Anh nông dân vùng biên giới quyết làm giàu từ nuôi chồn hương

(Baohatinh.vn) - Để hiện thực chí hướng làm giàu ở vùng đất nơi biên giới, anh Trần Quốc Tuấn (Hương Khê, Hà Tĩnh) mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi chồn hương.

bqbht_br_3.jpg
Anh Tuấn mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chồn hương.

Bản Cuồi Trả thuộc thôn 3, xã Hòa Hải, tiếp giáp với đường biên giới Việt – Lào, do địa hình cách trở, xa trung tâm nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Trên mảnh đất khô cằn đó, anh Trần Quốc Tuấn (SN 1989) và gia đình vẫn xây dựng nên cơ ngơi khấm khá nhờ vào việc trồng và kinh doanh cây keo tràm. Để nuôi chí hướng làm giàu trên đất quê hương, anh Tuấn tiếp tục mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chồn hương.

Anh Tuấn chia sẻ: "Do chưa có đập và hệ thống thủy lợi nên làm nông nghiệp ở Cuồi Trả rất khó khăn, chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên rồi lập nghiệp trên quê hương nên rất muốn tạo ra hướng phát triển kinh tế, để cùng bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ năm 2022, tôi mày mò tìm hiểu và được biết mô hình nuôi chồn hương đã được nhiều người triển khai thành công, có thu nhập tốt. Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện rất phù hợp vì loài chồn có sinh sống ngoài tự nhiên ở địa phương, nên tôi mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình".

bqbht_br_2-6212.jpg
Mô hình nuôi chồn hương của anh Tuấn đã được Chi cục Kiểm lâm cấp phép.

Đến năm 2023, anh Tuấn đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi kiên cố, hiện đại trên diện tích khoảng 30m2, quy mô nuôi khoảng 300 con. Tiếp đó, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 12 con giống từ một số cơ sở trong và ngoài tỉnh để nuôi thử nghiệm. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên anh gặp một số vấn đề sinh sản cận huyết, chồn con bị liệt chân hoặc chậm lớn, còi cọc. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư gần 500 triệu đồng để mua thêm 60 con giống. Hiện nay, gia đình anh đã tự nhân đàn và có hơn 100 con chồn sinh sản.

Theo anh Tuấn, do đặc tính ngủ ngày, hoạt động vào ban đêm của loài chồn nên rất thuận lợi cho người nuôi. Với quy mô 100 con, mỗi ngày anh chỉ cần dành khoảng 3 tiếng để làm vệ sinh, chăm sóc và cho ăn. Thời gian còn lại anh vẫn có thể sản xuất, kinh doanh bình thường. Bên cạnh đó, chồn là động vật ăn tạp, vừa thích ăn thịt, tôm, cá, vừa thích ăn hoa quả như mít, chuối chín… nên rất thuận lợi cho người nuôi.

bqbht_br_4.jpg
Trọng lượng mỗi con chồn trưởng thành đạt từ 3-4kg, sau khi nuôi khoảng 10 tháng có thể xuất bán.

Anh Tuấn phấn khởi cho biết thêm, vừa qua, cơ sở đã xuất bán một vài lứa chồn thương phẩm và chồn giống, thu về khoảng 200 triệu đồng. Dù chưa hoàn vốn nhưng đã cho thấy những tín hiệu tích cực để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô. Hiện nay, giá chồn thương phẩm dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/1kg. Theo tính toán của anh Tuấn, với 50 con chồn sinh sản, mỗi năm có thể cho thu nhập gần 500 triệu đồng.

Hiện, gia đình anh Tuấn đang tiếp tục mở rộng mô hình, phấn đấu tự nhân đàn lên quy mô 300 con. Đồng thời thuê đất để trồng chuối, từ đó chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi.

bqbht_br_1-7931.jpg
Anh Tuấn vệ sinh chuồng trại, chăm sóc vật nuôi mỗi ngày.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hải cho biết: "Anh Tuấn là hội viên trẻ nhưng rất táo bạo, quyết liệt. Mô hình nuôi chồn của anh Tuấn là một trong những mô hình nông nghiệp có quy mô lớn nhất ở xã biên giới Hòa Hải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp kêu gọi các nguồn vốn để hỗ trợ gia đình trong kế hoạch mở rộng quy mô. Đặc biệt, hội sẽ tuyên truyền, mời chủ mô hình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để hội viên, nông dân trong vùng học tập; truyền cảm hứng để bà con nhân rộng mô hình nuôi chồn hương hoặc mạnh dạn tìm hiểu, triển khai những mô hình kinh tế mới có hiệu quả cao."

Video: Mô hình nuôi chồn hương của anh Tuấn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.