Gói thầu J2 cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) đang được khẩn trương thi công - Ảnh: Cienco4
Kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM có chiều dài khoảng 1.842km. Hiện nay, trên tuyến đã có bốn dự án cao tốc được đưa vào khai thác dài 171km gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, Bộ GTVT đang tiến hành triển khai xây dựng bốn dự án cao tốc khác với chiều dài 299km, gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và Trung Lương - Mỹ Thuận. Để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM, ngành GTVT sẽ phải tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 1.372km.
Để chuẩn bị đầu tư dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, từ đầu năm 2014, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã tiến hành lập quy hoạch điều chỉnh hệ thống cao tốc. Tiếp đó, năm 2015, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho TEDI nghiên cứu và lập đề án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối thông cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM nhằm đảm bảo tính kết nối toàn diện, phát huy hết hiệu quả của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 312.434 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn phân kỳ dự kiến tổng mức tổng tư khoảng 243.312 tỷ đồng, gồm: Vốn Nhà nước khoảng 99.456 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 143.856 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, khi nghiên cứu lập đề án đầu tư dự án này có nhiều lợi thế, bởi số lượng các dự án đã được nghiên cứu từ trước chiếm tỷ lệ lớn, cộng thêm các đoạn qua Quảng Bình, Quảng Trị, trước đây Thủ tướng giao cho địa phương thực hiện, hai tỉnh này cũng giao TEDI nghiên cứu nên các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM cần phải nghiên cứu mới trong đề án này chiếm tỷ lệ không nhiều.
Theo ông Sơn, mục tiêu đầu tư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhằm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng, tăng cường liên kết vùng để nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam và hỗ trợ vận tải tuyến QL1. “Các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng của chúng ta đều tập trung ở đồng bằng, ven biển, khu vực phía Đông trên trục động lực phát triển kinh tế Bắc - Nam. Nếu lựa chọn hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đi theo đường Hồ Chí Minh, có thể tiết giảm chi phí GPMB nhưng không đảm bảo hiệu quả đầu tư, bởi lưu lượng xe ít và không kết nối đồng bộ các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng với nhau”, ông Sơn nói.
Trên cơ sở nghiên cứu, tính toán của TEDI (tư vấn lập dự án), đầu tháng 4/2017, Bộ GTVT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ GTVT xây dựng ba phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Cụ thể, phương án 1 (vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 70 nghìn tỷ đồng): Thực hiện GPMB toàn tuyến; đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam với chiều dài giai đoạn I khoảng 1.015km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Tuy Hòa (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai). Phương án 2 (vốn Nhà nước khoảng 55 nghìn tỷ đồng): Thực hiện GPMB toàn tuyến; đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam với chiều dài giai đoạn 1 khoảng 684km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT và đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa, ĐT655B) - Dầu Giây (Đồng Nai). Phương án 3 (vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng): Thực hiện GPMB toàn tuyến; đầu tư cao tốc Bắc - Nam với chiều dài giai đoạn I khoảng 467km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).
“Trên cơ sở nhu cầu vận tải và nguồn vốn Nhà nước phân bổ cho dự án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 22/3/2017 về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo phương án 2 - vốn Nhà nước phân bổ cho dự án khoảng 55 nghìn tỷ đồng”, Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký nêu rõ.
Năm 2028, hoàn thành đầu tư, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam
Ông Phạm Hữu Sơn cho biết, theo phương án nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55 nghìn tỷ đồng, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (dự kiến từ năm 2017 - 2022) dự án sẽ tiến hành xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa, ĐT 655B) - Phan Thiết (Bình Thuận) theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT với quy mô bốn làn xe, nền đường rộng 17m.
“Riêng đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức PPP với quy mô bốn làn xe cao tốc, nền đường rộng 25m. Tổng chiều dài các đoạn được đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn I khoảng 603km”, ông Sơn nói và cho biết thêm, trong giai đoạn I, dự án sẽ tiến hành mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) từ quy mô hai làn xe lên thành bốn làn với chiều dài khoảng 81km.
Theo ông Sơn, tổng chiều dài đầu tư giai đoạn I là 684km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 140.116 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55 nghìn tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB, hỗ trợ, tái định cư (khoảng 27.422 tỷ đồng) và hỗ trợ xây dựng công trình (khoảng 27.578 tỷ đồng); nguồn vốn BT trả bằng ngân sách để thanh toán các đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn La Sơn - Túy Loan khoảng 23.525 tỷ đồng; Trong đó, giai đoạn trước năm 2020 khoảng 5.700 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 khoảng 17.825 tỷ đồng; nguồn vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn nhà đầu tư huy động) khoảng 61.591 tỷ đồng.
Giai đoạn II (dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2028) dự án sẽ tiến hành đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm các đoạn: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Cam Lâm (Khánh Hòa, ĐT655B) với quy mô bốn làn xe cao tốc, nền đường rộng 17m. “Tổng chiều dài giai đoạn II của dự án khoảng 688km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.196 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ khoảng 44.456 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 58.740 tỷ đồng”, ông Sơn nói và cho biết thêm, giai đoạn III của dự án được dự kiến triển khai sau năm 2028.
“Dự án sẽ tiến hành hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 69.123 tỷ đồng”, ông Sơn chia sẻ.
Tổng giám đốc TEDI đánh giá, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện.
Mặt khác, tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua. Thực tế, điều này đã được chứng minh khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, khách du lịch đến Sa Pa tăng rất nhanh.
“Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối chặt chẽ các thành phố lớn, các trung tâm tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các CHK quốc tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với thời gian di chuyển hợp lý. Ngoài ra, tuyến cao tốc sẽ hỗ trợ một số đoạn tuyến trên QL1 trong trường hợp bị ngập lụt để đảm bảo lưu thông Bắc - Nam được thông suốt trong mọi hoàn cảnh…”, ông Sơn nói.