Tháng Năm đẹp nhất tên Người

Mặc cho cái nắng gắt gao đầu hạ, tháng năm vẫn trở về nhẹ nhàng trong trái tim bao người dân đất Việt, khi những đóa sen hồng bung nở những cánh mỏng manh đón bước chân du khách về thăm “Làng Chùa quê mẹ và Làng sen quê cha”. 122 mùa sen đi qua là thêm bấy nhiêu lần mong nhớ Bác.

Nhớ tháng Năm năm nào, chúng tôi - những sinh viên từ Hà Tĩnh, Ninh Bình chân ướt chân ráo đặt chân đến đất Thành Vinh, đạp xe rong ruổi trên chặng đường dài tít tắp, qua đất Hưng Nguyên mịt mù bụi đá công trường, mà lòng vẫn khấp khởi niềm vui khi về thăm quê Bác. Đi giữa ân tình bát ngát hương sen, nếp nhà tranh giản dị, đơn sơ nép mình dưới hàng cau thong thả đón nắng sớm. Nhớ nhất là hình ảnh chiếc khung cửi, nơi người mẹ dệt nên những tấm lụa bằng tất cả tình yêu thương, che chở. Để sau này, lúc Người về thăm quê “gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải, gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ…”, lại rơi giọt lệ thương mái nhà tranh, thương đất mẹ nghèo.

Con lại về quê Bác tháng Năm
Con lại về quê Bác tháng Năm

Tháng Năm đánh thức trong tâm khảm mỗi người nỗi nhớ Làng sen, để rồi không ai bảo ai tự tìm về nếp nhà giản dị với những kỷ vật nhuốm màu thời gian, nơi lời ru người mẹ nuôi lớn một đời vĩ nhân.

Không chỉ là tháng năm, suốt chiều dài thời gian, khi âm hưởng hào hùng của các sự kiện lịch sử vang lên rộn rã, lòng người lại thầm nhắc Hồ Chí Minh theo dòng sự kiện. Với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, tại Bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu La-tút-sơ Tơ-rê-vin, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Dấu chân Người để lại khắp muôn nơi, từ nước Pháp xa xôi, đến nước Mỹ - nơi có tượng thần tự do mà vẫn đầy rẫy bất công, ngang trái; rồi đặt chân đến Anh, Liên Xô, Trung Quốc.

Nguyễn Tất Thành bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống và học tập, thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước. Cũng từ đó, Đảng Cộng sản ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Con thuyền cách mạng nước ta có người cầm lái vững vàng, kiên cường vượt qua bao sóng gió thác ghềnh để đi đến bến bờ thắng lợi.

Từ các cao trào cách mạng - những cuộc tập dượt lớn như: cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cao trào vận động dân chủ 1936-1939, cao trào đánh Pháp đuổi Nhật, đêm trước của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc. Cách mạng tháng Tám là bản hùng ca thời đại, tiếp tục ngân vang theo dọc cuộc trường chinh cách mạng của dân tộc Việt Nam vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tháng Năm, trong dòng cảm xúc của mỗi người dân Việt Nam luôn vang mãi khúc khải hoàn ca của một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ gắn liền với nhau thành một sự thật vĩ đại, chói lọi niềm hy vọng to lớn. Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, những người từng đi qua chiến tranh như sống lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh mà biết bao tự hào. Từng thước phim trôi chậm theo ký ức. Để rồi mỗi lần như thế, thế hệ cha anh tiếp lửa cho lớp thanh niên thời đại mới, nhắc nhớ cháu con về quá khứ hào hùng của dân tộc, lập công dâng lên Bác kính yêu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast