Giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục
Ngày 6/7 vừa qua, giá cám tiếp tục được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng từ 300 - 400 đồng/kg tùy dòng sản phẩm. Như vậy, chỉ trong khoảng 7 tháng, giá cám chăn nuôi trong nước đã tăng 6 lần, xác lập mức giá kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, giá bán thức ăn các loại hiện đã tăng khoảng 150 nghìn đồng/bao (loại 25 kg) so với thời điểm đầu năm 2022 và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020 (thời điểm đó giá 200 - 230.000 đồng/bao).
Giá cám đang phổ biến ở mức 350 - 410 nghìn đồng/bao 25 kg, tăng khoảng 150 nghìn đồng/bao so với thời điểm đầu năm 2022.
Chị Trần Thị Hương - chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi (xã Sơn Lộc, Can Lộc) cho biết: “Mấy tháng qua, cứ mỗi lần nhập hàng là một lần cơ sở được báo sắp có điều chỉnh giá bán mới để chuẩn bị trước. Giá cám tăng nhiều nên khách mua hàng cũng ít đi, kinh doanh ế ẩm. Hiện nay, dù giá cám đã tăng được gần 10 ngày nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ giá cũ cho người dân một thời gian để vừa tránh mất khách vừa hỗ trợ bà con duy trì chăn nuôi”.
Do nguồn nguyên liệu khan hiếm lên nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước tăng cao.
Cũng chung tình trạng buôn bán cầm chừng, anh Trần Văn Nam (xã Việt Tiến - Thạch Hà) chia sẻ: “Các nhà sản xuất thông báo, do nguồn nguyên liệu khan hiếm, cộng thêm chi phí vận chuyển không ngừng “đội” lên nên giá thành phẩm cứ thế tăng theo. Hiện nay, thức ăn cho lợn tập ăn đến 15kg giá khoảng 470 - 510 nghìn đồng/bao 25kg, cho lợn thịt từ 15kg đến xuất chuồng 330 - 410 nghìn đồng/bao 25kg, thức ăn cho gà thịt từ 340 - 400 nghìn đồng tùy loại...
Theo thông tin từ các đại lý kinh doanh lớn, xung đột Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng mạnh. Ngoài ra, việc giá vận chuyển tăng do giá xăng dầu, hoạt động logistics vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng góp phần khiến giá thành “đội” lên cao.
HTX Minh Lộc (Cẩm Minh - Cẩm Xuyên) đã phải giảm quy mô đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.
Chăn nuôi cầm chừng
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn. Người dân chấp nhận giảm đàn hoặc không mạnh dạn đầu tư tái đàn vì giá gia cầm, giá lợn hơi không “đuổi kịp” giá thức ăn chăn nuôi, nhất là đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ phải tự chủ động con giống.
Trước áp lực chi phí thức ăn, phòng dịch, Hợp tác xã Minh Lộc (Cẩm Minh - Cẩm Xuyên) đã chủ động giảm đàn từ quy mô 1.000 con xuống còn 700 con (200 lợn nái, 500 lợn thịt). “Nếu giảm quá nhiều số lượng lợn nái thì khi giá lợn hơi tăng trở lại sẽ không có lợn giống để tái đàn và phục vụ nhu cầu của người dân. Với lợn thương phẩm, tôi cũng chỉ dám duy trì ở mức vừa phải vì với chi phí chăn nuôi quá cao như hiện nay thì chỉ khi giá lợn hơi đạt mức trên 65.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi” - ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc cho biết.
Chị Phan Thị Bích (thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc) chăn nuôi cầm chừng để qua giai đoạn bão giá.
Còn đối với chị Phan Thị Bích (thôn Văn Cử - xã Xuân Lộc), gia đình hiện chỉ còn nuôi 5 con lợn trong khi trước đó thường duy trì đàn từ 15 - 20 con trong chuồng. “Giá cám đắt quá nên chỉ nuôi cầm chừng thôi, thậm chí tận dụng chuồng bỏ không còn lại để chuyển sang nuôi tạm 50 con gà ta cho đỡ phí diện tích”, chị Bích cho hay.
Không riêng chăn nuôi lợn, người nuôi gia cầm cũng đang giảm quy mô đàn vì giá cám không ngừng “phi mã”. Anh Trần Xuân Mạnh (xã Thạch Văn - Thạch Hà) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi trên 2.000 con gà nhưng nay chi phí tăng nên gia đình đã giảm đàn còn khoảng 1.200 con”.
Chăn nuôi gà có quy mô cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh) cho biết: “Chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất nên khi khi giá bán mặt hàng thức ăn tăng càng cao thì người chăn nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng từ 35 - 40% so với những tháng đầu năm 2022, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra tăng chưa tương xứng, thị trường tiêu thụ thường xuyên biến động, bấp bênh nên người chăn nuôi không yên tâm để đầu tư tái đàn sản xuất vào lúc này”.