Điều thú vị là 20 bức ảnh này đều được thực hiện bởi các tay máy nước ngoài. Dường như tại cuộc thi năm nay, các nhiếp ảnh gia Việt Nam “trầm lắng” hơn. Hạn nộp ảnh dự thi còn kéo dài đến hết ngày 27/5 tới đây.
Nhiếp ảnh gia chiến thắng giải thưởng lớn sẽ nhận được một chuyến du lịch kéo dài 7 ngày dành cho hai người tới thị trấn Churchill, tỉnh Manitoba, một địa phận nằm trong vùng Bắc Cực của Canada. Ở nơi đây có nhiều gấu trắng Bắc Cực và là một địa danh thu hút các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới tìm tới.
Hiện tại, đã có một số lượng ảnh xoay quanh đề tài Việt Nam được gửi tới cuộc thi nhiếp ảnh nổi tiếng này.
Hãy cùng xem các nhiếp ảnh gia đã khai thác những khía cạnh gì về Việt Nam để dự thi National Geographic Travel Photographer of the Year 2016:
Bức “Người phụ nữ Sa Pa” - Allison McCartney (Canada). Bức ảnh này được chụp khi nữ nhiếp ảnh gia đang leo núi ở Sa Pa hồi tháng 4 vừa qua. Cô đã đi cùng một người phụ nữ dân tộc bản địa. Người phụ nữ này đã học tiếng Anh trong vòng 6 tháng, đủ để có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài. Trong quá trình đồng hành với nữ nhiếp ảnh gia Allison, chị đã nói về những thửa ruộng bậc thang, về gia đình mình, về những định hướng tương lai.
Bức “Nhút nhát nhưng không sợ hãi” - Cherrina Yoon (Mỹ). Nữ nhiếp ảnh gia Cherrina đã đến thăm một nhà trẻ nằm bên trong một bản làng ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Cô bé người dân tộc H’mong này đã rất thu hút Cherrina bởi dù cô bé nhút nhát, không cười, nhưng lại dám nhìn thẳng vào vị khách lạ và vẫn giữ nguyên ánh nhìn đó khi Cherrina giơ máy ảnh lên như thể muốn hỏi: “Cô đang làm gì ở đây vậy?”.
Bức “Vịnh Hạ Long, những sắc độ” - Dee Roberts (Anh).
Bức “Trên đỉnh” - Caroline Micaela Hauger (Thụy Sĩ). Bạn nghĩ đây là quang cảnh một quán bar ở New York, Rio de Janeiro, hay Tokyo? Không. Đây là quang cảnh một quan bar trên tầng cao ở TPHCM. Ngày và đêm thay phiên nhau, nhưng TPHCM thì không bao giờ ngủ.
Bức “Một ngày vất vả ở trường” - Lewis Dowling. Cô bé thư giãn sau xe cha. Một ngày ở trường đã kết thúc, cha đến đón em về.
Bức “Sa Pa, Việt Nam” - Tim G. Bức ảnh này đã được chụp sau 7 giờ leo núi.
Bức “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long” - Marvin Mai. Nhiếp ảnh gia Marvin Mai đã được chứng kiến cách con người sống hài hòa với thiên nhiên một cách thanh bình, đáng ngưỡng mộ. Ở tại ngôi làng dường như chưa từng bị đời sống hiện đại chạm tới này, Marvin Mai hy vọng rằng người dân sẽ giữ mãi cuộc sống đẹp đẽ, thanh bình của họ.
Bức “Đi thăm chợ cá” - Shane Hayes (Úc). Vào buổi sáng sớm, những người phụ nữ đội nón lá đi ra chợ để mua thức ăn tươi, về chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Người phụ nữ trong ảnh đang ngồi bên một sạp bán cá ven đường trong khu chợ cóc. Làng chài bé nhỏ này nằm ở gần Hội An.
Bức “Hy vọng” - Ka Ho Pang (Pháp). Tác giả đã chụp bức ảnh này khi đang ngồi trong xe taxi.
Bức “Đi mò trai” - Robert Beliczay (Anh). Tác giả đã tìm tới một làng chài nhỏ ở Việt Nam trong chuyến du lịch ngắn ngày. Khi mặt trời lặn, Robert thấy có những thanh niên bắt đầu mò tìm trai bằng một thứ dụng cụ thủ công đặc biệt. Bóng của họ trong ánh chiều chạng vạng in xuống mặt nước khiến anh cảm thấy khoảnh khắc đó thật đẹp.
Bức “Hoàng hôn tuyệt đẹp” - Lewis Dowling. Tác giả đã chụp được bức ảnh này khi đang ngồi thuyền trên Vịnh Hạ Long và chờ mặt trời lặn.
Bức “Những cậu bé Sài Gòn” - Robert Beliczay (Anh). Khi đang đi dạo mát trong chiều Sài Gòn, tác giả đã nhìn thấy những cậu bé nghịch ngợm này.
Bức “Nụ cười của một bà lão” - Anne Beringmeier. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu đối với nhiếp ảnh gia Anne Beringmeier. Cô đã nói với bà cụ một vài điều bằng tiếng Đức và bà đáp lại cô bằng tiếng Việt. Dù hai bà cháu không hiểu thực sự ý nghĩa những điều họ nói với nhau, nhưng qua ánh mắt, gương mặt, cử chỉ, họ vẫn có thể thấu hiểu mà không cần đến ngôn từ.
Bức “Cô bé ở Sa Pa, Việt Nam” - Nazar Alobaidat (Mỹ). Một bé gái đứng bên mé nhà quan sát người khách du lịch nước ngoài.
Bức “Hội An, Việt Nam” - Evan Jeffery. Hội An - một thành phố cổ kính - trong thời kỳ hội nhập.
Bức “Sống với những người H’mong” - Kyle Mark (Úc). Tháng 4 năm nay, nhiếp ảnh gia Kyle Mark đã đến du lịch ở Việt Nam và có một thời gian ngắn sống cùng với những người H’mong) ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Trải nghiệm văn hóa và nếp sống của người dân nơi đây khiến Kyle Mark rất thích thú.
Bức “Nụ cười hạnh phúc” - Roberto Alemu (Anh). Rong ruổi trên chiếc xe máy đi du lịch ở Sa Pa, Roberto đã gặp người phụ nữ này. Chị đề nghị anh chở giúp về nhà bởi nếu đi bộ chị sẽ phải mất 45 phút trong khi chị đang phải địu trên lưng nhiều gạo và trứng. Roberto đã đèo chị về nhà và được chị mời uống trà. Nụ cười này là khi hai người đang ngồi uống trà trong nhà chị.
Bức “Đối kháng” - Pedro Cattony (Brazil). Trong khi người trẻ ở Việt Nam đang càng lúc càng hội nhập theo những trào lưu của giới trẻ quốc tế và ngày càng ưa chuộng lối sống hiện đại “Tây hóa” thì nhiếp ảnh gia Pedro rất ngỡ ngàng khi bắt gặp cảnh này, anh coi đây là một cảnh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho văn hóa truyền thống, cho sự “đối kháng” giữa cũ - mới, Đông - Tây, truyền thống - hiện đại. Bức ảnh này được chụp trên một con phố tĩnh lặng ở Hội An. Dường như hai cụ ông này không còn quan tâm tới những chuyển động bên ngoài, mà đã dồn hết tâm trí vào ván cờ.
Bức “Đi xe máy” - Monique Brasil (Brazil). Bức ảnh này được chụp ở Hà Nội, đối với nhiếp ảnh gia Monique, đây là bức ảnh gói gọn những dòng chảy xe cộ huyên náo trên đường phố ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Monique chia sẻ kinh nghiệm rằng bạn cần phải thật dũng cảm để có thể sang đường và đứng vào giữa dòng chảy xe cộ đông đúc. Mỗi một lần sang đường, Monique đều thấy đó là một thử thách thực sự.
Bức “Bà cụ già” - Gonçalo Lobo Pinheiro (Ma Cao). Bà cụ 93 tuổi thức dậy trong một buổi sáng tinh mơ. Bà sống cùng với con trai ở thành phố cổ Hội An và bà cũng cổ kính y như chính thành phố.