Lộ diện “Người vận chuyển” số 1 thế giới

Cùng với việc tái khởi động dây chuyền sản xuất Mi-26T2 cho Algeria, Nga cũng sản xuất phiên bản trực thăng vận tải hạng nặng này cho quân đội nước mình.

lo dien nguoi van chuyen so 1 the gioi

Nga mua trực thăng vận tải Mi-26T2 cùng loại bán cho Algeria

Theo truyền thông Nga, Bộ quốc phòng nước này đã quyết định mua sắm số lượng chưa xác định loại máy bay vận tải hạng nặng số 1 thế giới là Mi-26T2. Việc sản xuất này được đưa ra sau khi nước này tái khởi động dây chuyền sản xuất cho khách hàng Algeria.

Ngày 12-5, ông Andrey Shibitov, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn chế tạo máy bay “Trực thăng Nga” (Russian Helicopters) tuyên bố rằng, họ đã chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng nước này một phiên bản mới của trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 Halo.

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty công nghệ Nga (State Corporation Rostec) tiết lộ, phiên bản Mi-26T2 giành cho quân đội Nga có thiết kế tương tự các máy bay thuộc dự án chế tạo cho Algeria và thêm vào một số cải tiến mới cung cấp riêng cho không quân Nga.

Mi-26 (NATO định danh là Halo) là loại trực thăng vận tải hạng nặng 2 động cơ do Cục thiết kế Miri của Liên Xô cũ (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Nhà máy chế tạo trực thăng Miri Moscow) thiết kế, chế tạo vào thập niên 1970 và gia nhập quân đội Nga vào thập niên 80.

lo dien nguoi van chuyen so 1 the gioi

Đứng bên cạnh Mi-26T, chiến đấu cơ hạng nặng Su-30MK trông như một “đứa trẻ con”

Mi-26T bắt đầu được chế tạo hàng loạt trong giai đoạn những năm 1980 tại Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol (hiện trực thuộc Russian Helicopters), có trụ sở tại thành phố miền nam nước Nga là Rostov on Don. Hiện nhà máy nay đã tái khởi động dây chuyền sản xuất để chế tạo Mi-26T2.

Tháng 5/1985, Mi-26 chính thức được phê duyệt sản xuất cấp quốc gia và bắt đầu được xuất khẩu năm 1986, với giá bán lúc đó là 10,2 triệu USD/chiếc.

Sau khi được sản xuất hàng loạt, 2 phiên bản dân dụng và quân sự của Mi-26 đã được cải tiến, nâng cấp thành rất nhiều biến thể như Mi-26A, Mi-26T, Mi-26P, Mi-26M...

Chúng được bán cho không quân Belarus, Campuchia, Congo, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Triều Tiên, Peru, Ukraine, Venezuela… Hiện đa số các máy bay này vẫn còn đang được sử dụng và đạt hiệu quả vận chuyển rất cao nên tiếp tục được đặt mua.

Trong năm 2015, Rostvertol đã giao cho Algeria 2 chiếc Mi-26T2 để dùng thử và nhận được phản hồi rất tốt. Dự kiến, mỗi năm nhà máy này có khả năng chế tạo 7-8 chiếc trực thăng siêu nặng này để cung cấp cho quân đội Nga và cho mục đích xuất khẩu.

lo dien nguoi van chuyen so 1 the gioi

Mi-26 dễ dàng cẩu treo 1 chiếc máy bay tiêm kích như MiG-29

Hiện ngoài Bộ quốc phòng Nga và khách hàng Algeria, Moscow và Bắc Kinh đã thai nghén triển khai kế hoạch phát triển một phiên bản Mi-26T2 theo kiểu Trung Quốc từ năm 2008 và đến tháng 5 năm 2015 đã chính thức ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển.

Trước đó, Nga cũng đã thực hiện hợp đồng cung cấp phiên bản đời cũ Mi-26T cho Trung Quốc được định danh là Mi-26TC (Mi-26TS). Đến nay, Nga đã bàn giao cho Trung Quốc 4 chiếc Mi-26TC, mỗi chiếc được lắp thêm 4 radar khí tượng thế hệ mới.

Được biết, phía Trung Quốc rất ấn tượng về tính năng của loại trực thăng vận tải này bởi chúng đã chứng minh sự hiệu quả trong chiến dịch cứu hộ động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 và trận động đất Nhã An năm 2013 (đều thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Nga nâng cấp mạnh tính năng của “người vận chuyển” Mi-26T2

Trực thăng vận tải Mi-26T có chiều dài 40,025 m; cao 8,145 m; sải cánh 32 m; trọng lượng không tải 28,2 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa là 56 tấn với đầy tải nhiên liệu 880 kg. Mi-26 có tốc độ tuần tra 255 km/h, vận tốc tối đa 295 km/h, trần bay cao tối đa hơn 4.600 m.

Mi-26T có phạm vi hành trình 560 km khi mang 20 tấn hàng hóa trong khoang (không cầu treo) và không có thùng nhiên liệu phụ, còn khi mang thêm 4 thùng dầu phụ, phạm vi hành trình sẽ được nâng lên 1.952 km, với bán kính tác chiến 800 km.

Mi-26T chỉ mang được 20 tấn hàng nhưng phiên bản nâng cấp Mi-26T2 có thể mang tới 26 tấn (cả trong khoang và cẩu treo), hoặc chở theo 90 lính hoặc 60 cáng thương. trong khi đối thủ xuất sắc nhất của nó là trực thăng Sikorsky CH-53E của Mỹ chỉ có sức tải 16 tấn.

Được thiết kế với khoang chở hàng rộng và chiếm phần lớn diện tích máy bay, chiếc trực thăng này mang theo trong khoang hoặc cẩu bên ngoài những món hàng siêu lớn như xe cứu hỏa hay xe tăng, container, pháo, máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng...

lo dien nguoi van chuyen so 1 the gioi

Mi-26T dễ dàng vận chuyển một chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook của Mỹ

Mi-26T có thể dễ dàng cẩu 1 máy bay chiến đấu phản lực hoặc 1 trực thăng hạng nặng có trọng lượng gần bằng chính nó hoặc cả những chiếc xe vận tải siêu trường siêu trọng. Do đó, Mi-26T được coi là trực thăng vận tải số 1 thế giới từ trước đến nay.

Trong kế hoạch nâng cấp Mi-26T2, phần thiết bị duy nhất được sản xuất ở nước ngoài là 2 động cơ Lotarev D-136, công suất 11.400 mã lực/chiếc, do Công ty chế tạo động cơ máy bay trực thăng Motor Sich, có trụ sở ở Zaporizhzhya, miền nam Ukraine chế tạo.

Sau khi Ukraine cắt đứt hoàn toàn hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, Công ty chế tạo động cơ máy bay thuộc Tập đoàn chế tạo hàng không Liên Hợp đã hợp tác với Russian Helicopters nghiên cứu phát triển động cơ trực thăng PD-12V, trên cơ sở động cơ máy bay chiến đấu MS-21 để lắp đặt trên Mi-26T2.

Tuy nhiên, phiên bản hợp tác với Trung Quốc rất có thể vẫn sẽ sử dụng động cơ D-136 của Motor Sich, do chủ quản hợp đồng này là Bắc Kinh, còn các công ty Nga và Ukraine chỉ là các bên cung cấp trang, thiết bị và linh kiện, không liên quan đến việc chấm dứt quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 quốc gia.

lo dien nguoi van chuyen so 1 the gioi

Động cơ turbine trục (turboshaft) D-136-2 sẽ được thay thế bằng động cơ PD-12V

Mi-26T2 được nâng cấp rất nhiều chức năng so với những phiên bản cũ, như lắp đặt các thiết bị điện tử hàng không mới nhất, nâng cao trình độ tự động hóa của hệ thống kiểm soát bay, tăng cường thêm các hệ thống cảnh báo tầm thấp, hệ thống cảnh báo chướng ngại vật và chống va chạm.

Buồng lái bằng thủy tinh gia cường của Mi-26T2 sẽ được thiết kế 5 màn hình tinh thể lỏng đa chức năng, sử dụng hệ thống thông tin số, thiết bị hiển thị video thế hệ mới và thiết bị định vị toàn cầu NAVSTAR/GLONASS.

Khoang điều khiển và khoang hàng của nó đều được lắp hệ thống điều hòa không khí, gồm cả 2 chức năng làm mát và tăng nhiệt.

Loạt thiết bị tiên tiến này giúp máy bay giảm số lượng phi hành đoàn (của Mi-26T) từ 5 người (2 phi công, 1 hoa tiêu, 1 kỹ sư, 1 kỹ thuật viên) xuống còn 2 - 3 người, đồng thời có khả năng bay hành trình ban đêm rất tốt, nâng cấp rất mạnh tính năng của phiên bản mới Mi-26T2.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast