Cảnh giác với nguy cơ xơ gan, ung thư gan do virus

(Baohatinh.vn) - Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, virus viêm gan có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên người dân cần chủ động tầm soát để ngăn ngừa ung thư.

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng và buồn nôn, đau tức vùng gan, bệnh nhân N.C.L (64 tuổi, xã Hồng Lộc) mới quyết định đến BVĐK tỉnh thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được các bác sỹ tư vấn, kiểm tra, làm các xét nghiệm đầy đủ. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đã bị viêm gan B mạn tính.

bqbht_br_gan-2a.jpg
Bác sỹ nắm bắt các triệu chứng viêm gan của người bệnh.

Bệnh nhân L. cho biết: “Tôi chưa có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh vì nghĩ rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường nào. Giờ đây, triệu chứng bệnh viêm gan B rõ ràng tôi mới nghe gia đình khuyên đi bệnh viện để khám”.

Cũng như bệnh nhân L, bệnh nhân N.T.K (49 tuổi, phường Sông Trí) tình cờ nhập viện điều trị mạch vành sau đó kết hợp kiểm tra sức khỏe tổng quát. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà nhiễm viêm gan B, men gan và tải lượng virus cao gấp 6 lần so với người bình thường, kèm theo dấu hiệu ứ mật. Chụp cộng hưởng từ phát hiện thêm một khối u gan kích thước 25x26mm. Rất may khối u của bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm và nằm tại vị trí thuận lợi, có thể can thiệp phẫu thuật với tiên lượng điều trị khá khả quan.

Hai trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình trong số rất nhiều bệnh nhân mắc viêm gan phát hiện bệnh muộn do chủ quan, không thăm khám sức khỏe định kỳ – đặc biệt là ở người trẻ tuổi, khi sức khỏe còn tốt và hầu như không có triệu chứng. Virus là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến nhất và ba loại virus thường gặp nhất là virus viêm gan A, B, C. Trong đó, viêm gan virus A thường tự khỏi thông qua việc cơ thể sẽ đào thải hết virus nên không có tình trạng nhiễm mạn tính. Virus viêm gan B, C lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, trong các trường hợp như: sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn... Nhiều người cơ thể không có khả năng đào thải dẫn đến nhiễm virus viêm gan B, C mạn tính.

bqbht_br_gan-1a.jpg
Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh thăm khám cho một bệnh nhân bị viêm gan do virus.

Trên thế giới, viêm gan virus mãn tính gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, tức là 3.500 ca tử vong mỗi ngày, chủ yếu là do ung thư gan và xơ gan. Viêm gan B và C đang lây lan âm thầm với 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng đầu trong 5 bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Việt Nam cũng là nước nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan cao nhất thế giới.

Tại Hà Tĩnh, số lượng người mắc căn bệnh về gan ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân, BVĐK tỉnh có từ 100 - 150 bệnh nhân nội trú, trong đó có khoảng 20 - 30 bệnh nhân bị các bệnh lý về gan vào điều trị trong tình trạng nặng và trên nền viêm gan. Mỗi năm có khoảng 450 bệnh nhân phải điều trị ung thư gan. Hiện tại, Phòng Tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C của bệnh viện đã lập hồ sơ, cấp thuốc, quản lý và điều trị ngoại trú cho hơn 1.500 bệnh nhân mắc viêm gan, qua đó giúp cho các bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh được các biến chứng và hạn chế được tử vong, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Theo bác sỹ Thái Văn Nhật - Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, viêm gan có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể suốt hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy yếu hoặc người bệnh dùng thuốc bừa bãi, virus viêm gan có thể tái hoạt động mạnh mẽ, dẫn đến suy gan cấp tính, thậm chí tử vong nếu không kịp thời can thiệp. Người mắc viêm gan tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này có thể gây tổn thương gan âm thầm, đẩy nhanh quá trình xơ gan, dẫn đến suy gan và ung thư gan.

bqbht_br_gan-3a.jpg
Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tầm soát viêm gan virus để tránh bệnh diễn biến nặng.

Người dân nên chủ động tầm soát viêm gan virus ít nhất một lần mỗi năm, đặc biệt nếu trong gia đình có người từng mắc viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan và nên tiêm phòng đầy đủ. Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể. Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay… Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Tiêm vắc-xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Ngày 28/7 hằng năm được lựa chọn là Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan virus. Năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan virus và ngăn ngừa ung thư gan”. Điều này nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đẩy mạnh xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời để có thể đẩy lùi và tiến tới loại trừ bệnh viêm gan virus vào năm 2030.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Đưa y dược cổ truyền phát triển đúng tầm

Đưa y dược cổ truyền phát triển đúng tầm

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của y dược cổ truyền, một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam, với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết – 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền).
11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 và Điểm a Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật số: 51/2024/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2024), 11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh kể từ 1/7/2025.
Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thời gian qua, tình trạng các spa, thẩm mỹ viện hoạt động thẩm mỹ xâm lấn không phép mọc lên tràn lan. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ làm đẹp.
Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, có tỉ lệ mắc cao và khó điều trị dứt điểm. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, bệnh suy tim càng trở nên nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng tránh? Bác sĩ Trần Văn Cường - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Nhiều năm trở lại đây, thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ ngày càng nhiều bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khẩu vị tương đối phù hợp với nhiều người dân Hà Tĩnh. Song, đằng sau sự tiện lợi đó liệu có tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Đồ ăn vặt “nội địa Trung” xuất hiện ngày càng phổ biến ở các chợ mạng, quầy tạp hóa tại Hà Tĩnh nhưng phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.