Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn điều hành buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong PCCC, giai đoạn 2014-2018"
Hà Tĩnh hiện có 360.200 ha đất rừng, trong đó có hơn 120.000 ha rừng dễ cháy. Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh luôn xác định việc quán triệt các chính sách, pháp luật về PCCC nói chung và công tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần tập trung tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn: Về lâu về dài, Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch giao các tỉnh soát xét lại diện tích rừng dễ cháy để đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường băng cản lửa, giảm thực bì, mua sắm trang thiết bị và thực hiện các biện pháp bảo vệ khác.
Để hạn chế cháy rừng và thiệt hại do cháy gây ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng chống, trong đó ưu tiên bố trí lực lượng thường trực, bố trí kinh phí, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, từ năm 2014-2018, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 64 vụ cháy, gây thiệt hại 135 ha rừng. Riêng năm 2019, đến thời điểm này đã xảy ra 20 vụ, gây thiệt hại trên 170 ha rừng và đây là năm rừng bị thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay.
Đoàn giám sát kiểm tra phương tiện PCCCR tại Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR
Qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về PCCCR ở Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn như: Lực lược kiểm lâm đang thiếu 51 biên chế (bằng 1/5 tổng biên chế), các chủ rừng thiếu 73 biên chế; ngân sách phục vụ PCCCR còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ; máy móc, dụng cụ chữa cháy trang bị cho các lực lượng còn thiếu, thô sơ; ý thức PCCCR của một số người dân chưa cao, còn nhiều vi phạm; một số chính quyền địa phương, chủ rừng còn chủ quan; việc tuần tra, kiểm tra, trực gác, phát hiện cháy còn hạn chế...
Đại tá Nguyễn Đình Thừa - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Khi xảy ra cháy rừng, công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp hành động, hậu cần... chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đã tiến hành trao đổi, chất vấn một số vấn đề như: Khi xảy ra cháy rừng, công tác chỉ đạo, điều hành, hành động chưa đồng bộ, thống nhất; tham gia chữa cháy, lực lượng huy động đông nhưng thiếu trang bị, phương tiện chữa cháy, thậm chí có người đi tay không; việc bố trí phương tiện dự phòng, cung cấp lương thực, nước uống khi chữa cháy chưa tốt; lực lượng kiểm lâm trực PCCCR liên tục, không được nghỉ nhưng không có chế độ đãi ngộ...
Cháy rừng ở thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn vào lúc 12h ngày 27/6 (Ảnh tư liệu)
Ngoài tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để sắp tới, tham gia thảo luận tại nghị trường và có báo cáo trình lên Quốc hội, các bộ ngành Trung ương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng lưu ý: Để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chính sách, pháp luật về PCCC nói chung và PCCCR nói riêng; bố trí kinh phí để làm đường băng cản lửa, mua sắm trang thiết bị và phục vụ các nhiệm vụ khác; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thông tin cho nhân dân...