Bác sĩ Takashi Funato, giám đốc Phòng khám Funato ở tỉnh Gifu, Nhật Bản, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận vào năm 2007. Sau ca phẫu thuật, ông bắt đầu suy ngẫm về thói quen sống của mình.
Ông phân loại những thay đổi trong lối sống của mình thành năm loại, gồm: chế độ ăn uống, giấc ngủ, tập thể dục, nhiệt độ cơ thể và tiếng cười. 15 năm sau phẫu thuật, bệnh ung thư của ông không bị tái phát.
Ăn kiêng
Takashi cho biết trước khi mắc bệnh ung thư, chế độ ăn uống của ông rất không lành mạnh. Vị bác sĩ thường xuyên ăn mỳ gói để thỏa mãn vị giác và không hạn chế đồ ăn nhanh, ăn vặt. Ông cho rằng sai lầm lớn nhất của bản thân trong chế độ ăn là không quan tâm đến chế độ ăn kiêng và nghĩ rằng mình sẽ không bị ung thư.
Sau ca phẫu thuật, Takashi cho biết ông đã hạn chế tiêu thụ đường, ăn nhiều thực phẩm địa phương, theo mùa, ăn cho đến khi no 80% thay vì no hoàn toàn. Ngoài ra, người đàn ông ăn ít thịt đỏ, thực phẩm không có chất phụ gia hoặc ít thuốc trừ sâu, ăn theo lịch trình điều đặn, thi thoảng nhịn ăn.
Ngủ đủ giấc
Takashi tin rằng giấc ngủ là một trong những chìa khóa quan trọng để điều trị ung thư. Khi là một bác sĩ phẫu thuật và có mặt tại bệnh viện bất cứ lúc nào trong ngày, giấc ngủ của ông khá bất ổn. Ông đã coi thói quen ngủ không ngon giấc của mình là điều hiển nhiên và không nhận ra nó tồi tệ thế nào.
Tuy nhiên, giấc ngủ là một sức mạnh chữa bệnh tự nhiên.Các tế bào lympho loại bỏ các tế bào ung thư chủ yếu được chi phối bởi các dây thần kinh phó giao cảm, vốn chiếm ưu thế vào ban đêm. Nếu thời gian ngủ của một người ngắn, thời gian hoạt động của dây thần kinh đối giao cảm ngắn, thời gian tế bào lympho đào thải tế bào ung thư cũng bị rút ngắn. Do đó, Takashi khuyến nghị bệnh nhân ung thư nên đi ngủ lúc 10 giờ tối, dậy lúc 6 giờ sáng, ngủ ít nhất sáu tiếng và không bao giờ lên giường muộn hơn nửa đêm.
Ông Takashi Funato bị ung thư thận cách đây 15 năm và sau khi phẫu thuật, bệnh ung thư không tái phát. Ảnh: Takashi Funato
Tập thể dục
Takashi đi bộ ít nhất 3.000 bước mỗi ngày sau ca phẫu thuật. Ông khuyến cáo bệnh nhân ung thư nên đi bộ càng nhiều càng tốt và vận động cơ bắp.
Trong khi tập thể dục, nhiệt độ cơ thể tăng lên và các tế bào lympho được kích hoạt, vì vậy việc tập luyện cơ bắp và tăng nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, tập thể dục có thể làm cho cơ thể nhận được nhiều oxy hơn và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Tập thể dục cũng có thể khiến cơ bắp tiêu thụ đường, làm giảm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư.
Thân nhiệt
Takashi tin rằng việc tăng nhiệt độ cơ thể giúp bạn khỏe mạnh hơn vì tế bào ung thư thích nhiệt độ thấp. Ông chỉ ra rằng nhiệt độ cơ thể tăng cao làm tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch và cũng làm tăng số lượng protein sốc nhiệt có chức năng sửa chữa tế bào. Do đó, ông rất chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vào mùa đông, đặc biệt vùng bụng và phần dưới cơ thể.
Tiếng cười
Takashi khuyên bệnh nhân ung thư nên cười nhiều hơn để luôn vui vẻ. Theo ông, ngay cả khi không thể cười một cách tự nhiên thì vẫn nên mỉm cười có chủ ý. Cố gắng hít một hơi thật sâu và mỉm cười sẽ cảm thấy thư thái hơn trong lòng. Được coi như một mẹo hàng ngày, đây có thể trở thành một kỹ thuật chính để giảm căng thẳng, tiêu cực.