50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Sự khích lệ to lớn

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro vào tháng 9/1973 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Vị lãnh tụ cách mạng đã thực hiện được giấc mơ mà ông ấp ủ bấy lâu. Cả lãnh đạo và Nhân dân Việt Nam cũng rất mong chờ được đón người bạn lớn này tới thăm quê hương mình.

50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Sự khích lệ to lớn

Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế, trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phóng viên TTXVN tại La Habana đã có dịp trò chuyện cùng nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González, người đã công tác tại Hà Nội trong những ngày tháng 9 lịch sử cách đây 50 năm đó.

Ông Fredesmán tốt nghiệp Đại học Hà Nội vào tháng 7/1971 và sau vài tháng về nước nghỉ phép, ông đã trở lại nhận nhiệm vụ ở Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam. Khi ấy, ông là Tùy viên Ngoại giao và đồng thời là phiên dịch cho cố Đại sứ Raúl Valdés Vivó - người đã lập nên “Đại sứ quán trong rừng sâu” năm 1969 tại căn cứ Tây Ninh bên cạnh trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhà ngoại giao từng hai lần là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013) nhớ như in chuyến thăm đầy cảm xúc của Tổng Tư lệnh Fidel năm ấy. Cờ Việt Nam, cờ Cuba, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Chủ tịch Fidel… treo khắp nơi trên các phố phường Hà Nội như trong những ngày hội lớn. Trên vỉa hè và trong công viên nhỏ trước cửa Nhà khách 12 Ngô Quyền lúc nào cũng có rất đông người Việt Nam tập trung chờ Tổng Tư lệnh Fidel đi qua hay đứng trên ban công nhỏ vẫy chào quần chúng.

Sự tiếp đón chu đáo của lãnh đạo Việt Nam, tình cảm nồng hậu của người dân Hà Nội và hình ảnh lãnh tụ Fidel ngồi trên xe mui trần đi từ sân bay Gia Lâm, xuôi phố Hàng Đào, vòng qua Hồ Hoàn Kiếm và dừng chân tại Nhà Khách 12 Ngô Quyền đã trở thành một ký ức vô cùng sâu sắc, in đậm trong tâm trí ông Fredesmán.

Theo nhà ngoại giao Cuba, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel được thực hiện rất thận trọng. Ngay từ những ngày đầu tháng 9, Đại sứ Valdés Vivó thường xuyên tham dự nhiều cuộc họp ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng không sử dụng phiên dịch. Tùy viên quân sự Cuba dường như cũng rất bận rộn.

Ngày 8/9, Đại sứ Valdés Vivó triệu tập toàn thể cán bộ ngoại giao Cuba và thông báo rằng phái đoàn của Chủ tịch Fidel sẽ sớm thăm Việt Nam, song không tiết lộ thời gian cụ thể. Trong cuộc họp này, Đại sứ Valdés Vivó đã phân công nhiệm vụ cho từng người. Ông Fredesmán và một cán bộ ngoại giao Cuba khác cũng nói được tiếng Việt là Jorge la O (Qúy) được giao nhiệm vụ trực đường dây điện thoại tại nhiều địa điểm khác nhau, những nơi được cho là điểm dừng chân của Tổng Tư lệnh Fidel và phái đoàn. Tuy nhiên, công việc dịch thuật chính lại do phiên dịch người Việt Nam là các ông Nguyễn Đình Bin, Nguyễn Xuân Phong và Hoàng Hiệp đảm nhận.

50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Sự khích lệ to lớn

Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Mai Phương/Pv TTXVN tại La Habana, Cuba.

Bản thân ông Fredesmán, khi ấy còn là “lính mới”, cũng lấy làm mừng vì ông chưa tự tin để phiên dịch cho Tổng Tư lệnh Fidel. Mãi đến năm 1978, ông mới lần đầu tiên làm phiên dịch cho nhà lãnh đạo trong cuộc gặp giữa lãnh tụ Cuba với đồng chí Xuân Thủy bên lề Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ XI tại La Habana.

Ông hồi tưởng: "Tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh Chủ tịch Fidel, dáng người đường bệ, cử chỉ nhanh nhẹn, vào ra Nhà khách 12 Ngô Quyền. Tôi cũng không thể quên được hình ảnh Người trò chuyện cùng Đại sứ Valdés Vivó với tấm bản đồ Việt Nam trên tay. Họ nói về những gì Cuba có thể làm để giúp Việt Nam tái thiết đất nước. Họ nói đến những khó khăn trong việc mở rộng sân bay Gia Lâm, vì một đầu đường băng là sông Hồng còn đầu kia là đường sắt đi Hải Phòng…”.

Khoảng 8h30 sáng ngày 14/9, Tổng Tư lệnh Fidel cùng đoàn chính thức lên đường đi Hải Phòng. Nhiều nhà báo và một số thành viên trong đoàn tùy tùng đã rời đi trước đó. Tuy nhiên ngày 16/9, khi trở về, lãnh tụ Fidel mới tiết lộ trước sự ngạc nhiên của nhiều người có mặt trong tiệc chiêu đãi chia tay các nhà lãnh đạo Việt Nam và Ngoại giao đoàn ở Hà Nội, rằng ông đã tới vùng mới giải phóng ở Quảng Trị. Chuyến đi Hải Phòng chỉ là kế hoạch đánh lạc hướng.

Chủ tịch Fidel là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế tích cực, kiên quyết và công khai nhất ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và ngụy quyền, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng góp phần thúc đẩy một phong trào quốc tế rộng lớn đoàn kết với Việt Nam.

Chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Fidel là một sự khích lệ to lớn đối với các nhà lãnh đạo, quân đội và Nhân dân Việt Nam cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Ông không chỉ trực tiếp khẳng định với Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tình đoàn kết và sự ủng hộ của Cuba mà còn thể hiện niềm tin chắc chắn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba rằng chiến thắng toàn diện và dứt khoát của nhân dân Việt Nam đã gần kề. Chuyến thăm này cũng là dịp để Chủ tịch Fidel bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự tiếc nuối vì chưa được trực tiếp gặp Người.

Vị Tổng tư lệnh của Cách mạng Cuba cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị vào tháng 9/1973, một sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước và gây tiếng vang trong dư luận quốc tế. Hình ảnh Chủ tịch Fidel giương cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã truyền đi khắp thế giới, trở thành một hình ảnh đầy chất anh hùng ca, là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ cách mạng của Việt Nam lúc đó, là biểu tượng cho tình anh em giữa hai dân tộc và là lời cam kết của Cuba vì sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Cũng trong chuyến thăm này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Cuba, lãnh tụ Fidel đã tuyên bố tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ gồm Khách sạn Thắng Lợi; Bệnh viện Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình; đường Xuân Mai; 10 trại bò ở Mộc Châu, Sơn La; Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và cấp hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại. Đây là tấm lòng của nhân dân Cuba anh em nhằm góp phần tái thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi ký Hiệp định Paris vào tháng 1/1973.

Cuba còn cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, lãnh tụ Fidel có chuyến thăm lần thứ 2 và thứ 3 đến Việt Nam. Ông luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.