260.000 người dân Hà Tĩnh chờ chính sách hỗ trợ BHYT

(Baohatinh.vn) - 260.000 người dân thuộc các đối tượng trong toàn tỉnh Hà Tĩnh chưa tham gia BHYT trong khi giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán quỹ BHYT sắp sửa tăng lên mức cao hơn. Băn khoăn, lo lắng và chờ đợi, đó là nỗi lòng của nhiều cử tri đang gửi gắm đến kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII.

Cử tri thiết tha gửi gắm

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thành (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Vĩnh Hưng, xã Hương Vĩnh, Hương Khê) đang rất lo lắng khi không còn được “bao cấp” thẻ BHYT. Từ năm 2016 trở về trước, gia đình ông bà thuộc diện hộ nghèo của xã 135 nhưng năm nay, xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nên chính sách hỗ trợ y tế cũng kết thúc.

“Nỏ hay ho chi mang danh hộ nghèo, thoát được là mừng nhưng giờ già rồi, ốm đau, nếu không có BHYT, bệnh tật đi viện lấy tiền mô mà trả...” - ông Thành nói như năn nỉ.

260 000 nguoi dan ha tinh cho chinh sach ho tro bhyt

Không có thẻ BHYT, người dân sẽ gặp khó khăn khi khám chữa bệnh (Ảnh: internet)

Gia đình ông Trần Kim Sinh (thôn Phú Yên, xã Phú Gia, Hương Khê) cũng đồng cảnh ngộ, chung tâm trạng. Ông nói: “Từ năm 2016 về trước, ông bà đều có thẻ BHYT do thuộc xã 135 nên đi bệnh viện nỏ mất mấy tiền điều trị. Giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ cho cái thẻ BHYT”.

Ông Thành, ông Sinh nằm trong số 233.400 người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT (chiếm 18,5% dân số toàn tỉnh). Đó là chưa kể hàng ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn chưa có thẻ BHYT.

“Đối với các nhóm đối tượng này, việc phải tự bỏ 70% kinh phí đóng BHYT (Trung ương hỗ trợ 30%) là điều không dễ nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp ngân sách tỉnh...” - một cán bộ xã ở Hương Khê bày tỏ quan điểm.

Được biết, năm 2016, Hà Tĩnh có 1.044.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 82%, vượt kế hoạch được giao và cao hơn mức bình quân của cả nước. 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đạt và vượt chi tiêu giao. Chất lượng KCB tại các cơ sở y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Bước sang năm 2017, tỷ lệ bao phủ giảm còn 73% (tỷ lệ trung bình cả nước là 82%), trong đó: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh chịu tác động lớn nhất. Toàn tỉnh có 10/13 huyện, thị, thành phố không đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT; 77/82 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hiện không đạt tỷ lệ bao phủ BHYT theo quy định (trên 85%); nhiều người không có khả năng mua thẻ BHYT...

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm trên là do từ năm 2017, 52 xã trên toàn tỉnh không thuộc diện các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, do vậy, không được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT từ ngân sách Trung ương. Cùng đó, do điều kiện KT-XH gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp nên dù nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên; nhóm hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% kinh phí nhưng vẫn khó khăn trong vận động tham gia BHYT. Thêm nữa, nhóm đối tượng người cao tuổi trong tỉnh chưa có thẻ BHYT cũng còn nhiều.

Dù đã có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong suốt nhiều tháng qua nhưng theo BHXH Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh vẫn còn gần 260.000 người chưa tham gia BHYT, chiếm 20,5% dân số. Điều này đồng nghĩa với nguồn Quỹ KCB BHYT giảm, công tác KCB BHYT khó khăn, tạo áp lực lớn về nguồn kinh phí cho các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện thực hiện tự chủ về kinh phí.

Hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế

Từ thực tế tại các địa phương cùng với việc thực thi các văn bản pháp luật đối với công tác BHXH, BHYT..., có thể thấy, việc bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT không chỉ là hợp lý, hợp tình mà còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong thực tiễn, việc bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân đóng BHYT không còn là chuyện mới trên địa bàn tỉnh. Huyện Đức Thọ hiện đang hỗ trợ cho 3.575 người thuộc nhóm nông - lâm - ngư nghiệp, với tổng kinh phí hằng năm là trên 233 triệu đồng. Thị xã Hồng Lĩnh đã thực hiện từ 2 năm nay, mỗi năm trích gần 270 triệu đồng, hỗ trợ cho 3.300 người mua thẻ BHYT. Mới đây, thị xã Kỳ Anh cũng đã đồng ý về mặt chủ trương đối với vấn đề này.

Nhiều người có trách nhiệm tính rằng, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương (20%), nếu tỉnh có cơ chế hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm đối tượng yếu thế (người cao tuổi chưa có thẻ BHYT; hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp và học sinh, sinh viên) thì thời gian tới có thêm ít nhất 80.000 - 90.000 người tham gia BHYT. Và lúc đó, Hà Tĩnh sẽ có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên dưới 85%, tạo thuận lợi thực hiện lộ trình BHYT toàn dân cho những năm tiếp theo.

Ban hành cơ chế, mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn trong thời điểm này là nguyện vọng thiết thực của cử tri trước thềm kỳ họp HĐND tỉnh lần này.

Đọc thêm

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.