Tất cả bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước 1/10

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10, là lần thứ ba lùi lộ trình này do việc triển khai chậm trễ.

Lộ trình triển khai kê đơn điện tử này được Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư mới về quy định đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, các bệnh viện phải thực hiện kê đơn điện tử trước ngày 1/10/2025, còn các cơ sở khám chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1/1/2026. Như vậy, đây là lần thứ ba Bộ Y tế lùi lộ trình này. Lần gần nhất, hạn cuối đối với nhóm cơ sở khám chữa bệnh quy định tại thông tư 04/2022 là ngày 30/6/2023 các cơ sở phải liên thông đơn thuốc.

Nhân viên y tế tại nhà thuốc Bệnh viện Quân y 175 phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhân viên y tế tại nhà thuốc Bệnh viện Quân y 175 phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần

Đơn thuốc điện tử là một cấu phần rất nhỏ và tất yếu phải có trong bệnh án điện tử. Rộng hơn, đơn thuốc điện tử còn phát sinh tại cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh không điều trị nội trú và không có bệnh án. Chỉ khi sử dụng đơn thuốc điện tử rộng khắp trên phạm vi toàn quốc mới đảm bảo giám sát quản lý hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tới từng cơ sở y tế.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch. Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc - những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn. Dự kiến, mỗi năm hệ thống này có thể lưu trữ tới 600 triệu đơn thuốc.

Ngày 6/7, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, cho hay việc triển khai Hệ thống thông tin quốc gia quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn nhằm mục tiêu liên thông tất cả đơn thuốc được kê từ tất cả cơ sở khám chữa bệnh (công và tư) trên phạm vi toàn quốc với mã định danh cụ thể của bác sĩ, mã định danh cơ sở khám chữa bệnh và mã định danh cho từng đơn thuốc về kho tổng của Bộ Y tế.

Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chia sẻ đơn thuốc (qua sự cho phép của người bệnh khi tới cơ sở bán lẻ thuốc) với từng phần mềm của từng cơ sở bán lẻ, để cơ sở thực hiện việc cấp bán thuốc theo đơn. Hệ thống tái tiếp nhận báo cáo số lượng đã cấp, bán trên từng đơn thuốc. Từ đó, tránh được tình trạng người bệnh mua thuốc với đơn thuốc không minh bạch (đơn kê tay không xác thực không rõ nguồn gốc); mua thuốc nhiều lần với đơn thuốc đã bán hết số lượng hoặc mua thuốc với đơn đã hết hạn.

Trước đây, việc sử dụng đơn thuốc giấy rất khó có thể quản lý được tính minh bạch của mỗi đơn thuốc cũng như việc bán thuốc theo đơn. Nhiều bất cập lớn khi kê đơn thuốc giấy dù kê bằng máy tính trên phần mềm hay viết tay trên sổ y bạ. Cụ thể, đơn thuốc giấy không xác minh được tính chính xác của đơn, có thật hay không, người kê đơn hay cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền hay không.

Bên cạnh đó, đơn thuốc giấy cũng không thể xác nhận được cập nhật trạng thái đơn (đã bán/mua thuốc toàn phần hay một phần), dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn. Nhiều trường hợp, chữ bác sĩ trên đơn thuốc kê tay như "đánh đố" người bệnh, dược sĩ, điều này có thể dẫn đến việc bán sai loại thuốc, dùng sai liều, ảnh hưởng sức khỏe.

"Tuy nhiên, việc thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh liên thông đơn thuốc điện tử trên phạm vi toàn quốc của ngành y tế vẫn còn chậm trễ", ông Trọng nói, thêm rằng hiện Hệ thống mới ghi nhận có khoảng 12.000 cơ sở khám chữa bệnh các loại hình thực hiện liên thông đơn thuốc thường xuyên trên tổng số khoảng hơn 60.000 cơ sở đang hoạt động trên toàn quốc. Rất nhiều bệnh viện lớn tuyến cuối vẫn chưa liên thông đơn thuốc hoặc chỉ liên thông đơn kê bảo hiểm, còn đơn thuốc khám chữa bệnh theo yêu cầu không liên thông.

Đa phần cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa thực hiện liên thông đơn thuốc (khoảng 40.000 cơ sở chưa liên thông). Rất nhiều cơ sở bán lẻ thuốc, kể cả các nhà thuốc trong bệnh viện chưa thực hiện bán thuốc theo đơn bằng mã đơn thuốc điện tử (trong tổng hơn 218 triệu đơn thuốc đã liên thông chỉ có hơn 3,6 triệu đơn ngoại trú được báo cáo đã bán từ các cơ sở bán lẻ thuốc).

Hiện rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn kê đơn thuốc trên giấy, thậm chí đơn không rõ nguồn gốc, kê đơn trên phầm mềm nhưng không đúng chuẩn hoặc kê đơn trên phần mềm nhưng không liên thông về hệ thống.

Theo ông Trọng, việc triển khai kê và liên thông đơn thuốc điện tử từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh về Hệ thống thông tin quốc gia quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn là "không khó khăn". Các phần mềm chủ động thực hiện và không tạo thêm quy trình mới nào trong việc khám chữa bệnh của người bác sĩ. Việc nhập mã đơn thuốc điện tử vào phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc để bán thuốc theo đơn cũng thuận lợi và tiết giảm thời khi mỗi cơ sở thực hiện bán thuốc.

Tuy nhiên, dù đã có đủ cơ sở pháp lý song việc triển khai này vẫn còn rất chậm, do nhiều yếu tố. Trong đó, việc tập huấn hướng dẫn cơ sở hành nghề thực hiện chưa được thực hiện; thanh kiểm tra giám sát đôn đốc thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên và đầy đủ. Đặc biệt, chưa cơ sở nào bị xử phạt dù nghị định xử phạt hành chính đối với cơ sở khám chữa bệnh và bán lẻ thuốc đều đã có chế tài.

Về phía các cơ sở hành nghề y dược, đa phần mối lo ở tâm lý "sợ minh bạch" sợ "bị quản lý" từ đó dẫn tới dễ bị phát hiện các vi phạm hành nghề. Ví dụ như không bán thuốc chui tại phòng khám được, không kê đơn lạm dụng thuốc hoặc không đúng thẩm quyền hay với cơ sở bán thuốc không tự ý bán thuốc khi không có đơn thuốc... nên việc thực thi càng nhiều chậm trễ. Ngay đối với các bệnh viện lớn, việc thiếu động lực tài chính (làm không có lợi gì thêm), thiếu thanh kiểm tra nên khối các cơ sở này cũng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Vì vậy, ông Trọng cho rằng cần giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ sức răn đe để cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện.

vnexpress.net

Đọc thêm

Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Nhiều năm trở lại đây, thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ ngày càng nhiều bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khẩu vị tương đối phù hợp với nhiều người dân Hà Tĩnh. Song, đằng sau sự tiện lợi đó liệu có tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Đồ ăn vặt “nội địa Trung” xuất hiện ngày càng phổ biến ở các chợ mạng, quầy tạp hóa tại Hà Tĩnh nhưng phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Người mang ánh sáng trở về

Người mang ánh sáng trở về

Với bác sĩ chuyên khoa II Võ Tá Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh, ca phẫu thuật không chỉ là nhiệm vụ y khoa, mà còn là một hành trình giúp bệnh nhân “nhìn lại cuộc đời” theo đúng nghĩa đen.
Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Trung tâm Xạ trị kỹ thuật cao - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày viết nên những câu chuyện hồi sinh từ lòng tin, từ nội lực ngành y tế địa phương và từ sự đồng hành của y học hiện đại.
"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

Chữa bệnh không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thế nhưng cơ sở khám, chữa bệnh của ông Dương Văn Ngọ (ở xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên hoạt động. Câu hỏi đặt ra là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của địa phương, ngành chức năng vì sao chưa phát huy hiệu quả?