Cần sớm bàn giao, đảm bảo chất lượng, an toàn hệ thống điện ở vùng Hà Lầm

(Baohatinh.vn) - Các hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng Hà Lầm, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang gặp nhiều khó khăn do điện thiếu ổn định, mất an toàn và giá cao.

DSC_0880 - Copy.JPG
Hệ thống trạm biến áp, tụ bù, cầu dao tổng phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản của HTX Đông Ngạn thường xuyên gặp trục trặc, nhất là mùa mưa bão.

Hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản của 10 hộ ở vùng Hà Lầm (thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) đang do Hợp tác xã Đông Ngạn tự quản, chưa được bàn giao cho Điện lực Thạch Hà để trực tiếp vận hành, quản lý, kinh doanh. Thời gian qua, ở khu vực nuôi trồng này thường xuyên xảy ra sự cố về điện vì hệ thống đường dây, cột điện, công tơ, cầu chì, cáp néo... đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vào đêm ngày 3/6, đường dây chính vào khu vực nuôi trồng bị đứt, vắt ngang lên một lán tôn của hộ nuôi tôm gây chập cháy lớn. Tuy không có tổn thất về người nhưng vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và tâm lý bất an cho các hộ nuôi.

Đặc biệt, do ảnh hưởng mưa bão số 3 và số 4 vừa qua nên hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản của HTX Đông Ngạn liên tục xảy ra sự cố khiến 10 hộ đang sản xuất ở đây bị tổn thất nặng nề. Theo đó, do sửa không đúng kỹ thuật, hệ thống điện 3 pha thiếu ổn định, điện chập chờn, mất pha nên nhiều hộ nuôi trồng đã bị cháy mô tơ quạt tạo dòng, bóng đèn, hư hỏng sục khí và các loại thiết bị điện khác trị giá hàng chục triệu đồng.

DSC_0894 - Copy.JPG
Điện trục chập chờn khiến nhiều quạt tạo guồng trong các hồ nuôi tôm bị chập cháy, phải kéo lên bờ.

Ông Nguyễn Doãn Bản - thành viên HTX Đông Ngạn phản ánh: “Sau đợt mưa gió vừa rồi, máy biến áp chung bị trục trặc. Chúng tôi đã thông báo và được Điện lực Thạch Hà điều động cán bộ kỹ thuật về kiểm tra, sửa chữa nhưng không đạt yêu cầu... Hậu quả, tất cả thiết bị điện sử dụng vào chiều 28/9 đã bị chập cháy, các hộ bị hư hỏng nhiều nhất là 3-5 mô tơ quạt.

Chưa dừng lại ở đó, Điện lực Thạch Hà đã tiếp tục về giúp các hộ sửa chữa tiếp nhưng sự cố vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ngày 2/10, lại có thêm nhiều mô tơ quạt tạo guồng nước và các thiết bị khác bị cháy. Vì dễ chập cháy, vận hành không an toàn nên dù đang có điện nhưng chẳng ai dám dùng”.

DSC_0921 - Copy.JPG
Người nuôi trồng thủy sản gấp rút khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn cho các hồ nuôi nhưng bất thành.

Hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đang duy trì sản xuất trong tình trạng thiếu điện. Các loại tài sản trị giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng không được đảm bảo an toàn. Để duy trì sản xuất, các hộ nuôi trồng quy mô lớn phải chấp nhận tốn kém, tăng chi phí sản xuất (gấp 2-3 lần) để mua xăng dầu sử dụng máy nổ và phát huy tối đa công năng của hệ thống sục khí. Các hộ nuôi quảng canh, quy mô nhỏ đang bỏ mặc ao hồ, được chăng hay chớ.

123 - Copy.jpg
Dây điện bị đứt gây cháy hồi đầu tháng 6/2024 ở khu vực nuôi trồng thủy sản vùng Hà Lầm.

Bên cạnh nguy cơ mất an toàn, giá điện sản xuất quá cao cũng là vấn đề khiến người nuôi trồng ở đây gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.

Anh Trần Thiên Nam – người phụ trách thu tiền điện của Hợp tác xã Đông Ngạn cho biết: “Bà con ở đây mỗi tháng sử dụng 12.000 – 30.000 kWh, tùy từng thời điểm sản xuất cụ thể. Vì chưa được Điện lực Thạch Hà trực tiếp quản lý, vận hành nên 10 hộ sản xuất phải dùng chung một đồng hồ tổng, sau đó mỗi hộ tự lắp đồng hồ riêng, số điện bị thất thoát được chia đều cho mỗi hộ nên rất bất tiện, thiếu chính xác. Mặt khác, đường điện xuống cấp, không được duy tu, bảo dưỡng nên lượng điện hao hụt rất lớn, giá điện tăng cao. Hiện nay, mỗi kWh điện có giá từ 2.200 – 2.400 đồng. Đây là mức giá quá cao so với điện sản xuất" (bình quân giá điện 3 pha phục vụ nuôi trồng thủy sản ở các vùng khác chỉ khoảng 1.700 – 1.900 đồng/kWh - PV).

Hệ thống đường dây phục vụ sản xuất đã xuống cấp.

Hệ thống đường dây phục vụ sản xuất đã xuống cấp.

Trước tình trạng này, ông N.V.H. - đại diện Hợp tác xã Đông Ngạn đề nghị: “Trước mắt, chúng tôi mong muốn Điện lực Thạch Hà hỗ trợ bà con khắc phục triệt để sự cố đang xảy ra để sớm ổn định sản xuất. Về lâu về dài, Điện lực Thạch Hà, UBND xã Thạch Sơn, Phòng Kinh tế – Hạ tầng của UBND huyện Thạch Hà cần phối hợp kiểm tra, đánh giá để bàn giao hệ thống lưới điện này về cho Điện lực Thạch Hà quản lý, vận hành. Có như thế mới đảm bảo an toàn, tiết kiệm điện năng và chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Kỹ thuật của Điện lực Thạch Hà cho biết đơn vị có điều động cán bộ về sửa chữa giúp khách hàng nhưng do cháy cầu chì; hệ thống điện sau công tơ đã xuống cấp, hư hỏng nên không thể khắc phục dứt điểm sự cố. Thời gian tới, nếu bà con đề nghị hỗ trợ thêm thì Điện lực Thạch Hà sẽ điều động cán bộ kỹ thuật về kiểm tra, đánh giá tình hình, đề xuất phương án để khắc phục dứt điểm.

Cũng theo đại diện Điện lực Thạch Hà, hiện nay, do chưa được ngành điện trực tiếp quản lý, vận hành nên hệ thống điện phục vụ sản xuất ở đây (phần sau trạm biến áp đến các hộ nuôi trồng) chưa đảm bảo an toàn, thiếu ổn định, hao hụt nhiều, cần phải sửa chữa sớm.

dsc-0907-copy-7861.jpg
Điện phục vụ nuôi trồng ở khu vực Hà Lầm đang thiếu an toàn, không ổn định, thất thoát lớn nên cần phải sớm được bàn giao cho ngành điện quản lý, vận hành.

Đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện trong sản xuất là vấn đề rất quan trọng đối với người nuôi trồng thủy sản nói chung và bà con trong Hợp tác xã Đông Ngạn nói riêng. Nguyện vọng của bà con nuôi trồng thủy sản vùng Hà Lầm cũng rất chính đáng, cần phải được xem xét nghiêm túc, trách nhiệm.

Do đó, ngoài việc hỗ trợ bà con ở đây sớm có điện sản xuất ổn định, an toàn, giá phù hợp thì UBND xã Thạch Sơn, UBND huyện Thạch Hà và ngành điện lực cần phải sớm bàn bạc, phối hợp kiểm tra, đánh giá, xây dựng hồ sơ để bàn giao hệ thống điện cho Điện lực Thạch Hà quản lý, vận hành. Vì chỉ khi Điện lực Thạch Hà tiếp nhận, vận hành thì hạ tầng điện ở đây mới được cải thiện, mức độ ổn định của điện lưới cao hơn, vấn đề an toàn được đảm bảo, lượng điện hao hụt sẽ không còn và mỗi hộ nuôi trồng sẽ mua điện trực tiếp qua công tơ gia đình với giá thấp hơn.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.