
Khoảng trưa 15/2, Nguyễn Văn Hương (SN 1973, trú tại thôn Trung Thành, thị trấn Đồng Lộc nay là xã Đồng Lộc) điều khiển xe ô tô BKS 38H-4958 lưu thông từ xã Vũ Quang về xã Đồng Lộc. Dù tuyến đường có địa hình quanh co, nhiều khúc cua nguy hiểm, song Hương vẫn chạy xe với tốc độ cao và lấn sang phần đường ngược chiều. Khi đến Km399+412 trên quốc lộ 15 (thuộc địa phận xã Hà Linh), xe của Hương đã tông trực diện vào xe máy đi ngược chiều, chở theo bà Hoàng Thị Đ. (SN 1967, xã Hương Bình) và cháu ngoại Phan Lê Đăng K. (SN 2018). Vụ va chạm khiến cả 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Sau khi gây tai nạn, Hương không ở lại hiện trường, không gọi cấp cứu, không trình báo. Bị cáo leo lên xe tải bỏ đi, rồi một mình lên đồi tràm vắng ngồi đến chiều. Trong lời khai, Hương nói: “Lúc đó tôi hoảng loạn, tim như muốn ngừng đập. Tôi không biết mình phải làm gì. Tôi chỉ muốn chạy… chạy khỏi cái cảnh đó, khỏi ánh mắt của những người chứng kiến.” Tuy nhiên, khi cảm xúc lắng xuống, lý trí trở lại, sự sám hối bắt đầu xâm chiếm tâm trí, Hương tự đến cơ quan công an đầu thú.

Trong phiên tòa xét xử vào tháng 7/2025, nhiều người không khỏi ám ảnh trước cảnh bị cáo Hương ngồi co rúm, cúi gằm mặt, liên tục lau nước mắt và không một lần dám nhìn về phía gia đình bị hại. Khi được hỏi lý do, Hương nghẹn ngào: “Tôi không đủ can đảm để đối diện với họ, với đôi mắt chan chứa đau thương ấy”.
Đôi khi, giữa phiên xét xử, bị cáo Hương như thất thần. Có lẽ trong tâm trí người đàn ông đã bước sang tuổi 52 ấy, từng giây từng phút quay lại khoảnh khắc định mệnh là một cực hình.
Giọng nói nghẹn ngào, ánh mắt nặng trĩu, bị cáo bày tỏ sự hối hận sâu sắc và thành tâm xin lỗi gia đình người bị nạn. “Giá như lúc đó tôi đi đúng làn đường, giá như tôi chậm lại, giá như tôi cẩn trọng hơn… thì đã không gây nên bi kịch này”,
Hương không biện minh, không quanh co chối tội. Bị cáo cúi gằm suốt phiên xét xử, giọng nói run rẩy, nét mặt thất thần, đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe không chỉ vì nước mắt, mà có lẽ cả sự giằng xé nội tâm. Trong ánh mắt Hương, có cả nỗi sợ pháp luật, nỗi đau lương tâm và một nỗi buồn mà chỉ những người từng cầm lái gây hậu quả nghiêm trọng mới hiểu được. Cái chết của bà Đ. và cháu K. không chỉ cắt đứt một mạch sống, mà còn kéo theo sự đổ vỡ về tinh thần cho người gây ra - một người vừa là bị cáo trước tòa, vừa là bị cáo trong lương tâm.
Khi được nói lời sau cùng, Hương nghẹn ngào: “Tôi biết mình không thể chuộc lại tội lỗi này. Nhưng nếu có thể, tôi xin được quỳ gối trước vong linh của 2 người đã khuất.”

Cân nhắc các tình tiết trong vụ án, trên cơ sở các quy định của pháp luật về hình sự, TAND Khu vực 4 đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hương 4 năm tù giam.
Phiên tòa khép lại, bản án được tuyên là hình phạt của pháp luật đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hương. Tuy nhiên, một hình phạt nặng nề hơn mà bị cáo đã, đang và sẽ phải đối diện trong suốt cuộc đời đó là nỗi day dứt, là bản án lương tâm dai dẳng. Tai nạn giao thông không chỉ là vấn đề kỹ thuật - đó còn là vấn đề đạo đức. Một quyết định sai trong khoảnh khắc có thể khiến người khác không còn cơ hội được lựa chọn nữa. Chúng ta thường nghĩ “sẽ không sao đâu” khi vượt tốc độ, lấn làn, nhắn tin khi lái xe… cho đến khi một tiếng động chát chúa vang lên. Nhưng khi ấy, mọi điều ước “giá như” đều đã muộn.