Ô nhiễm không khí tại Bangkok, Thái Lan
Cần đầu tư bảo vệ môi trường
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi ô nhiễm không khí là mối nguy môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. Khoảng 90% số ca tử vong liên quan xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn là ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Reuters dẫn lời ông Dechen Tsering, Giám đốc Chương trình Môi trường của LHQ tại châu Á - Thái Bình Dương cho rằng phát triển về kinh tế không thể đánh đổi bằng một môi trường sống khó thở được tại các thành phố. Theo ông Tsering, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là chiến trường quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. WHO cho biết vào năm 2016, ô nhiễm không khí đã tăng hơn 5% so với giai đoạn 2008-2013 ở hơn 2/3 các thành phố ở Đông Nam Á.
Ông Karin Hulshof, Giám đốc UNICEF cho biết trẻ em dễ bị tổn thương nhất trong môi trường ô nhiễm với khoảng 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới sống ở những khu vực ô nhiễm không khí độc hại. Theo ông, cuộc khủng hoảng y tế tại Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ gần đây là do khói độc hại. “Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều ở các thành phố như Ulaanbaatar là các bệnh viện đầy trẻ em bị các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí”, ông Hulshof nói. Andreas Kock, giám đốc điều hành của Scheuch Asia, chuyên phát triển và sản xuất các công nghệ làm sạch môi trường, cho rằng giới hạn phát thải không được thực hiện nghiêm túc ở châu Á. “Về cơ bản, họ không đầu tư (vào các biện pháp bảo vệ môi trường không khí) vì không có áp lực”, ông Kock nói. Ông kêu gọi nỗ lực khuyến khích các ngành công nghiệp ở châu Á áp dụng công nghệ giảm ô nhiễm.
Các thành phố lớn, chẳng hạn như Bangkok, cần phải xây dựng mạng lưới giao thông công cộng toàn diện và buộc công dân sử dụng. Ngoài ra, theo ông Tsering, cũng cần tăng thêm các loại xe thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện.
Mục tiêu chung toàn cầu
Một nghiên cứu mới cho biết ngoài việc bảo vệ băng biển Bắc Cực, giảm mực nước biển dâng và giảm bớt các ảnh hưởng khác của sự nóng lên toàn cầu, có thể sẽ cứu được hơn 150 triệu người. Theo nghiên cứu này, tử vong sớm sẽ giảm ở hầu hết các châu lục nếu các chính phủ trên thế giới đồng ý cắt giảm khí thải carbon và các khí độc hại khác đủ để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên dưới 20C vào cuối thế kỷ này. Nếu làm được điều đó, hơn 13 triệu người sẽ được cứu sống ở các thành phố lớn ở Ấn Độ, bao gồm các khu đô thị Kolkata, Delhi, Patna và Kanpur; sẽ cứu 3,6 triệu người ở Dhaka, Bangladesh và 1,6 triệu người ở Jakarta, Indonesia.
Theo ông Drew Shindell, giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Duke, Mỹ, ngay cả người Mỹ cũng không thực sự hiểu được ô nhiễm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào. Không ai có thể nói cơn đau tim là do ô nhiễm không khí nên chúng ta không biết. Nhưng thực sự ô nhiễm không khí vẫn là kẻ giết người hàng đầu ở Mỹ, lớn hơn nhiều so với người chết vì máy bay rơi hoặc chiến tranh hay khủng bố.
Nguy hiểm hơn là tình trạng các chính phủ có thể quy định một cách lỏng lẻo lượng phát thải từ các nhà máy điện, nhà máy xi măng và các ngành công nghiệp khác với hy vọng rằng những tiến bộ công nghệ sẽ làm giảm lượng phát thải carbon trong tương lai. Ông Shindell nói, "Đó là một chiến lược rất nguy hiểm”, giống như việc tiêu pha thẻ tín dụng với niềm tin rằng thu nhập tương lai của bạn sẽ cao hơn nhiều và bạn có thể trả tiền sau đó.