Thời gian gần đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nhi mắc các rối loạn về tâm lý vào điều trị.
Bệnh nhi khi đến khám thường có một trong các biểu hiện như: chậm nói, ít nói hay nháy mắt, nhún vai, nhăn trán, lắc đầu, thở dài, lẩm bẩm, hắng giọng, la hét... Qua khai thác tiền sử người nhà thì ngoài các yếu tố di truyền, rất nhiều trẻ đã nghiện xem điện thoại, tivi khi ở nhà.

Em N.Q.T (6 tuổi, trú xã Hà Linh) vào điều trị tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh với triệu chứng chậm nói. Được biết, trước đó em T. vẫn nói được tuy nhiên thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện ít nói, chậm nói và hay mất tập trung.
Theo chia sẻ từ mẹ của bệnh nhân, do 2 vợ chồng thường bận bịu với công việc nên khi cháu đi học về là lại cho phép mở tivi để xem. Ban đầu thì vẫn thấy cháu bình thường nhưng về sau càng ít nói, rồi lên lớp cũng không thấy giao tiếp với bạn bè và học rất mất tập trung nên gia đình mới đưa cháu xuống bệnh viện để được tư vấn điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Thị Hà – Phó Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh cho biết: “Việc để trẻ xem nhiều tivi và điện thoại ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển, bởi tivi, điện thoại chủ yếu là giao tiếp 1 chiều, không có sự tương tác qua lại với trẻ. Một trong những ảnh hưởng rõ nét nhất là ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ sẽ ngày càng bị yếu đi. Khi bị các rối loạn về ngôn ngữ và tâm lý thì việc học tập sẽ giảm sút, trẻ thiếu hoạt bát và gặp khó khăn trong thiết lập các mối quan hệ xã hội cũng như xử lý các tình huống… Tất cả các yếu tố này sẽ trở thành di chứng tâm lý khiến trẻ khó khăn trong phát triển bản thân”.
Hiện nay, điện thoại, máy tính bảng, tivi luôn được xem như là "cứu cánh" của phụ huynh trong việc dỗ dành con cái, tạo thời gian cho mình làm việc. Thậm chí, điện thoại, tivi trở thành công cụ để dỗ dành con trong ăn uống. Chính việc này đã tạo ra một thói quen xấu và đẩy trẻ vào việc “nghiện” xem điện thoại, tivi, gây ra những rối loạn về tâm lý, sức khỏe. Điều đáng lo ngại là mặc dù trẻ xuất hiện các triệu chứng nhưng nhiều phụ huynh lại không kịp thời nhận ra, đến khi các rối loạn tâm lý diễn ra trong một thời gian dài và nghiêm trọng mới phát hiện thì việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hà, hiệu quả điều trị cho trẻ bị rối loạn tâm lý phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện sớm các rối loạn của trẻ để can thiệp. Ngoài sự tư vấn, can thiệp của các y bác sỹ thì điều quan trọng nhất là gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong cải thiện môi trường sống. Gia đình cần chấm dứt ngay việc “nhờ” điện thoại, ipad, tivi kết nối internet để dỗ con, trông con. Cho trẻ đến trường sớm và tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, hoạt động cộng đồng, trải nghiệm để trẻ tương tác và hòa nhập.
Khi cho trẻ sử dụng tivi, điện thoại phải có người lớn cùng xem để giải thích, tương tác với trẻ, thay vì để con chỉ tương tác với thiết bị. Đặc biệt, phụ huynh cần dành thời gian cho trẻ, ở bên trẻ, vui chơi cùng trẻ. Về phía bệnh viện, trong thời gian tới, sẽ tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ rối loạn tâm lý ở trẻ để các bậc phụ huynh nắm bắt, phát hiện sớm các triệu chứng rối loạn. Tích cực tư vấn cho các nhóm phụ huynh về các giải pháp phối hợp điều trị, can thiệp tại nhà nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.