre rụng và hoa mưng. Sau đó, tôi trở về thuyền, hai chân như treo đá nặng trĩu. Tôi nghĩ, thế lại hay, cái sự cô ta đi khỏi làng ấy. Là nghĩ vậy nhưng trong lòng tôi thì lại thấy trống vắng, buồn buồn. Tôi nằm ngửa kẹp tay lái thuyền vào giữa hai đầu gối mặc nước chảy bè trôi. Và rồi tôi ngủ quên.

Khang ngoảnh mặt về phía tôi, bất ngờ chộp hai tay lên vai tôi, giọng lộ vẻ mừng rỡ:

- Thuyền tôi dạt vào tàu ông, khỉ ạ!

Tôi nói:

- Trời xui đất khiến, dẫn lối đưa đường cho ông và tôi gặp nhau đấy - Chợt nhận ra bàn tay Khang nặng nề rơi khỏi vai tôi, tôi nói tiếp - Quên sông Duềnh đi. Từ nay ông ở lại đây với tôi. Công việc nhiều và thu nhập không đến nỗi nào.

Khang hỏi:

- Có ổn không?

- Biển mênh mông có gì mà không ổn - Tôi nói.

*

* *

Khang thực sự là người của sông nước. Anh có sức khỏe và sự dẻo dai đến kỳ lạ. Ngoài công việc được giao là kéo lưới, Khang không nề hà bất cứ việc gì khác. Từ lau sàn tàu, vá lưới, chuyển nước ngọt, ướp cá, nấu nướng... Anh béo ra và đen hơn. Khuôn mặt đã mất dần nét vẻ lạnh lùng, lầm lì. Anh không còn ngồi như một bức tượng đầu mũi tàu hàng giờ đồng hồ vào những đêm biển lặng. Mỗi kỳ nhận lương, nộp tiền ăn xong, còn lại đồng nào anh xếp phẳng phiu vào cái hộp gỗ để đầu giường nằm. Một hôm anh ngồi vá áo, bỗng ngửng đầu hỏi tôi:

- Một con ngựa bao nhiêu tiền nhỉ?

Tôi nhớ chuyện Khang từng kể về ông già người dân tộc Khơ Me, nhưng hỏi đùa:

- ở trên biển, ông tính chuyện mua ngựa à?

- Một con ngựa bao nhiêu tiền nhỉ? - Khang lặp lại câu hỏi. Giọng nói và nét mặt đầy vẻ quan trọng.

- Khoảng tám chục đồng.

- Thế thì đủ rồi! - Khang nói, mặt ngời lên - Hôm nào ông về đất liền giúp gửi cho ông già hộ tôi nhé.

- Mai tôi về tỉnh họp, sẽ gửi.

Khang nói:

- Tôi sẽ viết thêm lá thư. Phải một lá thư dài. Chợt thấy những ngón tay của anh lóng ngóng với cái kim khâu tí xíu, tôi bất giác buông tiếng một thở dài:

- Bốn chục tuổi rồi ông Khang ơi! - Tôi nói, cố lấy giọng vui vẻ.

- Thì sao? Khang hỏi, giọng khàn khàn.

- Ông định tu trên tàu này à?

Khang nhìn tôi đăm đăm, vẻ như thăm dò, rồi phá ra cười.

- Trên tàu của ông toàn giống đực thế này thì rồi tôi cũng đến thế thôi.

Tuần trăng ấy, tôi dẫn Khang lên nhà máy Đông lạnh Đò Điệm. ở đó có cô thủ kho tên là Hà, người to béo, nhưng khuôn mặt lại nhỏ nhắn, tươi tỉnh. Hà từng đi thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, luẩn quẩn thế nào không chồng, không con. Sau đó, Khang còn đi một mình lên gặp Hà hai lần nữa. Chuyện có vẻ xuôi xuôi. Tôi hỏi:

- Tổ chức được chưa? Lấy vợ thì cưới liền tay ông ạ.

Khang gãi gãi đầu, há miệng cười.

- Cô ấy bảo, năm sau chứ năm nay năm tuổi của cô. Vả lại, còn phải sửa sang căn nhà tập thể.

Tôi mừng, nói:

- Còn vài tháng nữa thôi. Chuẩn bị đi là vừa.

Ngỡ mọi chuyện tốt đẹp thêm lên. Nào ngờ... Đùng một cái, sau chuyến vào bờ lấy nước ngọt ra, Khang xộc vào phòng tôi, mặt lộ rõ vẻ xúc động. Anh nói, hổn hển:

- Thằng Hưng bỏ cô Tịnh rồi!

- Tưởng việc gì ghê gớm - Tôi thở phào.

Khang không thay đổi nét mặt, không thay đổi giọng nói, nghĩa là đầy vẻ xúc động mà theo tôi là rất vô lý.

- Hắn bỏ cô Tịnh rồi ông ạ.

Có sự liên quan giữa Khang và Tịnh dạo ở sông Duềnh, nhưng đã hai năm rồi. Vợ chồng hắn bỏ nhau thì can hệ gì tới Khang. Tôi bực bội, đập tay vào vỏ tàu:

- Ông đa mang chuyện thiên hạ làm gì. Hãy lo cho cái thân của ông ấy.

- Nhưng...

- Nhưng... nhưng cái gì - Tôi ngắt lời Khang, tự cho mình cái quyền bảo vệ anh, giọng tôi lâu mỗi gay gắt - Quên cái bữa mưa trên sông Duềnh ấy đi! Người ta chung thủy với ông lắm à?.

Bất ngờ Khang khoát tay:

- Ông nhầm - Khang nói cụt ngủn.

- Quên. - Tôi nói.

- Ông nhầm - Khang nhắc lại, lần này không chỉ cụt ngủn mà còn hơn thế, giọng anh như hai viên sỏi ném vào tai tôi lăn long lóc trong vỏ não.

Tôi tức tối bỏ Khang lại một mình đi về phía đuôi tàu. Khang chạy theo tôi:

- Rắc rối ở chỗ là thằng Hưng bảo Tịnh lăng nhăng với tôi nên nó bỏ, nó ly dị.

- Láo toét! Muốn nói gì thì nói à? - Tôi rít qua kẽ răng. Nhưng liền ngay đó, tôi bỗng nhận ra sự việc phức tạp chứ không đơn giản như tôi tưởng. Tôi trấn an Khang và cho cả mình: - Hắn lấy cái vu vơ gán cho Tịnh thôi. Con người hắn, ông còn lạ gì.

Khang nói, như nói cho mỗi mình nghe:

- Bữa trên sông ấy có ai biết đâu. Với lại, trên thuyền chòng chành...

Tôi ôm lấy vai Khang. Con người to lớn tính khí cứng cỏi đánh đấm khắp chiến trường, đạn thủng ngực, thủng bụng vẫn cứ khỏe như vâm, vậy mà lúc này mắt mở to đầy vẻ hoang mang. Tôi bỗng thấy con tim mình nhói đau:

- Ngày mai về huyện xem thực hư thế nào?

- Ông đi với tôi nhé - Khang nói. Tôi nhận thấy những ngón tay anh run run trong bàn tay mình.

... Ngày mai mà tôi nói ấy, trời mưa rả rích. Gió mùa đông bắc thổi thông thống. Trời sùm sụp màu chì. Tôi chở Khang trên chiếc xe máy cũ kỹ tôi mua từ hồi còn ở bộ đội. Đường đi ướt át, nhiều đoạn bùn lầy lội. Khang nín thinh như thóc. Gần trưa chúng tôi đến phố huyện. Việc tìm nhà Hưng chẳng mấy khó khăn. Hình như anh ta là một nhân vật có tiếng tăm; hỏi ai cũng biết. Dân phố huyện kể, họ đã ra tòa ly dị. Người chồng lên cao hơn, chuyển ra tỉnh, còn cô vợ bồng con về quê.

Chúng tôi đứng trước ngôi nhà của vợ chồng Hưng giờ đã chuyển sang chủ khác. Khang có vẻ bần thần. Tôi vừa sửa cái mũ vải bị gió đánh lệch trên đầu anh vừa nói:

- Về thôi! Không dính dáng gì đến chúng mình nữa.

Khang nặng nề và lóng ngóng trèo lên xe tôi. Ra khỏi phố huyện một quãng, anh bỗng đập mạnh lên vai tôi.

- Dừng lại.

- Sao thế?

- Ông về trước. Tôi rẽ qua làng, chiều xuống tàu.

- Thì để tôi chở ông. Làng còn xa mà đường khó đi.

- Mặc tôi.

Biết tính Khang, tôi không nói gì thêm. Mà thực ra cũng không kịp nói gì, vì xe vừa dừng, Khang đã rẽ theo con đường nhỏ chạy thẳng vào giữa một cánh đồng hun hút. Phía cuối cánh đồng là những rặng cây xanh mờ. Tôi đứng nhìn theo bóng Khang một lúc rồi chạy xe về phía biển.

Chiều ấy Khang không xuống tàu như lời hẹn. Suốt đêm cũng không thấy. Nửa buổi sáng, có một thằng bé chừng mười lăm tuổi chèo thuyền ra cửa sông Duềnh tìm đến tàu tôi. Sau khi cẩn thận hỏi tên tôi, nó trao cho tôi một tờ giấy vỏn vẹn mấy hàng chữ nguệch ngoạc.

“Con của Tịnh nhiễm chất độc màu da cam. Thì chắc chắn là con tôi rồi. Con tôi, ông ạ. Chứ thằng Hưng biết chiến tranh là gì đâu. Vậy nên tôi ở lại làng, chưa hẹn được ngày xuống tàu với ông. Cảm ơn ông đã nuôi tôi thời gian vừa qua.

Bạn của ông

Khang”

Những con chữ chao lắc trước mắt tôi. Tôi áp ngực vào mạn tàu gọi với theo thằng bé, chí ít cũng phải nhắn gửi Khang một lời gì đó. Nhưng con thuyền ba ván đã đi xa vào tận cửa sông Duềnh. Nơi đó sóng đang cồn lên trắng xóa cả một vùng.

12-2000

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast