Ấn Độ thử thành công tên lửa Shaurya
Hôm 03/10, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa chiến thuật tầm ngắn siêu thanh Shaurya, tờ “Thời báo Ấn Độ” (Times of India) dẫn các nguồn tin trong giới quân sự của nước này cho biết. Vụ phóng thử được thực hiện ở Balasore, thuộc phân đoạn thử nghiệm của quân đội.
Theo nguồn tin của báo, tên lửa phiên bản mới có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 800km đã được thử nghiệm thành công và sẽ trang bị cho lực lượng chiến lược, bên cạnh các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa dòng Agni hiện đã được biên chế.
Các nguồn tin cho biết vụ phóng thử đã thành công tốt đẹp. Ở giai đoạn cuối, khi chuẩn bị tấn công vào mục tiêu, tên lửa di chuyển với tốc độ siêu thanh. Nguồn tin còn tiết lộ thêm rằng, tên lửa mới nhẹ hơn và dễ vận hành hơn so với các phiên bản hiện có.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã nỗ lực hoạt động nhằm đạt được khả năng tự cung cấp hoàn toàn về tên lửa chiến lược, thực hiện tốt lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi nhằm khiến Ấn Độ tự túc trong lĩnh vực quốc phòng.
Trước đó, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos nâng cấp, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách trên 400 km, tức là hơn 100 km so với các chỉ số trước đó.
Từ trái qua phải là tên lửa Shaurya, tên lửa Agni và tên lửa K-15 Sagarika |
Việc Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa nhiên liệu rắn Shaurya có tầm bay xa nhưng lại nhẹ hơn và dễ vận hành hơn các tên lửa hiện có đã cho thấy thực tế là ngành công nghiệp chế tạo tên lửa nước này đã có bước tiến bộ vượt bậc trong công nghệ nén nhiên liệu.
Sự thành công của tên lửa siêu thanh Shaurya cùng với hàng loạt dòng tên lửa đạn đạo/hành trình đình đám như: Gia tộc tên lửa đạn đạo Agni, các phiên bản và biến thể của tên lửa siêu âm/siêu thanh BrahMos, dòng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (dòng K), tên lửa hành trình Nirbhay…, đã cho thấy, Ấn Độ đang trên con đường trở thành một cường quốc tên lửa hàng đầu thế giới.
Giới thiệu sơ bộ tính năng tên lửa Shaurya
Tên lửa Shaurya là tên lửa chiến thuật đất đối đất hai tầng, vận tốc siêu thanh, phóng theo cơ chế phóng lạnh, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển từ năm 2011 để sử dụng cho Lực lượng Vũ trang Ấn Độ. Tên lửa có hai phiên bản có thể phóng từ silo hoặc từ xe cơ động trên mặt đất.
Tên lửa có trọng lượng từ 6,2 đến 6,8 tấn tùy theo đầu đạn, chiều dài 10m, đường kính thân 0,74m; độ cao bay 50km, vận tốc tối đa 7,5 mach (pha cuối), vận tốc trong pha giữa là 5 mach; độ chính xác theo bán kính đường tròn đồng tâm 20-30m.
Ấn Độ cũng mới thử thành công phiên bản tên lửa BrahMos cải tiến |
Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường có trọng tải từ 200kg đến 1 tấn, cung cấp khả năng tấn công ở cự ly rất xa chống lại bất kỳ kẻ thù nào. Theo thiết kế, tầm bắn của Shaurya từ 700 đến 1.900 km (430 đến 1.180 mi) tương ứng với độ nặng của các đầu đạn khác nhau.
Tên lửa chiến thuật Shaurya được suy đoán là phiên bản phóng từ xe cơ động trên đất liền của tên lửa đạn đạo tầm trung K-15 Sagarika phóng từ tàu ngầm, mặc dù các quan chức DRDO đã ra thông báo bác bỏ mối liên hệ của nó với chương trình K-15.
Tuy nhiên, một nhà khoa học hàng đầu của DRDO đã xác nhận tên lửa Shaurya là thiết kế đặc biệt để bắn từ tàu ngầm.
Ông cho biết thêm rằng, sau khi phóng đi và đạt độ cao khoảng 50km, tên lửa bắt đầu bay như tên lửa hành trình siêu thanh, với tốc độ mach 5, khi sắp đến khu vực tác chiến, nó tăng tốc lên mach 7.5 và tấn công mục tiêu với độ chính xác từ 20 đến 30m.
Shaurya có thể đạt vận tốc Mach 7,5 ngay cả khi ở độ cao thấp, với nhiệt độ bề mặt là 700 độ C. Nó được mô tả là một hệ thống vũ khí tấn công chính xác, với hệ thống dẫn đường phức hợp tiên tiến và hệ thống điều khiển hiệu suất cao, dễ vận hành.