Ai dễ mắc ung thư tuyến giáp?

Ung thư tuyến giáp phổ biến ở độ tuổi, nhóm người nào… là thắc mắc thường gặp của nhiều người.

Số ca mắc ung thư tuyến giáp ở độ tuổi nào nhiều hơn?

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến, nhân lên nhanh, giết chết các tế bào khỏe mạnh. ThS.BS Nguyễn Hồng Vinh, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết không giống như một số loại ung thư (phổi, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, tuyến tụy…) thường gặp ở người lớn tuổi, ung thư tuyến giáp phổ biến hơn ở người dưới 55 tuổi.

Ảnh minh họa

Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới?

Ung thư tuyến giáp dạng nhú xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc kém biệt hóa ở phụ nữ gần bằng nam giới.

Dù phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn, nhưng điều này không ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh. Theo bác sĩ Vinh, tỷ lệ sống sau 5 năm (chung cho cả hai giới) của ung thư tuyến giáp khoảng 98%, tỷ lệ sống trên 10 năm là 95%.

Triệu chứng thường gặp của bệnh là gì?

Đa số các trường hợp ung thư tuyến giáp không có triệu chứng. Bệnh tiến triển có thể gây ra khối u trên cổ, cảm giác vướng cổ, nuốt khó, khàn tiếng, đau ở cổ và họng… Những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với bệnh tai mũi họng, tiêu hóa, khiến khó phát hiện kịp thời.

Phụ nữ mắc ung thư tuyến giáp có sinh con được không?

Bác sĩ Vinh cho biết phụ nữ bị ung thư tuyến giáp vẫn mang thai và sinh con bình thường vì quá trình điều trị bệnh không ảnh hưởng đến chức năng hormone tuyến giáp. Người bệnh cần cắt một phần thùy giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp. Người cắt bỏ một nửa tuyến giáp có chức năng hormone bình thường, còn lại cần bổ sung hormone lâu dài.

Phương pháp chính trong điều trị loại ung thư này là gì?

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong hầu hết trường hợp. Thông thường, bác sĩ cắt một phần thùy giáp nếu bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa nhỏ và chưa lan rộng. Ngược lại, nếu tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, bác sĩ cắt toàn bộ tuyến giáp đồng thời nạo vét hạch.

Phương pháp điều trị bằng iốt phóng xạ (RAI) được áp dụng sau khi cắt bỏ tuyến giáp nhằm tiêu diệt mô tuyến giáp còn lại. Bác sĩ cũng dùng phương pháp này để loại bỏ những vùng tế bào ung thư nhỏ còn sót lại trong quá trình phẫu thuật. Vai trò của hóa trị rất nhỏ trong điều trị bệnh.

Ung thư tuyến giáp có khả năng tái phát cao?

Phần lớn các loại ung thư tuyến giáp không có khả năng tái phát. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân bị tái phát nếu tế bào ung thư lan ra ngoài tuyến giáp trước khi nó được cắt bỏ. Khả năng tái phát tại các vị trí như hạch bạch huyết ở cổ, những mảnh mô tuyến giáp nhỏ còn sót lại trong quá trình phẫu thuật, phổi và xương.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói