3 cơ hội “vàng” giúp trẻ thông minh hơn

Nếu cha mẹ nắm bắt được đúng thời điểm thì trí thông minh của trẻ sẽ được cải thiện rất nhiều.

Các nhà khoa học tại Đại học Harvard từng kết luận, trí thông minh không chỉ quyết định bởi di truyền. “Một cặp cha mẹ không thông minh, nhưng nếu họ cung cấp một môi trường tốt cho con cái, rất có thể phát triển một đứa trẻ có IQ cao”, Richard Weissbourd, giáo sư tâm lý học hành vi trẻ em tại Đại học Harvard nói.

Vị giáo sư này đã thực hiện một cuộc khảo sát và nghiên cứu về sự phát triển thể chất, tinh thần và não bộ của trẻ nhỏ. Kết quả là hầu hết những đứa trẻ tham gia nghiên cứu đều có 3 thời kỳ phát triển trí não cao nhất trong đời, gọi là “thời kỳ phát triển đỉnh cao”.

Nếu cha mẹ nắm bắt được những thời điểm này thì trí thông minh của trẻ có thể được cải thiện rất nhiều.

Nếu được giáo dục từ sớm một cách đúng phương pháp, trẻ sẽ thông minh và nhanh nhẹn hơn. Ảnh minh họa: qq.

Giai đoạn 1: Trước 3 tuổi

Trọng lượng não của trẻ sơ sinh chỉ bằng 25% người lớn. Tuy nhiên trước ba tuổi, trọng lượng não sẽ tăng lên, bằng 85% so với người lớn. Lúc này các tế bào thần kinh trong não kết nối với tốc độ 700-1000 lần mỗi giây, có thể gọi là “tốc độ bay”. Các tế bào thần kinh kết nối càng nhanh, não bộ của trẻ càng thông minh.

Đặc biệt khi trẻ được hai tuổi, các chức năng khác nhau của não đã đạt giá trị cao nhất trong giai đoạn này. Thời điểm này, tốc độ kết nối của nơ ron phụ thuộc vào việc não bộ của trẻ nhận được bao kích thích từ bên ngoài. Theo giáo sư Richard Weissbourd, đây là cơ hội đầu tiên để một đứa trẻ trở nên thông minh. Việc rèn luyện trí não ở thời điểm này sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển của trẻ.

Lời khuyên cho cha mẹ giai đoạn này là tích cực khuyến khích, động viên để con tự tin, có động lực khám phá thế giới muôn màu. Càng hiểu biết về thế giới xung quanh, con sẽ càng thông minh.

Giai đoạn 2: 5-7 tuổi

Ở thời kỳ này, não bộ của trẻ ở vào thời kỳ đệm, sẽ không còn phát triển nhanh như trước 3 tuổi. Tuy vậy, tốc độ phát triển não phải của trẻ giai đoạn này rất mạnh.

Não được chia thành hai nửa: Não trái và não phải. Não trái thiên về khả năng nói, phân tích và thứ tự, não phải thiên về việc đọc, viết và tính toán. Nếu cha mẹ có thể rèn luyện cho con phát triển song song cả hai phần não, trẻ có thể thông minh hơn.

Để làm được việc này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng cả hai tay để kích thích hai bán cầu não. Ngoài ra khuyến khích trẻ hoạt động thể chất như mỹ thuật, âm nhạc... giúp chúng khám phá thế giới quan. Thời điểm này cũng nên khích lệ trẻ đặt câu hỏi, rèn luyện tư duy phản biện nhằm tăng trí tưởng tượng.

Giai đoạn 3: 8 - 10 tuổi

Ở lứa tuổi này, trẻ đều đến trường để học tập một cách hệ thống. Từ đó kiến thức, nhận thức và thế giới quan của trẻ cũng thay đổi rất nhiều. Điều này đồng nghĩa não bộ sẽ được cải tiến và tổ chức lại.

Theo lý thuyết mà nhà tâm lý học Richard Weissbourd đưa ra, giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn hoạt động cụ thể, tức là trẻ có thể suy nghĩ và tính toán một cách logic từ những việc cụ thể.

Giai đoạn này bố mẹ cần phải sát sao hơn trong việc nuôi dạy con cái bởi nó có tác động lớn trong việc hình thành tính cách hoàn chỉnh của trẻ ở tương lai. Trước 11 tuổi, cha mẹ rất dễ giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu, nhưng sau độ tuổi này mọi thay đổi nếu muốn, cũng sẽ rất khó khăn.

Cha mẹ nên làm gì để định hướng cho sự phát triển trí tuệ của con trong những giai đoạn này?

1. Trau dồi thói quen thích đọc sách

Sách vốn là kho tàng tri thức quý giá của nhân loại, vì vậy, việc tạo cho bản thân một thói quen đọc sách thường xuyên sẽ giúp trẻ có được nhiều lợi ích thiết thực.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ thích đọc sách hoặc được cha mẹ đọc sách cho nghe sẽ nâng cao vốn từ vựng và trí tưởng tượng phong phú hơn những bé ít tiếp xúc với sách. Không những vậy, các cuốn sách sẽ mang đến cơ hội cho trẻ mở rộng vốn từ, học thêm những cấu trúc câu... phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

2. Rèn luyện thể chất

Rèn luyện thể chất giúp trẻ phát triển chiều cao và hệ cơ xương chắc khỏe. Không những vậy, những trẻ tích cực hoạt động thường phát triển chiều cao tối ưu bởi não bộ sản xuất và giải phóng hormone tăng trưởng nhiều hơn so với trẻ lười hoạt động thể chất.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia nhiều loại hình thể thao khác nhau. Tìm hiểu xem con thích môn nào và hướng dẫn trẻ hoạt động với cường độ vừa phải, tùy thuộc vào sức khỏe.

3. Bố mẹ chơi cùng trẻ

Việc cha mẹ tham gia các trò chơi dành cho trẻ con sẽ để lại cho bé những kỷ niệm khó quên và mang lại nhiều tiếng cười cho cả nhà. Việc làm này cũng sẽ gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Trước ba tuổi, cha mẹ nên cùng con chơi những trò chơi trí tuệ như suy luận, tính toán nhằm nâng cao khả năng tư duy và logic của trẻ. Việc chơi cùng trẻ không chỉ tạo không khí tốt trong gia đình, mà thông qua trò chơi, bố mẹ cần hướng dẫn con tuân thủ quy tắc và học cách hợp tác với người khác. Điều này không chỉ cải thiện chỉ số thông minh mà còn cải thiện trí tuệ cảm xúc của trẻ.

Theo Vy Trang/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói