Ám ảnh thôn có 25 người mắc bệnh ung thư!

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, người dân thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) sống trong cảnh thấp thỏm lo âu về căn bệnh ung thư quái ác đang “gõ cửa” nhiều gia đình. Mỗi ngày qua đi, số người mắc căn bệnh này ngày một nhiều mà chưa biết nguyên nhân.

am anh thon co 25 nguoi mac benh ung thu

Người dân thôn Na Trung chia sẻ về căn bệnh quái ác “gõ cửa” nhiều gia đình trong thôn.

Con đường độc đạo dẫn vào thôn Na Trung bao trùm không khí ảm đạm. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những ánh nhìn u buồn, khắc khoải, không ai nói với ai một câu, bởi rất nhiều gia đình nơi đây có người thân đang bị ung thư. Có người giai đoạn cuối, có người mới phát hiện bệnh và rất nhiều gia đình có người thân đã mất vì căn bệnh quái ác này.

Dẫn chúng tôi vào nhà có người đang mắc bệnh ung thư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dương Hoàn Vỵ cho biết: “Gia đình này có chị Đinh Thị Loan đang mắc bệnh ung thư dạ dày. Sau nhà chị Loan có ông Dương Xuân Sang trước cũng bị ung thư thực quản, chết cách đây 5 năm. Đối diện nhà chị Loan có bà Nguyễn Thị Đinh cũng mất vì ung thư phổi đã gần chục năm. Vừa rồi, bà Nguyễn Thị Hiếu ở phía bên phải nhà chị Loan cũng phát hiện bị ung thư vú đang đi xạ trị ở Hà Nội. Tính ra, xung quanh nhà chị Loan, nhà nào cũng có người mắc bệnh ung thư!”.

am anh thon co 25 nguoi mac benh ung thu

Chị Đinh Thị Loan - một trong những bệnh nhân ung thư ở thôn Na Trung

Biết có khách đến thăm, dù đang bị bệnh tật hành hạ đau đớn nhưng chị Loan (SN 1969) vẫn gắng dậy tiếp chuyện. Giọng nói yếu ớt, chị Loan nắm lấy bàn tay tôi, mắt ngấn lệ: “Tôi bị bệnh 1 năm lại nay. Bây giờ, bệnh đã di căn sang gan. Để chữa trị cho tôi, bao nhiêu thứ đáng giá đã phải lần lượt bán đi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm”.

Từ ngày phát hiện mẹ bị ung thư, em Dương Hữu Hòa (con trai thứ 2 của chị Loan) đã bỏ học đại học, làm nghề cắt tóc để kiếm tiền giúp mẹ chữa bệnh. Anh Chiến (chồng chị Loan) cũng đi làm quần quật để kiếm tiền trang trải. Nhiều lúc nghĩ quẩn, chị Loan chỉ muốn quyên sinh để chồng con đỡ khổ nhưng những lúc ấy, anh lại động viên, an ủi, tiếp thêm sinh lực để chị chiến đấu với bệnh tật.

“Nhiều lần chồng tôi nói đùa “em mà không lấy anh, không về vùng này sống thì chắc gì đã bị bệnh”, chị Loan chua xót.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã, hơn 20 năm lại đây, toàn thôn Na Trung có đến 25 người mắc bệnh, chủ yếu là ung thư thực quản, dạ dày, vú, buồng trứng... Trong số đó, đa phần bệnh nhân đã mất, nhiều gia đình có cả vợ lẫn chồng đều chết vì ung thư; số người mắc bệnh còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mới đầu, căn bệnh ung thư chỉ xuất hiện ở những người 50 tuổi trở lên, nay thì lớp trẻ cũng đã có đến mấy người. Trường hợp trẻ tuổi nhất là em D.T.C (SN 1992). C. phát hiện bị bệnh ung thư máu lúc đang học lớp 10. Nhờ ca ghép tủy thành công năm 2014 nên hiện nay, C. đã có thể trở lại với cuộc sống.

Em C. chia sẻ: “Để có được cuộc sống như hôm nay, cha mẹ em đã phải bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi. Riêng ca ghép tủy đã mất hơn 200 triệu đồng. Bây giờ em chỉ hy vọng bệnh không tái phát”.

am anh thon co 25 nguoi mac benh ung thu

Trưởng thôn Trương Quang Tình nghi vấn nguyên nhân gây nên bệnh ung thư cho nhiều người dân trong làng là do nguồn nước

Mặc dù căn bệnh ung thư quái ác đã “gõ cửa” nhiều gia đình trong thôn nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có một cơ quan chức năng nào vào cuộc để nghiên cứu tìm nguyên nhân. Theo người dân địa phương, khoảng năm 1967, thôn Na Trung là nơi đóng quân của Bệnh viện cơ động thuộc Quân khu 4.

Anh Trương Quang Tình - Trưởng thôn Na Trung cho biết: “Khu vực nhà chị Loan ở từng có một bệnh viện dã chiến đóng ở đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không tìm ra sợi dây liên kết nào để lý giải nguyên nhân khiến nhiều người dân trong làng mắc bệnh ung thư”.

Nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh là từ nguồn nước ngầm mà bà con sử dụng nhiều năm qua (năm 2015, thôn mới có nước sạch), trong một lần cán bộ Phòng TN&MT đi kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch, bà con đã lấy mẫu nước giếng khoan nhờ đo các chỉ số. Kết quả, nguồn nước bị nhiễm asen, vượt ngưỡng an toàn cho phép gấp 2 lần.

“Kết quả trên cho thấy, nguồn nước ngầm mà bà con đang sử dụng có vấn đề. Mong rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, xác định giúp người dân có phải đây là nguyên nhân khiến cho bệnh ung thư đang “gặm nhấm” mảnh đất vốn rất đỗi yên bình này” - Trưởng thôn Trương Quang Tình bày tỏ.

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.