3 giải pháp thực thi chính quyền kỷ cương ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý kỷ luật nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm; đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch điện tử... là những giải pháp quan trọng mà huyện Thạch Hà tập trung nhằm thực thi chính quyền kỷ cương.

Nhân viên giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà tận tình hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Kiểm tra đột xuất

“Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn, kiểm tra đột xuất 70 cuộc tại các phòng, ban thuộc UBND huyện và 31 xã, thị trấn về thực hiện giờ giấc hành chính. Qua kiểm tra, đã phát hiện 58 trường hợp CBCC vi phạm. Sau kiểm tra, UBND huyện đã ban hành văn bản gửi các đơn vị yêu cầu kiểm điểm và chấn chỉnh nghiêm túc sai phạm, đồng thời, căn cứ để đánh giá xếp loại cuối năm” - ông Đoàn Tiến Đạt - Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho hay.

Một công chức UBND xã Thạch Lưu thừa nhận: “Các đợt kiểm tra đột xuất của huyện làm nhiều CBCC chuyển biến hẳn. Đợt trước, đoàn về kiểm tra đột xuất, chủ tịch UBND xã đưa con đi Hà Nội khám bệnh không có giấy xin phép; chủ tịch ủy ban MTTQ xã báo là đi giám sát đường bê tông nhưng lịch không thể hiện; chủ tịch hội nông dân, hội LHPN vắng không lý do; xã đội trưởng, công chức địa chính, văn hóa chậm giờ… đều bị huyện ghi vào biên bản, sau đó có thông báo gửi về xã”. Được biết, để giám sát giờ giấc làm việc của công chức, viên chức, UBND huyện cũng đã gắn các máy chấm công bằng vân tay tại trụ sở làm việc.

Kỷ luật nghiêm

Liên quan đến vụ việc Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Điền Nguyễn Thế Hệ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khai man tuổi mẹ ruột để trục lợi tiền trợ cấp, UBND huyện đã kỷ luật 4 CBCC. Ngoài việc cấp ủy huyện kỷ luật khiển trách tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã, đại biểu HĐND xã đã bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh phó chủ tịch HĐND xã đối với ông Hệ. HĐND huyện cũng đã phê chuẩn kết quả bãi nhiệm này. Các cá nhân có liên quan đến vụ việc gồm: Công chức tư pháp, phó chủ tịch UBND xã, nguyên phó chủ tịch UBND xã (nay là công chức địa chính) cũng phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Trước đó, liên quan đến trách nhiệm thực hiện công việc, UBND huyện cũng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Cao Thị Việt Hà - công chức địa chính xã Thạch Lâm do không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng. Gần đây, Trưởng Công an xã Thạch Hội cũng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách do xử phạt sai thẩm quyền và mức phạt.

Việc kiểm tra bất thường và ban hành văn bản nhắc nhở là giải pháp mạnh tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện giờ giấc hành chính ở Thạch Hà.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà khẳng định: “Xử lý kỷ luật là việc không mong muốn nhưng khi công chức vi phạm thì phải xử lý nghiêm để đảm bảo quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc, tạo tính răn đe trong thực thi công vụ. Có những trường hợp không xem xét xử lý kỷ luật nhưng huyện yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước như để xảy ra sai sót về thu chi tại thôn Thọ, xã Thạch Liên”.

Đột phá trong giao dịch hành chính

Song song với các giải pháp trên, huyện Thạch Hà đã tập trung rất cao cho quy trình pháp lý (cơ sở vật chất, nhân sự, mô hình hoạt động…) thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Dầu không phải là đơn vị được chọn làm điểm, song Thạch Hà đã vận hành rất tốt trung tâm, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Hơn 3 tháng từ ngày thành lập, cấp huyện đã giải quyết đúng hạn, trước hạn gần 5.000 hồ sơ. Đáng nói, hiện đã có 26 xã triển khai mô hình một cửa điện tử, liên kết với trung tâm của huyện. Dự kiến hết tháng 11, toàn bộ 31 xã, thị trấn sẽ thực hiện đồng bộ hình thức giao dịch này.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói