­72 điểm loa phát thanh tự động, phao cứu sinh giúp hạn chế đuối nước trẻ em ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mô hình loa phát thanh sử dụng năng lượng mặt trời tự động cảnh báo đuối nước và điểm phao cứu sinh tại những nơi nguy cơ cao đang được các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai, nhân rộng nhằm góp phần hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Hà Tĩnh.

Tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn là vấn đề nhức nhối mỗi khi bước vào mùa hè nắng nóng. Nguyên nhân các vụ việc thường là do ý thức của trẻ. Các em tự ý chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối…, đi tắm khi không có người lớn đi cùng. Năm 2021, đã có 22 trường hợp tử vong thương tâm do đuối nước.

Công trình loa phát thanh phòng chống đuối nước sử dụng năng lượng mặt trời được thí điểm lần đầu tại thác Khe Xai (Thạch Hà)

Trước thực trạng đó, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đă nghiên cứu, sáng tạo mô hình loa phát thanh sử dụng năng lượng mặt trời tự động cảnh báo đuối nước và điểm phao cứu sinh tại những nơi nguy cơ cao. Mô hình được triển khai thí điểm vào tháng 4/2021 tại thác Khe Xai (Thạch Xuân, Thạch Hà).

Công trình thanh niên điểm phao cứu sinh phòng chống đuối nước tại TX Kỳ Anh

Sau khi nhận được tín hiệu tích cực, các cấp bộ Đoàn đã nhân rộng và tới nay toàn tỉnh đã có 12 điểm loa phát thanh tự động cảnh báo đuối nước và 60 điểm phao cứu sinh.

Mô hình loa tuyên truyền cảnh báo được thiết kế với thiết bị loa phát tự động chạy bằng năng lượng mặt trời, được cài đặt hệ thống tự động phát thông điệp cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước vào các khung giờ cao điểm; ngoài ra có thể phát thêm các nội dung như bảo vệ môi trường, phòng chống dịch Covid-19…

Đoàn viên thanh niên lắp đặt hệ thống loa phát thanh phòng chống đuối nước sử dụng năng lượng mặt trời tại Hương Khê

Đi cùng hệ thống loa là các thiết bị phao cứu sinh, dây thừng để ứng cứu trong tình huống khẩn cấp. Cách làm này nhận được sự ủng hộ của người dân.

Chị Nguyễn Thị Mai - xã Thạch Ngọc, Thạch Hà chia sẻ: “Đến khung giờ cao điểm, loa phát thanh sẽ tự động truyền đi những cảnh báo, gây được sự chú ý tới các cháu thiếu nhi và người dân. Tại các địa điểm nguy cơ đuối nước cao, lực lượng thanh niên cũng lắp đặt sẵn sàng các phương tiện cứu hộ nên chúng tôi cũng phần nào yên tâm. Để mô hình phát huy hiệu quả, chúng tôi cũng nêu cao ý thức bảo vệ toàn vẹn thiết bị tại các điểm nguy cơ cao”.

ĐVTN Lộc Hà thử nghiệm hệ thống phao cứu sinh từ vật liệu tái chế

Một số cơ sở Đoàn cũng đã sáng tạo, triển khai mô hình phòng chống đuối nước kết hợp với mô hình “hành trình thứ hai của lốp xe”. Theo đó, bằng những vật liệu đơn giản từ chiếc lốp xe cũ và những chiếc can nhựa không còn được sử dụng tới, ĐVTN đã tái chế thành những chiếc phao cứu sinh.

Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà Đặng Thái Sơn cho biết: “Với một chiếc phao tái chế có thể giúp một người lớn nặng tầm 60kg dễ dàng nổi trên mặt nước. Cùng với ý nghĩa hạn chế tai nạn đuối nước, cách làm này còn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Đến nay, đơn vị đã triển khai được 6 điểm phao cứu sinh”.

Điểm phao cứu sinh tại xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh)

Theo kế hoạch, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai mô hình này trên toàn tỉnh. Cùng đó, tổ chức Đoàn, Đội các cấp trong toàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, các bậc phụ huynh; cắm biển cảnh báo đuối nước tại các ao hồ, sông, suối, khu vực nguy hiểm; phát thanh tuyên truyền phòng chống đuối nước tại các xã, phường, thị trấn và các trường học; trao tặng bể bơi…

Loa phát thanh tự động cảnh báo đuối nước và điểm phao cứu sinh là mô hình mới, sáng tạo, bước đầu triển khai đã mang lại tín hiệu tốt, được người dân ghi nhận. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng, đồng thời nghiên cứu thêm các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hạn chế tình trạng đuối nước ở thanh thiếu nhi.

Chị Nguyễn Ny Hương - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói