6 màn ảo thuật thách thức mọi định luật vật lý trên đời

Khoa học có thể làm được những điều vô cùng bất ngờ, điển hình là những màn ảo thuật trong bài viết này.

Khoa học là một lĩnh vực nghe tên thì thấy khô khan, nhưng tìm hiểu sâu thì thấy 2 từ này vẫn chưa đủ để lột tả cái sự "khô" của bộ môn này.

Đùa chút thôi, khoa học thực sự rất thú vị. Với khoa học, chúng ta có thể lý giải được những hiện tượng vô cùng kỳ lạ, biến những điều không thể thành có thể. Ví dụ như những trò ảo thuật kỳ lạ dưới đây, bạn sẽ thấy chúng thách thức toàn bộ định luật vật lý trên đời này.

1. Xoắn nước "đứng im" giữa không trung

Nước bao giờ cũng chảy từ cao xuống thấp và theo một đường duy nhất nếu đổ giữa không trung. Điều này đã thuộc về định luật vật lý, không có ngoại lệ.

Nhưng mà theo thí nghiệm dưới đây thì không phải thế.

Dòng nước trong ảnh trên biến thành hình xoáy ốc và dường như trở nên tĩnh lặng ngay giữa không trung ở những khung hình cuối.

Nguyên nhân thì cũng đơn giản nhưng sẽ không ai nghĩ đến. Trong thí nghiệm này, nguồn nước được gắn với một bộ loa. Sóng âm chính là nguyên nhân khiến dòng nước biến thành đường xoắn ốc.

Nhưng chưa hết đâu. Sóng âm ở đây có tần số rung gần như tương đồng với tốc độ ghi hình của máy quay. Sự tương đồng này đã đánh lừa não bộ, khiến dòng nước dường như đứng im giữa không trung.

2. Thắp nến từ xa

Trò ảo thuật này bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà, chỉ cần nhanh tay và đúng thời điểm.

Khi thắp nến, ngọn lửa sẽ đồng thời làm sáp nến bay hơi. Sự bay hơi này vẫn còn kể cả khi thổi tắt nến. Và nếu trong lúc này chúng ta bổ sung một nguồn nhiệt vào khói, lửa sẽ theo hơi sáp lan xuống và thắp sáng ngọn nến.

3. Màn ảo thuật "bàn tay bốc lửa"

Bạn đã bao giờ dám tưởng tượng mình sẽ tay không mà ôm một đống lửa chưa? Đây nhé!

Thứ đang bốc cháy trên tay cô gái là hỗn hợp... nước rửa bát, nước và gas butane. Họ pha loãng nước rửa bát, sau đó sục khí gas vào, làm ướt tay trước khi hớt lấy một ít bong bóng và... châm lửa.

Mục đích của nước rửa bát ở đây là để giữ cho khí gas lại trong bong bóng. Và vì gas butane có tốc độ bay hơi cực cao nên sẽ chỉ có gas cháy bên trên, còn bàn tay vẫn vô sự.

Tuy nhiên, đây vẫn là một màn ảo thuật nguy hiểm, bạn tuyệt đối không nên thử ở nhà.

4. Ngọn nến có ma

Ngọn nến được "treo" ở giữa 2 cốc nước như trong hình ở vị trí cân bằng. Có điều sau khi thắp nến, ngọn nến cứ tự... cử động như có ma vậy.

Nguyên nhân của hiện tượng có thể giải thích nhờ định luật 3 Newton: "Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều".

Tức là khi một đầu nến chảy ra, đầu nến còn lại sẽ nặng hơn và hạ thấp xuống một chút, tạo ra lực nâng với đầu còn lại. Và theo định luật 3 Newton, sẽ có một lực nâng khác tác động ngược trở lại, và ngọn nến cứ tiếp tục nâng lên hạ xuống.

5. Tạo ra quả cầu lửa bên trong lò vi sóng

Thắp một que diêm bên trong lò vi sóng, bạn sẽ thấy một hiện tượng cực kỳ quái dị: ngọn lửa từ đầu diêm đột nhiên... thoát tục, biến thành một quả cầu lửa giữa không trung.

Và lý do đây: một vật cháy sẽ giải thoát electron ra khỏi nguyên tử. Nhưng sự tự do này không kéo dài, vì các phân tử khác sẽ ngay lập tức "bắt giữ" chúng. Quá trình này khiến cho electron mất đi năng lượng và phát ra ánh sáng - chính là lý do vì sao lửa lại phát sáng.

Nhưng trong lò vi sóng thì khác. Từ trường bên trong sẽ đẩy electron ra khỏi ngọn lửa, khiến cho nó va vào các phân tử không khí và phát sáng. Và vì chúng nóng hơn không khí xung quanh, nên nó sẽ lơ lửng ở trên cao.

Tuy nhiên, đây vẫn là một màn ảo thuật nguy hiểm, bạn tuyệt đối không nên thử ở nhà.

6. Nước... chảy ngược

Bạn biết đấy, nước chỉ có thể chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, nhưng thí nghiệm dưới đây thì cho thấy điều ngược lại: Bạn thắp một cây nến, đặt lên trên một chiếc đĩa chứa nước, rồi úp cốc lên trên. Kết quả sẽ là nước trong cốc sẽ dâng lên từ từ như phép thuật.

Nguyên nhân đây: Ngọn lửa sẽ khiến không khí trong cốc nóng lên, đẩy không khí ra khỏi cốc và hút nước vào.

Đến khi lửa tắt đi, nhiệt độ hạ xuống sẽ khiến áp suất cũng hạ xuống, tạo thành một khoảng chân không ở trong cốc. Khoảng không này đương nhiên sẽ tạo ra lực hút, và nước thậm chí còn dâng mạnh hơn lúc trước.

Theo Trí thức trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói