Các thông tin hộ tịch tại Hà Tĩnh đã chính thức được “số hóa”
Ngày 3/1/2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 04 về số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch từ các sổ hộ tịch. Theo đó, quá trình số hóa dữ liệu từ các sổ hộ tịch đang lưu trữ tại UBND cấp huyện, xã sẽ trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ tháng 1/2020 - 5/2020) sẽ đồng bộ dữ liệu từ tháng 1/2016 - 10/2016;
Giai đoạn 2 (từ tháng 6/2020 - 4/2021) thực hiện đối với các sổ, hồ sơ hộ tịch từ 2006-2015;
Giai đoạn 3 (từ tháng 5/2021 - 12/2021) số hóa các sổ hộ tịch từ năm 1999 - 2005;
Giai đoạn 4 (từ tháng 1/2022 - 6/2022), triển khai phần việc đối với dữ liệu từ năm 1999 trở về trước.
Ở giai đoạn 1, ngành Tư pháp Hà Tĩnh phải số hóa 3.205 sổ, hồ sơ hộ tịch. Trong đó, sổ đăng ký kết hôn, khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân chiếm 70% so với các loại khác.
Để công tác số hóa dữ liệu hộ tịch được triển khai hiệu quả, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện công tác hộ tịch và chứng thực; tổng hợp các vướng mắc khi số hóa dữ liệu; kịp thời thông tin hướng dẫn cho các địa phương.
Công chức tư pháp huyện Thạch Hà nhập dữ liệu lên hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Thọ Trần Cao Cường cho biết: “Bước đầu, phần mềm phục vụ cho việc số hóa đã phát huy hiệu quả khi đảm bảo yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; hệ thống báo cáo liên thông giữa các cấp, cập nhật kịp thời với quy định của pháp luật, giúp giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, góp phần giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến hộ tịch, giảm thời gian, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính”.
Trưởng phòng Hành chính & Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp) Trần Thị Hải Vân cũng cho rằng: “Việc số hóa dữ liệu hộ tịch sẽ khắc phục tình trạng lưu trữ cồng kềnh, bảo quản hồ sơ hộ tịch khó khăn như hiện nay. Khi công dân có yêu cầu cấp trích lục hộ tịch, công chức làm công tác này không phải mất thời gian tìm kiếm sổ gốc mà chỉ cần tra cứu dữ liệu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”.
Những thông tin, dữ liệu được lưu bằng cách viết tay nay được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu.
Cũng theo bà Vân, số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần xóa bỏ sự lệ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu cấp trích lục hộ tịch. Khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan quản lý dân cư không phải nhập lại thông tin đầu vào cơ bản của công dân mà có thể sử dụng những thông tin hộ tịch đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần phối hợp số hóa các sổ hộ tịch hiện có và cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; kết nối, đồng bộ dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Về phía Bộ Tư pháp, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch.