Chand Baori, Rajasthan, Ấn Độ: Vua Chanda của triều đại Nikumbha đã cho xây dựng Chand Baori vào thế kỷ 9 để cung cấp nước cho ngôi làng Abhaneri ở phía đông Rajasthan. Đây là một trong những giếng bậc thang lớn nhất và sâu nhất trên thế giới. Chand Baori gây ấn tượng mạnh cả về vẻ ngoài và cấu tạo. Công trình có 3.500 bậc thang dài 19,5 m xuống lòng đất, xếp thành hình đối xứng ngoạn mục. Ảnh: Suronin.
Pháo đài Van, Thổ Nhĩ Kỳ: Pháo đài Van là một pháo đài đá lớn được xây dựng bởi vương quốc cổ đại Urartu trong khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 7 trước Công nguyên. Nằm trên vách núi dựng đứng nhìn ra Tushpa, quần thể trên đỉnh đồi này được xây dựng từ đá vụn, gạch bùn và đá cắt. Kiệt tác kỹ thuật này đòi hỏi kiến thức toán học và kiến trúc chính xác để xây dựng. Điều này chứng minh tài hoa của các kiến trúc sư Urartu. Ảnh: Akimov Konstantin.
Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc: Là một trong những bức tường thành nổi tiếng nhất mọi thời đại, Vạn Lý Trường Thành trải dài 21.196 km qua biên giới phía bắc của đất nước này, từ Sơn Hải quan ở phía đông đến sa mạc Gobi ở phía tây. Hàng nghìn công nhân đã tham gia xây dựng công trình. Vạn Lý Trường Thành được hoàn thành lần đầu tiên vào khoảng năm 221 trước Công nguyên và tiếp tục được sửa chữa và xây dựng trong nhiều năm. Ảnh: Atosan.
Teotihuacan, Mexico: Đây là một thành bang cổ đại, đô thị quan trọng và vĩ đại bậc nhất của Mexico thời kỳ tiền Colombus. Di tích lịch sử này là nơi bạn tìm thấy những kim tự tháp hoành tráng, đại diện cho kiến trúc cổ đại Trung bộ Châu Mỹ. Các kim tự tháp Mặt trời và Mặt trăng ở đây được xây dựng từ những năm đầu Công nguyên (năm 1-250). Ảnh: Dmitry Rukhlenko.
Năm 300 Shibam, Yemen: Thị trấn Shibam 1.700 năm tuổi được đặt biệt danh là Chicago hay Manhattan của sa mạc. Đây là thành phố chọc trời lâu đời nhất thế giới, nơi có khoảng 500 tòa tháp bằng gạch bùn. Trong khi nhiều công trình đã được xây dựng lại, các tòa nhà ở Shibam chính là những ví dụ sớm nhất về cấu trúc thẳng đứng nhiều tầng trên thế giới. Các tòa nhà có 5-11 tầng với một số công trình cao tới 30 m. Ảnh: Javarman.
Al-Khazneh, Jordan: Là một trong những ngôi đền công phu nhất ở Petra, Al-Khazneh rộng 24 m và cao 38 m, được xây dựng bởi các công cụ bằng sắt và búa đơn giản. Công trình điêu khắc 2 tầng này được những người du mục tạc trên vách đá sa thạch. Al-Khazneh được cho là lăng mộ của vua Nabatean Aretas IV vào thế kỷ một sau Công nguyên. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Jordan. Ảnh: Pocholo Calapre.
Borobudur, Indonesia: Có niên đại từ thế kỷ 9, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur ẩn mình dưới lớp tro núi lửa và thảm thực vật rừng rậm cho đến năm 1835. Công trình được cho là đã mất 75 năm để xây dựng và được cấu tạo từ andesite (đá núi lửa màu xám), được cắt, vận chuyển và lát mà không cần vữa. Ngày nay các nhà sử học không biết nhiều về việc xây dựng hoặc mục đích ban đầu của công trình. Họ vẫn đang nghiên cứu so sánh hàng nghìn bức phù điêu chạm khắc để tìm manh mối. Ảnh: Adel Newman.