6 sai lầm của cha mẹ khiến trẻ kém phát triển

Tại sao có trẻ nhanh nhẹn, vui vẻ, có trẻ chậm chạp, lầm lì? Khoa học đã chứng minh cách nuôi dạy khác nhau sẽ dẫn đến trẻ có sự khác biệt về tính cách.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, hạnh phúc, tuy nhiên trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi cha mẹ sinh hoạt sai cách, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, đặc biệt là não bộ của trẻ.

Ảnh minh họa: Aboluowang.

Theo nghiên cứu từ đại học Harvard, có 6 sai lầm của cha mẹ trong sinh hoạt có thể ảnh hưởng tới trẻ.

Bỏ bữa sáng

Nhiều phụ huynh do quá bận rộn nên thường để trẻ ăn uống tùy tiện vào buổi sáng. Nhiều người không kịp chuẩn bị đồ ăn cho con, cho tiền để trẻ tùy nghi mua đồ, hoặc mua cho con một món gì đó trên đường. Không phải trẻ nào cũng có thể có ý thức tự giác mua đồ ăn, thậm chí lấy tiền cha mẹ cho để mua kẹo, bánh, truyện... mình thích, rồi bỏ luôn bữa sáng.

Đây thực sự là một nếp sinh hoạt sai. Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, vì thế không nên để trẻ ăn uống tùy tiện, chưa nói đến việc nhịn không ăn. Khi trẻ nhịn ăn, cơ thể không được cung cấp năng lượng sau khi trải qua một giấc ngủ dài, khiến trẻ không đủ năng lượng cho một ngày sinh hoạt. Về lâu dài, trẻ có thể bị hạ đường huyết, dạ dày... cùng nhiều vấn đề khác.

Trẻ từ 0-15 tuổi đang trong thời kỳ tăng trường và cần được cung cấp dinh dưỡng đúng chuẩn.

Cho trẻ thức khuya

Nhiều cha mẹ có thói quen đi ngủ muộn, thích thức khuya. Con cái họ cũng chẳng chịu đi ngủ sớm bao giờ. Thậm chí, trước giờ ngủ, các em vẫn còn khư khư điện thoại, iPad, Tivi... Cá biệt, có trường hợp cha mẹ đã ngủ, trẻ còn lén bật các thiết bị lên xem. Ngày hôm sau, các bé rất khó dậy đúng giờ, nếu đi học sẽ vô cùng mệt mỏi.

Trẻ em ngủ đủ thời gian mới có thể nâng cao thể chất, tư duy, nhờ thế khả năng tập trung và hiệu quả học tập mới được nâng cao. Do đó, cha mẹ nên làm gương cho con cái bằng cách rèn luyện cho con ăn, ngủ đúng giờ giấc. Nên thiết lập một thời gian biểu hợp lý để trẻ đi ngủ sớm, dậy đúng giờ.

Không khuyến khích trẻ thể dục, thể thao

Tập thể dục rất tốt cho cơ thể con người nói chung, trẻ nhỏ nói riêng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không thích vận động, thế nên cũng không khuyến khích con tập luyện. Trên thực tế, những trẻ không thích tập thể dục dẫn đến khả năng miễn dịch kém hơn những trẻ tập thể dục thường xuyên.

Cha mẹ nên làm gương cho con cái bằng việc đặt điện thoại, iPad sang một bên để cùng con đi dạo, hoạt động ngoài trời, từ đó nuôi dưỡng niềm yêu thích thể thao của trẻ.

Hay quát mắng trẻ

Cha mẹ quát mắng con cái là việc thường thấy ở nhiều gia đình. Họ cho rằng mắng để con hiểu chuyện, khôn lớn. Tuy nhiên, hậu quả của việc mắng mỏ con vô lối là điều ít cha mẹ nào nghĩ tới.

Việc người lớn mắng trẻ liên tục sẽ khiến đứa bé dần trở nên tự ti, mặc cảm. Theo thời gian, khi gặp phải những vấn đề rắc rối, trẻ có xu hướng né tránh, không đủ can đảm đối diện với vấn đề của chúng.

Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên kiên trì trao đổi để con hiểu đúng, sai, lần sau không tái phạm, thay vì dùng lời nói mạt sát, làm tổn thương trẻ.

Cấm trẻ khóc mếu

"Khóc là một phản ứng cảm xúc rất bình thường của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, khi khả năng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ, hành động của chúng chưa phát triển hoàn thiện. Vì thế, khi trẻ khóc, đừng cấm đoán, mắng mỏ trẻ. Việc cấm trẻ khóc chính là sự kiềm hãm cảm xúc trẻ, điều này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển thể chất, tinh thần của đứa trẻ.

Không khuyến khích trẻ tìm tòi, tư duy

Trong thời buổi công nghệ hiện đại, mọi thứ đều có trên Internet, nhiều cha mẹ hình thành sự lười biếng, thứ gì cũng “lên mạng”. Điều này vô tình là một sự tiếp tay cho trẻ lười tư duy. Ví dụ, trẻ muốn viết một bài văn, nhưng cha mẹ lười hướng dẫn con lại nói con “lên mạng tìm hiểu”, rồi trẻ chép nguyên xi bài văn chúng thấy vào vở. Nếu cha mẹ chịu khó thôi thúc con tìm hiểu, tưởng tượng, kết quả bài tập sẽ là của chính trẻ, và bản thân trẻ cũng được vận động não bộ một cách hiệu quả nhất.

Đừng quên não bộ cũng là một cỗ máy, và khi không vận động, chúng sẽ trở nên han gỉ, kém hoạt động.

Theo Aboluowang/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói