Trưởng thôn Nguyễn Văn Chắt bên cây cầu hoàn thành vào năm 2016.
Từ năm 1985 trở về trước, việc đi lại sản xuất tại vùng Chọ Cao diễn ra bình thường. Thế nhưng, từ khi đập Cồn Tranh hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1986, vùng Chọ Cao thường bị chia cắt bởi nước từ thượng nguồn trút xuống như thác.
Theo Trưởng thôn 1 Nguyễn Văn Chắt, diện tích sản xuất ở vùng Chọ Cao thuộc sở hữu của 300 hộ dân thuộc các thôn 1, 3, 7 - xã Cổ Đạm, trong đó, thôn 1 có 196 hộ dân canh tác ở đây. Chưa nói đến việc sản xuất bị ngưng trệ, trong khoảng 10 năm lại nay, đã có 6 em nhỏ bị rơi xuống suối và tử vong. Những em này từ 12-15 tuổi, thường ngày vẫn lùa trâu sang Chọ Cao để chăn thả. Khi vượt suối Chọ Lội về nhà, bị dòng nước xiết cuốn trôi.
Là một trong số hàng trăm hộ có diện tích sản xuất tại vùng Chọ Cao, bà Nguyễn Thị Vân (thôn 1) kể: “Những năm trước, đứng bên này bờ suối Chọ Lội, thấy lúa và hoa màu chín rục cũng không dám liều mạng vượt dòng nước chảy xiết. Chỉ thấp thỏm cầu mong ngớt mưa, nước rút mới dám sang. Thu hoạch muộn, mất trắng là chuyện… bình thường”.
“Qua nhiều lần đề xuất, kiến nghị xây cầu không thành, đầu năm 2016, 3 hộ Phan Văn Nam, Phan Văn Chắt, Trần Quốc Tuấn quyết tâm thực hiện việc làm cầu cho người dân đi lại an toàn. Trong đó, ông Nam góp 40 triệu đồng, tôi và anh Tuấn góp mỗi người 20 triệu đồng, tổng cộng 80 triệu đồng”, Trưởng thôn Nguyễn Văn Chắt cho biết thêm.
Từ nguồn vốn này, 3 hộ bắt tay xây cầu. Thấy các hộ dân tự bỏ vốn và hì hục làm, xã Cổ Đạm nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ 10 tấn xi măng. Nhiều hộ trong các thôn thấy thế cũng chung sức. Chỉ trong một thời gian ngắn, cầu Chọ Lội bằng bê tông cốt thép (dài 10m, rộng 3,5m, cao 5m) đã hoàn thành trong niềm vui của mọi người.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hàng ngày, cầu Chọ Lội đón hàng trăm lượt người qua lại sản xuất. Nhờ cây cầu mới, việc vận chuyển nguyên vật liệu, phân bón và sản phẩm sau thu hoạch trở nên thuận lợi, đảm bảo an toàn khi người dân qua lại suối Chọ Lội.
Ông Phan Văn Nam vui mừng nói: "Bây giờ mưa bão cũng không lo nữa. Cây cầu được xây dựng đã giải tỏa nỗi lo của bà con trong thôn."