Năm 2016, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã xếp một loại vi khuẩn vào hạng "ác mộng". Đó là CRE (carbapenem resistant Enterobacteriacea) - một loại khuẩn đường ruột với khả năng kháng được những loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay.
Ác mộng CRE thực sự nguy hiểm, nhưng theo một nghiên cứu mới đây từ ĐH Harvard, loại vi khuẩn này có khả năng lây lan, hoạt động mạnh hơn những gì chúng ta biết rất nhiều.
Nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu phân tích tại nhiều nơi trên nước Mỹ, để rồi phát hiện ra rằng CRE thực sự đã lây lan rất mạnh, trong đó mỗi dòng khuẩn lại có khả năng kháng thuốc của riêng mình. Đáng lo hơn, chúng dường như có khả năng "học hỏi" lẫn nhau, chia sẻ các gene kháng thuốc với tốc độ nhanh chưa từng thấy, và nhiều cơ chế hiện con người còn chưa được biết đến.
Và thậm chí, các dòng khuẩn CRE còn lân lan từ người qua người mà không hề có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.
"Hiện nay chúng ta đang tập trung điều trị các bệnh nhân nhiễm CRE đã phát bệnh, có điều nghiên cứu mới chỉ ra rằng CRE đang phát tán nghiêm trọng hơn rất nhiều." - Tiến sĩ William Hanage, giảng viên dịch tễ học tại ĐH Harvard và là chủ nhiệm nghiên cứu cho biết.
"Chúng ta cần hướng đến cơ chế lây lan không thể quan sát được và phát triển hệ thống chữa bệnh nếu muốn chấm dứt cơn ác mộng này".
Ngoài ra, tiến sĩ Hanage còn chia sẻ: "Cách tốt nhất để ngăn chặn CRE khiến con người ta phát bệnh là chặn từ con đường lây lan của chúng. Nếu chúng ta không thể phát hiện được chuyện này mà chỉ tập trung vào những ca đã phát bệnh, thì cũng giống như đang đâm vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết vậy; chắc chắn rằng vi khuẩn sẽ tiếp tục xuất hiện".
Được biết, CRE đang được xếp vào loại vi khuẩn có khả năng kháng lại rất nhiều thuốc kháng sinh bao gồm cả những loại thuốc được xem là "cứu cánh cuối cùng". Theo thống kê, mỗi năm riêng tại Mỹ có 9300 ca nhiễm khuẩn, trong đó gây ra 600 cái chết, và tỉ lệ này đang tiếp tục tăng cao.