Máy bay chiến đấu Mig-35 tại buổi giới thiệu của Tập đoàn Mig. Ảnh: flightglobal
Được nâng cấp từ máy bay chiến đấu Mig-29, siêu máy bay chiến đấu Mig-35 tích hợp những tính năng kỹ thuật tối tân cùng các công nghệ hiện đại chỉ có trên những máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ 5.
Mig-35 có khả năng chiến đấu tốt trong hoàn cảnh bị lưới phòng không dày đặc của đối phương bao vây nhờ tính năng giảm đáng kể sự phát hiện của ra-đa đối phương. Đặc biệt hệ thống ra-đa mới lắp đặt trên loại máy bay chiến đấu được đánh giá gần đạt tiêu chuẩn thế hệ thứ 5 này có thể theo dõi đồng thời 10 đến 30 mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở cự li lên tới 130 ki-lô-mét và tấn công đồng thời 6 mục tiêu cả trên không lẫn dưới mặt đất. Đây cũng được cho là khác biệt lớn nhất của Mig-35 so với máy bay chiến đấu thế hệ trước Mig-29.
Được coi là “Át chủ bài”, Mig-35 có thể mang theo 7 tấn vũ khí và đạt vận tốc tương đương hơn 2.700 ki-lô-mét/giờ. Đặc biệt, ưu điểm là Mig-35 có khả năng mang hầu hết hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Với công nghệ tối tân, khả năng chiến đấu của Mig-35 được đánh giá là tăng ít nhất 2,5 lần, có thể sử dụng vũ khí độ chính xác cao chống các mục tiêu trên mặt đất, vốn rất quan trọng khi yểm trợ cho lực lượng mặt đất. Trong số đó, nổi bật là việc bố trí hợp lý các động cơ có điều khiển vecto lực đẩy giúp máy bay có khả năng siêu cơ động.
Nga đã thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với máy bay chiến đấu Mig-35 vào tháng 1 vừa qua ở khu vực Lu-khốp-vít-xi thuộc ngoại ô Mát-xcơ-va. Sau khi hoàn tất quá trình bay thử nghiệm, Mig-35 sẽ được lắp đặt hệ thống vũ khí laser.
Việc phát triển Mig-35 dựa trên nền tảng của Mig-29 được đánh giá là cách rẻ nhất và nhanh nhất để cung cấp mẫu máy bay cần thiết cho quân đội. Các cường quốc hàng không khác cũng phát triển theo hướng nâng cấp sâu các mẫu máy bay cũ, ví dụ như việc nâng cấp phiên bản máy bay chiến đấu F-16 từ F-15 của Mỹ, theo nguyên lý cung cấp các kỹ năng chiến đấu mới, mở rộng phạm vi vũ khí, trang bị các hệ thống hiện đại, độ chính xác cao.
Tổng thống Nga V.Pu-tin bày tỏ hy vọng sức mạnh của quân đội Nga có thể được nâng cấp đáng kể sau khi được trang bị siêu máy bay chiến đấu Mig-35. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch sẽ mua 170 chiếc Mig-35 để bảo đảm nhu cầu thực hiện nhiệm vụ hiện nay và thay thế các loại chiến đấu cơ hạng nhẹ hiện có. Tư lệnh không quân Nga Vích-to Bôn-đa-rép (Viktor Bondarev) cho biết, Nga cần Mig-35 cho các chiến dịch quân sự như ở Xy-ri. Mig-35 dự kiến sẽ được phiên chế cho lực lượng không quân Nga trong năm 2018 và được sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng một năm sau đó.
Nga hy vọng Mig-35 có thể trở thành “chiến binh” kế nhiệm xứng đáng những gì máy bay chiến đấu Mig-29 đã thể hiện được kể từ khi được phiên chế trong lực lượng không quân nước này vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
Trả lời phóng viên Sputnik, đại tá Ma-ca Ác-xê-nen-cô (Makar Aksenenko), một phi công giàu kinh nghiệm của quân đội Nga cho rằng lực lượng không quân Nga hiện nay cần có các máy bay để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường hiện đại, bao gồm yểm trợ từ trên không có các binh sĩ trên chiến trường cũng như hoạt động ở hậu phương địch, không kích vào các sở chỉ huy và đơn vị đối phương.
Ngoài ra, Mát-xcơ-va còn nhắm tới mục tiêu xuất khẩu Mig-35. Hiện nay một số quốc gia được cho là sẽ mua loại máy bay tối tân này của Nga là Bun-ga-ri, Ba-lan và Xlô-va-ki-a. Tổng thống V.Pu-tin từng tuyên bố Mig-35 có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Ông khẳng định, loại máy bay này có sẵn những lợi thế dành cho xuất khẩu và cho biết “đàn anh” của nó-Mig-29 - hiện đang có mặt trong biên chế của không quân hơn 30 nước trên thế giới. Tập đoàn Mig cho biết sắp mở các trung tâm chăm sóc dịch vụ mới tại các nước đặt mua Mig-35.
So sánh Mig-35 với các loại máy bay chiến đấu khác trên thế giới, một số chuyên gia cho rằng, đối thủ cạnh tranh có thể là Grippen-Next của Thụy Điển, F-16 của Mỹ… So với các loại máy bay này, Mig-35 của Nga có lợi thế là 2 động cơ. Nhưng so với các loại máy bay chiến đấu 2 động cơ khác như Eurofighter, Rafale và F18 Super Hornet, Mig-35 lại khó có thể cạnh tranh.
Nga rất kỳ vọng Mig-35 sẽ nhận được nhiều hợp đồng lớn trong tương lai. Nga đang xúc tiến tiếp thị loại máy bay mới này tới nhiều nước khác nhau, trong đó có Xy-ri, Li-bi, I-ran, An-giê-ri, Xu-đăng, Ấn Độ, Mê-hi-cô, Bra-xin, Pê-ru…
Có thể khẳng định mục tiêu chú trọng xuất khẩu của Mát-xcơ-va đối với siêu máy bay chiến đấu Mig-35 là một bước đi hợp lý trong thị trường vũ khí cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thế giới. Mát-xcơ-va biết rằng trên thế giới có nhiều nước đang sở hữu Mig-29 mà thời hạn phục vụ sắp kết thúc nên Mig-35 có cơ hội chiếm lĩnh được một phân khúc nhất định trên thị trường nếu có chính sách tiếp thị hợp lý. Ông V.Sơ-va-rép (Vladimir Shvarev), Phó giám đốc Trung tâm Phân tích kinh doanh vũ khí quốc tế của Nga không loại trừ Mig-35 có thể phù hợp với người Ấn Độ, quốc gia đang có ý định tiếp tục nâng cấp lực lượng không quân của mình. Theo ông, loại máy bay chiến đấu này có thể nhận được sự quan tâm từ các nước có lãnh thổ không rộng lớn và không có nhu cầu mua sắm các máy bay tiêm kích hạng nặng.