Thu nhập thấp thường là lý do đầu tiên khi cắt nghĩa việc nhiều bác sỹ bỏ công tác ở lĩnh vực y tế công lập để chuyển sang y tế tư nhân. Thế nhưng, từ việc lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc mới hay đó chưa phải là lý do duy nhất…
Xuất thân là con nhà nông, bố mẹ đắp đổi qua ngày từ mảnh ruộng, song, nhờ có tố chất thông minh và khao khát vươn lên, anh N.L. đã nỗ lực trong học tập tại Trường Đại học Y dược Huế. Sau 6 năm miệt mài đèn sách, anh được thu hút về công tác tại một bệnh viện đầu ngành của tỉnh. Ròng rã gần 10 năm qua, tổng thu nhập của bác sỹ N.L. cũng chỉ xấp xỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.
Lập gia đình, hai bên nội ngoại cũng khó khăn nên anh chị vay mượn đủ bề để có mái nhà tránh nắng mưa. Hằng tháng, tổng thu nhập của vợ chồng dành phân nửa để trả nợ, còn lại là chi phí sinh hoạt của gia đình nên cũng thiếu trước, hụt sau. Với áp lực về thu nhập trong khi có trong tay tuổi trẻ và chuyên môn khá, bác sỹ N.L. đã quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội phát triển ở một bệnh viện tư nhân tại TP Hà Tĩnh. Anh N.L. chia sẻ, thu nhập tại nơi làm việc mới chừng 40 triệu đồng/tháng nên dù đắn đo nhiều lắm cũng đành lựa chọn sự thay đổi vì cuộc sống gia đình.
Bác sỹ Trung tâm Y tế Hương Sơn tiếp đón, thăm khám cho bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã có 2 bác sỹ nghỉ việc. Nói về các trường hợp này, bác sỹ chuyên khoa II Lê Nhật Thành - Giám đốc trung tâm cho hay: “Chúng tôi có 2 bác sỹ công tác ở trạm y tế cơ sở xin nghỉ việc từ năm 2021. Mặc dù trong đơn xin nghỉ việc có lấy lý do là sức khỏe và một số lý do khác nhưng theo tôi, thu nhập vẫn là lý do chính”.
Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Tĩnh, trong tổng số 41 cán bộ của ngành nghỉ việc từ năm 2021 lại nay, có 9 trường hợp có lý do nghỉ là thu nhập thấp. Báo cáo tình hình viên chức bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập của Sở Y tế Hà Tĩnh phân tích: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống ở y tế công lập. Trong khi đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu là lý do chính dẫn đến việc một bộ phận viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc để “đầu quân” sang đây.
Ngoài nâng cao thu nhập, các bác sỹ ở cơ sở y tế công lập mong muốn được nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.
Được biết, theo quy định hiện nay, sau khi học đại học 6 năm và sau 18 tháng thực hành, bác sỹ mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương bậc 1 (2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng) cộng với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập gần 4.882.000 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT). Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng như trên thực sự chưa xứng đáng với công sức, thời gian đầu tư học hành của đội ngũ bác sỹ. Trong khi đó, mức thu nhập của các đơn vị y tế tư nhân cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần sẽ hấp dẫn hơn là điều tất yếu.
“Nếu như còn trẻ, tôi cũng sẽ cân nhắc để lựa chọn làm việc ở bệnh viện có hệ thống máy móc hiện đại. Bởi rằng, máy móc y tế được ví như “con mắt thần” hỗ trợ bác sỹ trong việc phát hiện, điều trị bệnh. Ở yếu tố này, bệnh viện tư có nhiều lợi thế, còn bệnh viện công sẽ khó khăn hơn nhiều” - lãnh đạo một bệnh viện tuyến huyện chia sẻ.
Cũng theo vị bác sỹ này, thu nhập cũng là một yếu tố nhưng sâu xa hơn, đối với nhiều bác sỹ trẻ, nếu cứ mãi công tác ở một nơi mà máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB) hạn chế thì cũng đồng nghĩa với việc khó có cơ hội phát triển chuyên môn, nâng cao tay nghề.
Hằng ngày, cán bộ y tế công đảm nhận một khối lượng công việc lớn, trong khi hệ thống máy móc chưa được đồng bộ nên tạo nhiều vất vả cho các y bác sỹ.
Theo lý giải, sau khi đào tạo bài bản, máy móc hiện đại hỗ trợ rất lớn cho bác sỹ trong việc phát hiện, điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện công, nhất là tuyến huyện rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị… Một ví dụ, BVĐK huyện Lộc Hà đang được đánh giá là cơ sở y tế tuyến huyện có lượng bệnh nhân khá đông, dao động từ 250-300 bệnh nhân nội trú/ngày. Tuy vậy, hệ thống máy móc của bệnh viện vẫn còn hạn chế. Bác sỹ Dương Hùng Anh - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Mặc dù có quyết định phân nguồn đầu tư máy chụp cắt lớp vi tính CT nhưng do một số vướng mắc nên quyết định này bị thu hồi, bệnh viện vẫn chưa được trang bị loại máy hiện đại này. Ngoài ra, 2 máy siêu âm của đơn vị cũng đã dùng hơn chục năm; còn máy siêu âm chuyên sâu, MRI thì chưa có…”.
Các cơ sở y tế tư nhân lại có hệ thống máy móc đồng bộ, thu nhập cao, tạo sức hút đối với các y bác sỹ.
Tương tự, tại BVĐK huyện Hương Khê, sau nhiều năm không được đầu tư, nâng cấp nên cơ sở vật chất, máy móc đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Bác sỹ Phan Trường Sang - Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Đến nay, một số loại máy móc chuyên sâu phục vụ hoạt động chẩn đoán, điều trị đều bị hỏng đã ảnh hưởng đến quá trình thăm khám, chẩn đoán, điều trị của các y, bác sỹ. Qua báo giá để sửa chữa thì kinh phí lên đến gần 2 tỷ đồng, trong khi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu bị sụt giảm đến gần 60% và đến nay, bệnh viện đang âm tới 5 tỷ đồng nên không có nguồn kinh phí để bảo trì, sửa chữa”.
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế, ngoài các nguyên nhân về thu nhập, máy móc phục vụ chuyên môn thì áp lực công việc là “giọt nước tràn ly” khiến một số bác sỹ đành “dứt áo ra đi”. Câu chuyện thu nhập chưa cao, thiếu máy móc của ngành y là thực trạng lâu nay, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao chỉ sau khi dịch COVID-19 hoành hành, rồi tiếp đó là những bức xúc do khó khăn trong đấu thầu thiết bị, vật tư y tế thì thực trạng bác sỹ nghỉ việc, bỏ việc mới trở nên nhức nhối (!?).
Dịch COVID-19 đã khiến cho khối lượng công việc của các y bác sỹ tăng lên gấp nhiều lần, tạo nhiều áp lực, mệt mỏi.
Thực tế cho thấy, với tính chất công việc đặc thù, hằng ngày, cán bộ, nhân viên (CBNV) y tế đã nhiều việc, khi dịch COVID-19 xảy ra, công việc lại tăng gấp bội. Nhiều người phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ/ngày hoặc hơn, trong khi môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng… Thế nhưng, giữa cường độ công việc cao, áp lực chăm sóc, phục vụ bệnh nhân thì ở một số thời điểm, sự quan tâm, lắng nghe, giải quyết chế độ lại chưa kịp thời, chưa đủ sức để động viên, chia sẻ đối với những CBNV y tế.
Có thời gian công tác 25 năm tại khoa truyền nhiễm của một bệnh viện lớn tại Hà Tĩnh nhưng bác sỹ N.B. đành quyết định nghỉ việc. “Thời điểm dịch COVID-19, chúng tôi làm việc 24/24h. Ngoài điều trị, chăm sóc bệnh nhân trực tiếp, mỗi ngày, các bác sỹ phải tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại tư vấn từ người dân. Áp lực là vậy nhưng chúng tôi chưa được sự quan tâm thỏa đáng về chế độ, chính sách, nhiều người phải trải qua lằn ranh sinh tử nhưng chế độ phụ cấp chống dịch COVID-19 đến giờ vẫn chưa được thanh toán” - bác sỹ N.B. chia sẻ.
Công tác tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu BVĐK thành phố Hà Tĩnh, bác sỹ Lưu Văn Thìn trải lòng: “Là đơn vị chịu nhiều áp lực về giây phút sinh tử của bệnh nhân nên CBNV của khoa thường phải làm việc hết công suất. Bình quân mỗi ngày, một bác sỹ trong khoa thăm khám, cấp cứu cho khoảng 30-40 bệnh nhân. Chúng tôi thường xuyên được “trải nghiệm” các trường hợp người nhà mất bình tĩnh, có những lời lẽ khiếm nhã, to tiếng; một số trường hợp còn đòi gây gổ, động chân, động tay đối với bác sỹ và cán bộ của khoa”.
...
Đặc biệt, hiện nay, việc thiếu thuốc, vật tư y tế do những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu đang diễn ra cũng gây căng thẳng, áp lực cho đội ngũ CBNV y tế công lập. Chúng tôi đã chứng kiến trường hợp to tiếng tại bệnh viện BVĐK thành phố Hà Tĩnh khi một bệnh nhân được nhân viên y tế giải thích cụ thể về việc thiếu một loại thuốc trong đơn đã kê nhưng người này vẫn bày tỏ thái độ thiếu hợp tác và “xả” sự bức xúc vào những nhân viên y tế tại đây.
Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Chính sách tự chủ nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tránh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Y tế, trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nguồn thu hạn chế. Mặt khác, chi phí KCB BHYT năm 2021 và các năm trước chưa được cơ quan BHXH thanh quyết toán đầy đủ, kịp thời nên các đơn vị không đủ nguồn để trang trải các chi phí dẫn tới ảnh hưởng đến các hoạt động chi thường xuyên, đặc biệt là việc thanh toán tiền lương, các khoản phụ cấp trực, phẫu thuật...
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại BVĐK tỉnh.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, quá trình thực hiện lộ trình tự chủ, những cơ chế, chính sách đi kèm chưa đồng bộ cùng với những khó khăn nội tại khiến nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn, chưa tạo được “cú hích” trong nâng cao chất lượng KCB và “giữ chân” đội ngũ y, bác sỹ. Cái khó đầu tiên là những thiếu thốn về cơ sở, vật chất (CSVC), máy móc thiết bị, bởi điều này phụ thuộc vào ngân sách. Như tại BVĐK huyện Cẩm Xuyên, CSVC vốn đã chật hẹp, thiếu thốn thì khi bước vào tự chủ 2017 cho đến nay, CSVC của đơn vị vẫn chưa được đầu tư cải tạo, sửa chữa, máy móc chưa được mua sắm khiến tình trạng xuống cấp, thiếu thốn thêm phần trầm trọng, ảnh hưởng đến việc thu hút bệnh nhân.
Bác sỹ Phan Thanh Minh - Giám đốc BVĐK huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Đơn vị đang tự chủ 100% chi thường xuyên, còn việc đầu tư CSVC thiết bị vẫn đang phụ thuộc vào ngân sách. Tuy nhiên, trong 3 năm lại nay, bệnh viện chưa có được sự đầu tư nào. CSVC thiếu đồng bộ cộng với chính sách thông tuyến BHYT cùng ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lượng bệnh nhân giảm mạnh, kéo theo nguồn thu cũng bị sụt giảm. Điều này dẫn đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút, đào tạo bác sỹ và nâng cao thu nhập cho CBNV”.
Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều cơ sở y tế công lập, nhất là tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Việc không được hỗ trợ đầu tư về CSVC, trang thiết bị buộc các cơ sở y tế hằng năm phải bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn để duy tu, bảo trì, sửa chữa. Điều này khiến các đơn vị tự chủ đã khó nay càng thêm khó. Một con số thống kê đáng suy ngẫm tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh là tổng nguồn thu năm 2021 của đơn vị đạt trên 89 tỷ đồng; trong đó, chi cho chuyên môn, nghiệp vụ, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đã chiếm gần 45 tỷ đồng. Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn thu có được từ hoạt động KCB đang phải chi trả cho máy móc, thiết bị, hóa chất, thuốc men… quá lớn, dẫn đến không còn nhiều nguồn lực nâng cao đời sống cho CBNV. Thu nhập của các bác sỹ nhiều năm không thay đổi nên dù có yêu nghề, yêu bệnh viện đến mấy thì họ cũng đành ra đi vì cơm, áo, gạo, tiền…”.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh.
Theo ý kiến của nhiều cơ sở y tế công lập, việc thực hiện tự chủ còn có điểm vướng mắc, đó là mặc dù đã tự chủ 100% chi thường xuyên, nhưng khi muốn phát triển một dịch vụ mới để vừa nâng cao năng lực KCB vừa tạo nguồn thu thì các cơ sở y tế đều phải xây dựng đề án, chờ phê duyệt của UBND tỉnh. Việc tuyển dụng con người tại các cơ sở y tế tự chủ cũng phải xây dựng đề án, chỉ tiêu và chờ phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền khiến nhiều bệnh viện rơi vào thế bị động trong việc kết nối, mời gọi các bác sỹ về làm việc.
Bên cạnh đó, có một thực tế đang tồn tại được nhiều cơ sở y tế công lập của Hà Tĩnh và toàn quốc kiến nghị là viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá. Những phần chưa được cơ cấu vào giá viện phí như: chi phí đào tạo, bảo trì máy móc, cải tạo CSVC, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin... buộc các bệnh viện phải tự cân đối ngân sách đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của CBNV y tế.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thăm khám cho bệnh nhân.
Hành trình thực hiện quyền tự chủ của hệ thống y tế công lập Hà Tĩnh đã bước vào năm thứ 5. Theo thông tin từ Sở Y tế, một số đơn vị tự chủ nhóm II không đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động như đã được phân loại giai đoạn 2020-2022 làm ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ tiền lương của người lao động và thanh toán công nợ thuốc, vật tư, hóa chất của các nhà cung ứng. Tuy nhiên, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị tự chủ nhóm II không được điều chỉnh xuống nhóm III trong giai đoạn tiếp theo. Việc phải duy trì nhóm II trong khi thực tế đơn vị không tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên đang khiến một số đơn vị “hụt hơi”. Vừa qua, BVĐK huyện Cẩm Xuyên, BVĐK huyện Đức Thọ đã đề xuất chuyển xuống tự chủ hạng III.
Thực tế tài chính khiến bệnh viện công khó khăn trong lộ trình tự chủ, dù rằng, quy định này chính là hướng tới mục tiêu giúp đội ngũ y, bác sỹ phát huy được chất xám để nâng cao chất lượng KCB, đồng thời cải thiện thu nhập, môi trường làm việc. Làm thế nào để tạo môi trường làm việc đủ sức hút, động lực cho các y, bác sỹ là một bài toán cần được giải gắn với chiến lược phát triển bền vững của hệ thống y tế công lập.
Video: anh tấn
thiết kế: huy tùng
Bài 1: Chuyện những người chấp nhận mất biên chế
Bài cuối: Cần thêm những “thỏi nam châm” để “giữ chân” người tài