Báo động vỡ Quỹ BHYT: Tuyến huyện “nặng gánh”, tuyến xã thiệt thòi!

(Baohatinh.vn) - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, “đỡ” gánh nặng chi phí và nhằm đảm bảo công bằng cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh những giá trị to lớn mà BHYT mang lại cho người dân, các chính sách liên quan hiện đang thể hiện nhiều bất cập, gây khó khăn cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh và đang báo động nguy cơ vỡ quỹ.

Trạm y tế thiếu… thuốc!

Phát hiện bệnh là vô cùng quan trọng, nhưng muốn khỏi bệnh thì thuốc có vai trò quyết định. Tuy nhiên, đối với nhiều trạm y tế hiện nay, thuốc cấp theo BHYT không đáp ứng nhu cầu chữa bệnh tại đơn vị.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) cho biết: Thuốc theo BHYT chỉ đủ 50% theo yêu cầu khám chữa bệnh. Thường mỗi tháng, chỉ có để cấp 20 ngày đầu, 10 ngày sau không còn thuốc. Hơn nữa, một số thuốc được cấp, nhưng không đủ liều lượng để chữa khỏi bệnh. Ví dụ, trẻ bị viêm phổi thường phải cấp kháng sinh từ 5-7 ngày mới đủ liều cho một đợt điều trị, nhưng ở trạm chỉ cấp được 3 ngày, vì thuốc quá ít phải để dành cho các bệnh nhân khác. Đối với các bệnh nhân mãn tính, đầu tháng có thuốc, nhưng cuối tháng không còn. Vì thế, nhiều bệnh nhân có thể chữa bệnh tại trạm y tế, nhưng buộc phải lên tuyến trên hoặc phải mua thuốc ngoài.

bao dong vo quy bhyt tuyen huyen nang ganh tuyen xa thiet thoi

Tại trạm y tế thuốc được cấp theo BHYT chưa đáp ứng nhu cầu buộc bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị, tăng thêm chi cho Quỹ BHYT. (Ảnh minh họa)

Tại Trạm Y tế xã Thạch Long (Thạch Hà), tình trạng thiếu thuốc cũng diễn ra tương tự. Theo chị Nguyễn Thị Quý - dược sỹ Trạm Y tế xã, một số thuốc nhu cầu của bệnh nhân rất cao như thuốc huyết áp, dưỡng não, nhưng trạm chỉ cấp được 5 ngày là hết. Một số loại cần thiết khác như thuốc đau bụng, viêm đại tràng cũng đáp ứng được một phần rất nhỏ…

Triển khai khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quyền lợi BHYT gần nhà; giúp giảm tải các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, với quy định theo Luật BHYT hiện nay, thuốc tại trạm y tế được tính từ 10-20% tổng giá trị số thẻ BHYT ban đầu tại cơ sở đang dẫn đến những bất cập. Do thiếu thuốc nên nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, không chỉ gây phiền hà cho bệnh nhân mà còn là một trong những nguyên nhân gia tăng nguồn chi từ quỹ BHYT.

Tình trạng thiếu thuốc còn khiến quyền lợi của bệnh nhân BHYT không được đảm bảo. Thực tế đang diễn ra, do thiếu thuốc nên mặc dù đã thông tuyến BHYT, nhưng nhiều trạm y tế chỉ dành thuốc BHYT cho bệnh nhân trong xã, chứ không cấp phát cho bệnh nhân từ xã khác đến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa mặn mà với BHYT. Bệnh nhân Nguyễn Gia Thái (xóm Ninh Lạc, Cẩm Yên, Cẩm Xuyên) bức xúc: “54 tuổi rồi, đây là lần đầu tiên tôi sử dụng đến thẻ BHYT. Vậy mà, sau khi khám xong, bác sỹ trạm nói là không còn thuốc để cấp, thử hỏi, không nổi nóng sao được. Quyền lợi của người tham gia BHYT ai đảm bảo”?

Bệnh viện tuyến huyện: “một cổ, hai tròng”!

Vượt quỹ BHYT trước đây chỉ xảy ra cục bộ, tại một số cơ sở y tế có đầu thẻ BHYT quá ít. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tình trạng vượt quỹ đang diễn ra khá phổ biến và gây nhiều khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Cẩm Xuyên Phan Thanh Minh cho biết: “Khoán quỹ BHYT theo phương thức định suất trở nên quá vô lý sau khi thông tuyến BHYT. Bệnh nhân trên địa bàn huyện bây giờ có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào ngang tuyến trong toàn quốc để khám chữa bệnh. Và các cơ sở ngang tuyến lại có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Có nghĩa là bệnh viện không thể kiểm soát được bệnh nhân, nhưng tất cả chi phí đa tuyến, bệnh viện đều phải chi trả. Khi vượt quỹ thì bệnh viện lại là đối tượng được tập trung thanh tra xem vì sao lại vượt quỹ? Với cơ chế tài chính như hiện nay, bệnh viện càng phát triển các kỹ thuật thì càng âm quỹ, rất nghịch lý”.

bao dong vo quy bhyt tuyen huyen nang ganh tuyen xa thiet thoi

6 tháng đầu năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bội chi quỹ BHYT 18,3 tỷ đồng.

Bội chi quỹ BHYT chủ yếu là do chi phí cho đa tuyến quá lớn. Theo thông tin từ Sở Y tế, 6 tháng đầu năm, tổng quỹ khám chữa bệnh BHYT là trên 372 tỷ đồng, trong đó, chi cho đa tuyến ngoại tỉnh gần 102 tỷ đồng, đa tuyến nội tỉnh trên 9,5 tỷ đồng. Cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT vượt gần 48 tỷ đồng. Các bệnh viện tuyến huyện có bội chi lớn, bao gồm: BVĐK thành phố 8,6 tỷ đồng; BVĐK Can Lộc 6,4 tỷ đồng; BVĐK Cẩm Xuyên 5,3 tỷ đồng; BVĐK Hồng Lĩnh 6,2 tỷ đồng; BVĐK Hương Sơn 5,2 tỷ đồng; BVĐK Đức Thọ 6,5 tỷ đồng; BVĐK Lộc Hà 3,9 tỷ đồng; BVĐK Thạch Hà 7,4 tỷ đồng…

Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh Trần Nguyên Phú cho biết: “Người đến khám tăng gấp 3 lần, trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh mới đáp ứng được 1/3 thì tỷ lệ chuyển tuyến cao là đương nhiên. Hơn nữa, giá viện phí, dịch vụ y tế tăng; có những bệnh nhân 2 tháng điều trị ở trung ương đã hết 1,6 tỷ đồng, thử hỏi, không bội quỹ sao được. Thực tế, quỹ BHYT chi cho đa tuyến, cho trung ương và tỉnh bạn rất nhiều, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh chưa được chia sẻ, phải “gánh” khó khăn. Bội chi quỹ, BHYT chậm thanh toán vô tình đã “đẩy” cơ sở khám chữa bệnh vào nghịch cảnh càng làm càng như một con nợ. Nợ tiền trực của nhân viên; nợ tiền thuốc nên các công ty dược không chuyển thuốc…”.

Như vậy, phương thức khoán quỹ định suất BHYT hiện nay hoàn toàn không còn phù hợp. Các bệnh viện tuyến huyện đang trong tình trạng “một cổ, hai tròng”, phần lớn quỹ BHYT phải chi cho đa tuyến, một phần chi cho cơ sở, phần kinh phí còn lại từ quỹ quá thiếu so với chi cho hoạt động khám chữa bệnh trong khi phần kinh phí bội chi hợp lý lại được BHYT thanh toán quá chậm, đang ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ sở khám chữa bệnh. Thực trạng này nếu không được giải quyết cũng sẽ là rào cản lớn trong lộ trình tiến tới tự chủ của các bệnh viện trong toàn tỉnh.

Không chỉ ở tuyến huyện, BVĐK tỉnh là cơ sở khám chữa bệnh có bội chi quỹ BHYT lớn nhất. 6 tháng đầu năm, BVĐK tỉnh đã bội chi 18,3 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hoàng Quang Trung, nguyên nhân là do bệnh viện đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu; thuê 2 chuyên gia ngoại khoa, sản khoa từ Hà Nội và Pháp về phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện. Hơn nữa, theo Luật BHYT, nhóm bệnh nhân dưới 6 tuổi và chạy thận nhân tạo, người có công với cách mạng được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BVĐK tỉnh. Đối với nhóm bệnh nhân này, rất khó khống chế trần.

(Còn nữa)

Chủ đề Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.