Nước mắt của người mẹ lính Gạc Ma

(Baohatinh.vn) - 29 năm đã trôi qua, người mẹ của liệt sỹ Đào Kim Cương (SN 1967, trung sỹ báo vụ) vẫn không thôi thương nhớ người con đã mãi nằm lại nơi biển khơi Tổ quốc. Nỗi thương nhớ hoà trong niềm tự hào và cả nỗi đau xót khi con mình cùng 63 đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Không có mộ phần, thi hài cũng chẳng biết về đâu, gia đình người mẹ ấy chỉ biết tưởng nhớ con qua tấm bia mộ để trong góc nhà và qua di ảnh trên hương án.

Tấm bia mộ gần 3 thập niên

Bà Hà Thị Liên (SN 1931, trú tại làng Mới, xã Vượng Lộc, Can Lộc; mẹ của liệt sỹ Đào Kim Cương) lấy bàn tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà ngồi thất thần bên góc nhà, ôm tấm bia mộ tựa như ôm đứa con trai yêu giấu vào lòng. Tấm bia ghi rõ ngày hy sinh, ngày lập và có hình ảnh ngôi sao vàng, cùng bản đồ Tổ quốc (nay chỉ còn một vài đường nét nhỏ).

Nước mắt của người mẹ lính Gạc Ma

Bà Hà Thị Liên ôm chặt tấm bia mộ tựa như ôm đứa con trai Đào Kim Cương vào lòng, nước mắt bà lặng lẽ rơi.

Bà kể: “Ngày đó, nghe tin con hy sinh, bà ngất đi, chẳng nhớ gì cả. Ông nhà bà khi đó cũng hoang mang, hoảng hốt. Trong lễ truy điệu con chẳng có gì. Cũng không có gì để tưởng nhớ con. Từ đó đến nay, hầu như đêm nào bà cũng nghĩ đến nó”.

“Đến năm 1990, để khắc ghi tên chú, bố tôi đã thuê thợ đến khắc tấm bia này. Nhưng bia chẳng biết cắm ở đâu vì không có mộ phần, thế nên, ông bà cứ để trong nhà, hàng ngày nhìn thấy là nghĩ đến chú Cương, tựa như chú đang ở trong nhà” – anh Đào Công Cán, anh trai của liệt sỹ Đào Kim Cương kể.

Anh cũng cho hay: “Bố tôi đã mất lâu rồi, tấm bia thì vẫn ở cạnh giường ngủ của mẹ. Tuy một số đường nét đã mờ nhưng tôi nói với con cháu là phải giữ cho muôn đời, để con cháu biết và tự hào về thế hệ cha anh”.

“Trước ngày nhập ngũ, nó bắt được con chuột đất và nói mấy đứa bạn đến ăn. Đó cũng là bữa cơm cuối cùng nó ăn với gia đình. Nó nói với bạn bè: tau đi, lỡ mà chết thì bây cho cha mẹ tau nhờ với.” – bà Liên không kìm nén được.

Ngồi cạnh người mẹ, anh Cán kể: “Tôi là lính nên qua nghi thức trong ngày chú nhập ngũ, tôi có cảm giác chú Cương thuộc đội quân mang tính chất cảm tử rồi”.

Di ảnh trên bàn thờ

Người nhà của liệt sỹ Đào Kim Cương kể lại: Ngày sắp ra đảo Gạc Ma, anh Cương có gửi về một bức thư và tấm ảnh. Thư thì đã hư hỏng vì thời tiết. Còn tấm ảnh, người nhà đã ép thật kỹ và đặt trên bàn thờ. Thư anh Cương gửi về cho bố mẹ và gia đình có nói: con tàu trong ảnh là tàu đưa anh ra đảo và người kế cạnh là đồng đội thân yêu.

Nước mắt của người mẹ lính Gạc Ma

Trong di ảnh đặt trên bàn thờ, liệt sỹ Đào Kim Cương sát cánh cùng đồng đội bên con tàu HQ505.

“Đó là kỷ vật cuối cùng và duy nhất về nó” – bà Liên nói. Rồi bà cho hay: “Cách đây 2 ngày, bà được người ta cho đi vào Khánh Hoà thăm Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ở đó có hai nơi gắn ảnh nó. Bà nhìn mà nhớ nó lắm. Ảnh ở khu tưởng niệm thì khác ảnh ở nhà nhưng vẫn khuôn mặt vui tươi, làm sao bà quên được. Nhìn nó trẻ quá, vì khi đó mới 19 – 20”.

“Lâu nay chỉ mơ ước được ra đảo thăm con, không ra được đảo nhưng được vào đây bà mãn nguyện lắm. Vào đây, thấy người ta làm trang trọng, tưởng nhớ như vậy, bà rất mừng. Bà thấy rõ Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, chứ lâu nay ở nhà, bà không có thông tin gì nên buồn lắm”, bà Liên nói đi nói lại.

Tìm hiểu về chiến sĩ Gạc Ma, tôi biết thông tin và liên lạc được với anh Nguyễn Hà (cùng đơn vị Thông tin C4, vùng 3 Hải quân với liệt sỹ Đào Kim Cương), hiện ngụ tại tổ 4, khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam).

Anh Nguyễn Hà kể: “Kim Cương nhập ngũ sau anh 2 năm nhưng anh và Cương rất thân thiết vì ngủ cùng giường. Đi đâu anh em cũng có nhau. Đến giờ, hình ảnh của nó vẫn cứ ở trong não của anh, không quên được. Anh và Cương thường tâm sự với nhau nhiều chuyện và từng chụp ảnh cùng nhau, nhưng không biết bức ảnh ngoài gia đình mẹ Liên có phải có anh trong đó không, vì anh chưa ra thăm mẹ được. Anh chỉ mới biết đến người nhà của Cương trong lần gặp cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo người Hà Tĩnh mới đây”.

Giọng nghẹn ngào, anh kể: “Lúc chuẩn bị ra đảo, các tàu HQ 604 và 505 được tập trung và mọi thiết bị được chuyển xuống tàu. Xe cộ chạy tấp nập. Mình thấy cảnh tượng rất rầm rộ, chứ không nghĩ ra ngoài đó lại khốc liệt và đồng đội mình phải hy sinh như vậy. Cùng đi với Cương ra Gạc Ma ngày đó có anh Hoàng Văn Chúc, hiện sống ở Huế. Hồi đó, Chúc bị phía Trung Quốc bắt. Khi Cương hy sinh, anh có viết thư về cho bố mẹ Cương. Sau đó, bố Cương có viết thư lại cho anh nói là: Thôi thì, vì đất nước nó hy sinh, con là bạn thân của Cương thì bố cũng coi con như con của bố”.

Nghe đồng đội của anh Cương kể chuyện và ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ ôm bia mộ con trong tiếng khóc, tôi càng thấm thía hơn nỗi mất mát, sy sinh của thế hệ cha anh. Tôi hiểu, người mẹ ấy và cả những người thân của liệt sỹ Đào Kim Cương đã chấp nhận nỗi mất mát riêng để cho lòng kiêu hãnh của dân tộc chiến thắng, tựa như hàng ngàn người mẹ chiến sỹ chưa bao giờ biết đến nơi an nghỉ của con mình. Lịch sử sẽ ghi mãi tên các anh và bóng hình những người mẹ, đồng thời sẽ báo đáp nghĩa cả bằng những cống hiến trong thời đại mới, vì độc lập chủ quyền non sông và sự giàu mạnh của đất nước.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast