Cô gái gốc Việt và 34 ngày đêm vượt 10.000km tìm về nguồn cội

(Baohatinh.vn) - Khát vọng lớn nhất của Olia, cô gái Kirghizia gốc Việt, là phải tìm được quê hương Hà Tĩnh, nơi bố cô đã sinh thành. Suốt 34 ngày ròng rã, với một ít tiền làm lộ trình, không hề biết tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, trải qua bao gian truân, cô đã đi xuyên qua chặng đường gần 10.000km, vượt biên giới sang Lào Cai và đã tìm về được mảnh đất Hà Tĩnh, nơi cô gọi đó là Tổ quốc của mình.

Câu chuyện của người cha

Suốt ba chục năm, trên chặng hành trình qua hàng chục nước và hầu khắp trên nước Nga rộng lớn, tôi đã được nghe, đã gặp gỡ nhiều người Việt tha hương, cũng có người thành đạt, có cuộc sống đề huề, yên ổn; và có bao nhiêu số phận người Việt nổi chìm, mỗi người mỗi cảnh.

Mùa đông này, tôi đến Kirghizia, một vùng đất mà những người thuộc thế hệ của tôi ai cũng hằng yêu mến. Và ở đây, tôi đã được nghe, được gặp và cùng ăn tối với một gia đình tam đại đồng đường Việt - Kirghizia trong một căn nhà ở ngoại ô Bisket, một bữa ăn nửa Việt, nửa Kirghizia, nghĩa là các món ăn pha trộn phong cách ẩm thực hai dân tộc. Điều đặc biệt là tất cả mọi người trong mâm đều cầm đũa, kể cả cháu bé chưa đầy ba tuổi.

co gai goc viet va 34 ngay dem vuot 10 000km tim ve nguon coi

Ông Nguyễn Duy Dinh (phải) và một cán bộ Việt Nam làm việc ở Kirghizia

Chủ gia đình, ông Nguyễn Duy Dinh, người có thâm niên ba chục năm tại mảnh đất xa xôi, cách trở này có dịp cởi mở câu chuyện riêng tư khi gặp được một người đồng tuế, đồng hương Hà Tĩnh.

Năm 1976, anh được cử sang Liên Xô du học và được đưa đến học dự bị tiếng Nga tại một nước Cộng hòa rất xa Matxcơva, đó là thành phố Phrunze, Thủ đô nước Cộng hòa Kiecghizia. Anh sinh viên Nguyễn Duy Dinh là bí thư chi đoàn, thường tổ chức các buổi giao lưu với sinh viên trong trường, nên có nhiều cơ hội gặp gỡ với một số sinh viên bản địa. Và tiếng sét ái tình đã dội xuống đầu anh cùng cô Natalia, sinh viên Trường Đại học Sư phạm ngay trong năm đầu tiên anh học dự bị tiếng Nga.

Đó là điều anh không thể ngờ tới, bởi vì anh chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu một cô gái Hà Nội, huống hồ đây là một cô gái nước ngoài.

Kết thúc năm học một cách chóng vánh, anh Dinh cùng lớp dự bị được chuyển về Kiev, thuộc Cộng hòa Ukraina, học chuyên môn chính thức. Đêm chia tay, cả hai bí mật ra một công viên nhỏ xa ký túc xá, để nói lời tiễn biệt. Đối với anh, đây là lần gặp cuối cùng với cô gái thảo nguyên nhỏ nhắn và xinh đẹp, vì đường xa vạn dặm, không hề có một điều kiện thuận lợi nào để đi đến tương lai riêng của hai người. Nhưng đối với Natalia thì lại khác, cô vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, cô sẽ gặp lại anh.

Suốt bốn năm học ở Kiev, ngày nào anh và Natalia cũng đều viết thư cho nhau như một thói quen ghi nhật ký. Hàng ngày, sau buổi học, anh đến bưu điện và nhận tại hộp thư riêng của mình!

Cuối năm đó, hai người làm lễ cưới, Natalia tốt nghiệp và làm giáo viên trung học. Sinh hoạt của hai người tạm ổn, nhưng năm sau - 1984, đứa con gái đầu lòng Olia ra đời, thì cả gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Những năm hậu Xô viết ở nước cộng hòa xa xôi rơi vào khủng hoảng nặng nề, gia đình anh lại túng quẫn gấp bội, sau khi ba cháu nữa tiếp tục ra đời. Anh chỉ có mỗi niềm an ủi là, mặc dù đói nghèo, thiếu thốn, nhưng gia đình vô cùng đầm ấm và hạnh phúc.

Anh làm đơn lên chính quyền Kirfhizia xin được cấp giấy tờ, nhưng cả mấy lần đều bị từ chối. Họa vô đơn chí, sau khi sinh đứa con thứ tư, Natalia phát hiện bị ung thư và qua đời sau hơn chục năm cùng anh đồng cam, cộng khổ. Một mình anh không lương bổng, không giấy tờ, không người thân thích, nuôi bốn đứa con thơ dại trong những năm đầy biến động của nước Cộng hòa Liên Xô cũ.

Cuộc hành trình 34 ngày đêm tìm quê cha đất tổ

Nhiều lần, anh đứng bên cửa sổ nhìn lên ngọn núi Thiên Sơn cao ngất, tuyết phủ trắng xóa mà không cầm được nước mắt. Olia, đứa con gái đầu lòng lên chín tuổi, cứ gặng hỏi anh, làm sao bố khóc.

Nghĩ con đã lớn, đã đủ hiểu, anh bảo với con rằng, quê bố ở Việt Nam xa lắm, cách ngọn núi cao kia không biết bao nhiêu ngày đường. Bố phải nuôi các em, không có giấy tờ đi lại, bố không thể về Việt Nam, bây giờ, ông bà đã già lắm rồi, bố thương ông bà lắm.

Olia cầm lấy tay anh nói một cách chắc nịch: “Khi nào con lớn, con sẽ tìm về Việt Nam thăm ông bà!”. Anh chỉ biết ôm lấy con mà khóc, không hề nghĩ rằng, lời nói của Olia là một điều tiên quyết.

co gai goc viet va 34 ngay dem vuot 10 000km tim ve nguon coi

Đại gia đình ông Dinh tại Kirghizia

Sau khi Natalia mất được 2 năm, trong một lần tình cờ anh gặp một người phụ nữ gốc Nga Olga, biết được hoàn cảnh của anh, chị thông cảm, chia sẻ và đem lòng thương yêu người đàn ông nước ngoài góa bụa và tốt bụng. Chị mang theo đứa con gái riêng của mình đến ở hẳn với anh. Olga yêu các con của anh và Natalia như con đẻ của mình, ngược lại, đám trẻ con quý đứa con của cô như em ruột. Các đứa con lần lượt được đi học, Olia vào Đại học Tổng hợp Slavơ, học tiếng Anh và tiếng Nga, các cháu sau vào phổ thông và trường kỹ thuật.

Ra trường, tìm được việc làm với đồng lương ít ỏi, Olia hạn chế chi tiêu để dành tiền cho chuyến đi tìm quê cha đất tổ trong tương lai. Với khoản tiền xấp xỉ năm trăm đô la tiết kiệm được trong vòng 2 năm, Olia lên kế hoạch cho một chuyến đi dài ngày. Cô chọn một người bạn gái đồng hành tâm đầu ý hợp, xin công ty nghỉ phép, định ngày lên đường vào đầu tháng 5/2008. Cả hai không thể đến Matxcơva của nước Nga, bay về Việt Nam được, vì kinh phí không cho phép. Con đường Olia chọn qua bản đồ là đi ô tô qua Urumchi – Tân Cương, xuyên qua Thanh Hải, giáp Tây Tạng, đi bằng đường bộ xuyên qua 6 tỉnh Trung Quốc mênh mông bằng ô tô tuyến, về Côn Minh, nơi có Lãnh sự quán Việt Nam để xin visa và từ đó qua Lào Cai đi tàu, hoặc ô tô về Hà Nội.

Ngày lên đường, ông Dinh dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm vẻn vẹn được 100 đô la đưa cho con gái và một bức thư viết bằng tiếng Việt, đề địa chỉ 192 phố Quán Thánh, Hà Nội, nơi ngày xưa người anh ruột của ông công tác, với lời dặn dò là, “nếu con tìm về được quê nhà, con dùng 100 đô la này mời cơm anh em, bà con ruột thịt”.

Olia và người bạn gái của mình lên đường theo lộ trình đã định, mang theo bánh quy, lương khô, bánh mỳ xukhari loại để được lâu ngày. Khi xe dừng tại các quán ăn, chỉ dám mua cháo và xúp ăn thêm và lấy nước vào chai. Buổi tối, hai người tìm trọ tại nhà khách rẻ tiền, không dám chi tiêu gì phí phạm.

Một tai họa đến với Olia vào buổi tối, khi cô ngủ tại nhà khách, kẻ gian rạch chiếc túi xách lấy đi ví tiền dành chi tiêu dọc đường và chiếc điện thoại, vật dụng rất quý giá của cô. May thay, số tiền để dành và hộ chiếu, cô buộc cất vào áo trong nên vẫn còn nguyên vẹn. Cái khó làm ló cái khôn, cứ mỗi chặng đường, hai người lại vào đồn công an Trung Quốc trình bày cảnh trạng của mình bằng cách chỉ vào chiếc túi bị rạch và nhờ họ bắt xin xe hộ. Những người công an Trung Quốc ái ngại cảnh hai cô gái Kirghizia không tiền hộ thân trên chặng hành trình vạn dặm, đã rất thông cảm và giúp đỡ hết lòng.

Về đến Côn Minh, Olia và người bạn đã tìm đến Lãnh sự quán Việt Nam để tìm hiểu cách thức về Hà Nội để từ đó tìm đường về Hà Tĩnh. Cô tìm đến một nhà khách nghỉ ngơi lấy lại sức và vào mạng internet. Olia lên mạng và làm quen được một cô gái Việt Nam biết tiếng Nga, hứa sẽ đón Olia ở bến xe Hà Nội. Được lời “như cởi tấc son”, sáng hôm sau, Olia và người bạn đồng hành mua vé xe đi Lào Cai, kết thúc công đoạn đầu tiên vượt qua Trung Quốc.

Chuyến tàu Lào Cai - Hà Nội đã đưa cô về Thủ đô Việt Nam, mà Olia nói “tôi có quyền gọi Hà Nội là của tôi, bởi vì nó là Thủ đô của bố tôi”. Người bạn gái Việt Nam quen qua internet đã niềm nở đón cô và đưa cô về 192 phố Quán Thánh, mà theo chỉ dẫn của bố cô, đó là nơi trước đây người bác ruột của cô, ông Nguyễn Duy Dục từng làm việc.

co gai goc viet va 34 ngay dem vuot 10 000km tim ve nguon coi

Olia và bác ruột Nguyễn Duy Dục xúc động lần gặp nhau ở Hà Nội

Anh trực ban 192 Quán Thánh mở bức thư viết tay bằng tiếng Việt mà Olia trao cho, nói là của bố cô, một người Việt đang sống tại Kirghizia. Đọc xong, anh trực ban sốt sắng gọi điện thoại đi một số nơi, chỉ sau mấy phút, anh hồ hởi nói với Olia rằng, chỉ một lát nữa, anh Nguyễn Duy Dục sẽ đến.

Olia hồi hộp đứng tựa cửa chờ. Chừng hai mươi phút, có hai người đi xe máy rẽ vào cổng. Từ xa, nhìn thấy vóc dáng của người đàn ông, bằng linh cảm và trực tính, nhận ra đó là bác Dục, cô nhào ra ôm chầm lấy ông và hai bác cháu khóc òa lên như con trẻ trước mặt hàng chục người đứng ngỡ ngàng và xúc động.

Đồn công an nối máy cho ông Dục nói chuyện với ông Dinh. Suốt hơn chục phút trao đổi, ông Dục không hiểu người em ở đầu dây nói gì, vì vẫn âm điệu ấy, nhưng ông Dinh nói bằng tiếng Nga. Đã ba chục năm, ông Dinh không nói với ai một tiếng Việt nào, đó là điều dễ hiểu, hơn nữa, tình huống xẩy ra lại quá đột ngột, ông chưa kịp định thần.

Trở về nguồn cội

Những ngày ở nhà bác tại Hà Nội, đối với Olia và người bạn gái đồng hành là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc. Suốt ngày, cô đón bạn bè ngày xưa của bố nay làm việc ở Hà Nội, rất nhiều bà con đồng hương cùng làng, bà con ruột thịt đến xem mặt cháu gái. Ai cũng dành cho cô một tình cảm thương yêu, nồng hậu. Mọi người đều bày tỏ sự cảm phục và ngưỡng mộ một cô gái mảnh mai nhưng đầy nghị lực, suốt 34 ngày ròng rã, vượt qua gần 10 ngàn km để tìm về nguồn cội.

co gai goc viet va 34 ngay dem vuot 10 000km tim ve nguon coi

Olia và bà nội đọc thư của ông Dinh

Cô được đi thăm những danh thắng Thủ đô, được nếm những “món ăn ngon nhất thế giới” mà người bố của cô đã bao lần kể, được tận hưởng không khí ấm áp và màu xanh bất tận của miền nhiệt đới mà đất nước cô không hề có.

Ba ngày sau, ông Dục thuê một chiếc xe tự lái đưa cô về miền Trung, xã Thạch Bằng, Thạch Hà, Hà Tĩnh, nơi bố cô chôn rau, cắt rốn.

Olia được gặp bà nội, một người bà Việt Nam hiền hậu, suốt đời lam lũ làm lụng và yêu thương con cháu. Dường như cả làng đổ xô đến thăm và xem mặt “đứa con Tây” của anh Dinh, ai cũng muốn ôm lấy Olia, muốn bắt tay, ngắm nụ cười của cô, lắng nghe giọng nói của cô, mặc dù không ai hiểu cô nói gì. Câu chuyện cô tìm về quê cha giống như một câu chuyện cổ tích, làm cho mọi người vô cùng cảm động.

Mọi người trong nhà chỉ cho Olia tấm ảnh của bố cô đặt trong ngăn kéo bàn thờ và giải thích rằng, đã nhiều lần cả gia đình định đặt lên bàn thờ hương khói, vì ai cũng nghĩ rằng, bố cô đã chết. Ông Dục đã nhiều lần nhờ báo cộng đồng ở Nga đăng tin tìm người nhà, nhưng vẫn bặt âm, vô tín. Chỉ có bà nội cô, trong thẳm sâu linh cảm của người mẹ là vẫn tin rằng, ông Dinh còn sống và bà kiên quyết không cho đưa ảnh lên bàn thờ.

Olia cùng với người thân ra nghĩa trang thắp hương cho người quá cố, đi thăm các cụ cao niên trong làng, gặp những người bạn học thời phổ thông của bố. Lần đầu tiên trong đời Olia và người bạn gái của cô được nhìn thấy biển, bởi vì cả đất nước Kirghizia nằm sâu trong lục địa, bốn phía chỉ toàn là núi đá, thảo nguyên và những dòng sông chảy xiết. Đất nước và con người Hà Tĩnh đã để lại cho Olia một ấn tượng rất đỗi sâu sắc.

Ngày Olia và bạn cô phải quay trở lại Kirghizia, cả nhà tiễn lên thành phố Hà Tĩnh giữa những giọt nước mắt lưu luyến chia tay, những cái ôm thật chặt và những gói nhỏ, gói to quà cáp “cây nhà lá vườn” bà con gửi tặng.

Sau chuyến hành trình lịch sử, Olia trở lại Kirghizia mang theo trong lòng những kỷ niệm không thể phai mờ hình ảnh quê cha, đất tổ; về tình máu mủ, ruột rà và vẻ đẹp không nơi nào có được của nước Việt thân thương.

Vĩ thanh

Olia đã dành cho tôi gần như suốt buổi chiều để ôn lại chặng hành trình xuyên dọc đất nước Trung Quốc về quê Việt. Cô khoe với tôi những tấm ảnh chụp ở Việt Nam cùng những người thân. Hộ chiếu cô mang tên OLIA NGUYEN, ở đâu cô cũng hãnh diện cô là người Việt Nam. Hễ có bài báo nào viết về Việt Nam, Olia đều cắt cho vào album kỷ niệm. Giữa chừng câu chuyện, tôi hỏi Olia: “Cháu có bao giờ đặt ra giả thiết là nếu gặp khó khăn quá, cháu bỏ giữa chừng chuyến đi; hoặc về Việt Nam không tìm được xóm làng thì cháu sẽ tính sao?”. Olia trả lời ngay: “Không hề có ý nghĩ ấy chú ạ. Cháu đã quyết ra đi là không bỏ cuộc và cháu tin chắc là sẽ tìm được quê hương bố cháu!”.

co gai goc viet va 34 ngay dem vuot 10 000km tim ve nguon coi

Olia trải nghiệm cuộc sống tại quê hương mình

Ông Nguyễn Văn Dinh sau ngày Olia khai thông con đường về quê mẹ, ông đã được cấp giấy tờ chính thức, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng “không quốc tịch”, có một khoản lương hưu nho nhỏ và hiện đang làm bảo vệ cho một công ty. Ông đã kịp về Việt Nam thăm mẹ trước khi bà mất. Ở Việt Nam, ông đã tìm cách liên hệ được với hầu hết bạn bè đồng môn hồi du học và có những cuộc hội ngộ đầy ân nghĩa.

Như một nông dân chính hiệu, ông nuôi bò sữa, nuôi ngựa, nuôi cả đàn gà thả trong vườn. Hôm tôi rời Bisket, ông tiễn tôi đến tận chân đồi và nhắc đi, nhắc lại: “Dù bận mấy, mùa hè này cũng phải trở lại với chúng tôi, mọi người sẽ dành cho anh một món tiên dược, đó là sữa ngựa non vắt trực tiếp, rất hiếm, uống đến đâu là bổ đến đó. Anh đừng quên nhé!”.

Ông xúc động nói với tôi, nếu không có sự quyết liệt của Olia, nếu không có chuyến đi lịch sử đó, có lẽ cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ông cũng không bao giờ thấy lại quê cha, đất tổ. Ông cảm ơn người con gái hiếu thảo, cảm ơn những người Việt bao dung và đại lượng đã mở lòng đón ông, một người con xa nước biền biệt. Trong dự định, ông sẽ về gặp lại bạn bè cũ, gặp lại bà con và sẽ ăn cái tết Nguyên đán 2018 đầu tiên sau bốn mươi năm ròng lưu lạc.

(Liên bang Nga)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast