Nuôi chồn hương thu lãi lớn, người dân cũng phải lưu ý các thủ tục cần thiết

(Baohatinh.vn) - Không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều nông dân Hà Tĩnh quan tâm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao

Xuất phát từ sự đam mê và nhận thấy nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giá cả ổn định, chi phí thức ăn rất ít, trong gần 5 năm qua, anh Nguyễn Văn Đức (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế từ loài vật này.

Anh Đức chia sẻ: “Năm 2019, tôi đầu tư xây dựng trang trại nuôi chồn hương và mua 50 con chồn giống về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, học hỏi kỹ thuật và mở rộng quy mô, tôi đã có 2 khu chuồng diện tích hơn 500m2 với khoảng 700 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống. Năm 2024, tôi sẽ cung ứng ra thị trường từ 1.800 - 2.000 con chồn giống với doanh thu trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng”.

z5571313350891_8bc7dc715e0d93102c20c0092c85764f.jpg
Giá chồn hương giống đang ở mức 1,2 triệu đồng/cặp, chồn thương phẩm 1,6 triệu đồng/kg.

Cũng theo chủ cơ sở, chi phí nuôi chồn hương khá thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, thịt gà, cá,… không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn và cho lãi cao ở những lứa tiếp theo.

Anh Võ Tá Khương (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cũng là một trong những hộ dân tiên phong xây dựng chuồng trại để nuôi chồn hương.

z5571379084267_c434d1576d4f67c3cc13c49e382719f4.jpg
Anh Võ Tá Khương (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chăm sóc đàn chồn hương.

Hiện nay, ông Khương đang có 14 con nái sắp sinh, có thể nhân đàn lên đạt gần 50 con chồn giống. Với giá bán con giống khá cao là 1,2 triệu đồng/cặp và 1,6 triệu đồng/kg chồn thương phẩm, dự kiến năm 2024, sau khi trừ các khoản chi phí, ông sẽ thu về 200 triệu đồng.

Theo ông Khương, chồn hương là loại động vật ăn ít, không phải đầu tư chí phí nhiều, ít gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khâu phòng chống dịch bệnh đặc biệt quan trọng, vì khi chồn bị bệnh rất khó chữa và phục hồi. Khu vực nuôi cần hạn chế người ra vào, phun khử khuẩn thường xuyên; lắp đặt hệ thống uống nước tự động, đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Đặc biệt, trong quá trình nuôi chồn sinh sản, người chăn nuôi cần bổ sung thêm thịt gà, tôm, ghẹ, phổi động vật... thường xuyên để tăng hàm lượng dinh dưỡng.

Không chỉ ở TP Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, người dân các địa phương khác như: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà… cũng đang chú trọng phát triển chăn nuôi loại động vật hoang dã này. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 mô hình nuôi chồn hương với số lượng khoảng trên 110.000 con. Các hộ nuôi đã tiến hành đăng ký cấp phép chăn nuôi đúng quy định.

Tuân thủ kỹ thuật nuôi và quy định của pháp luật

Sau quá trình đầu tư, phát triển, TP Hà Tĩnh đã có 4 mô hình chồn hương với tổng đàn khoảng 350 con đang phát triển tốt, sinh sản đều. Với lợi thế diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn tập trung ở những vùng ven đô như: xã Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Bình…, địa phương đang tập trung chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi nông hộ theo hướng hạn chế chăn nuôi trâu, bò, lợn trong khu dân cư, đưa các giống vật nuôi ít tác động đến môi trường, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua thực tiễn, chồn hương được đánh giá là một trong những đối tượng nuôi đầy triển vọng.

z5571313329444_a4f11aa14cdadc29b27f8a753da05e39.jpg
Vệ sinh sạch khu vực chăn nuôi là yêu cầu bắt buộc để chồn hương phát triển tốt, ít dịch bệnh.

Cùng với nhân rộng mô hình chăn nuôi chồn hương, việc chuẩn hóa quy trình nuôi cũng đang được các địa phương như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh... đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Viết Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh thông tin: "Qua kiểm tra, các cơ sở mua con giống ở các trại giống hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Ngành chuyên môn đã phối hợp với các hộ chăn nuôi chồn hương trên địa bàn theo dõi tập tính, ăn uống, nghỉ ngơi, quá trình phối giống, sinh sản để chuẩn hóa thành cuốn cẩm nang, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới".

bqbht_br_z5338943009583-67ff6ce44d2cbe20ab093725ae236f59-copy-7673.jpg
Đoàn công tác huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) tham quan mô hình nuôi chồn hương tại huyện Vũ Quang.

Ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: "Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc Danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy, khi nuôi chồn hương, chủ cơ sở chăn nuôi cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Thời gian qua, đơn vị đã trực tiếp hướng dẫn người dân các thủ tục, hồ sơ liên quan; tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật. Người chăn nuôi cũng đã chấp hành nghiêm các quy định về mua bán động vật hoang dã đưa vào cơ sở nuôi hoặc khi bán ra”.

z5571313425611_228b92cf3c719847938f5c3b1638c5d1.jpg
Khi nuôi chồn hương, chủ cơ sở chăn nuôi cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mô hình nuôi chồn hương mang lại giá trị cao đang được nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh lựa chọn. Tuy nhiên, để mô hình nuôi chồn hương phát huy hiệu quả, mang tính bền vững, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi, chú ý các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thường xuyên tìm hiểu về nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp.

Đồng thời, người chăn nuôi cần mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh.

Để được phép thực hiện chăn nuôi chồn hương, chủ hộ chăn nuôi cần hoàn thiện các thủ tục gồm: giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp; xác nhận bảo vệ môi trường; cấp mã số trại nuôi tại cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh.

Các yêu cầu, tiêu chuẩn trong việc nuôi chồn hương như: yêu cầu về điều kiện diện tích; vị trí; thiết bị; an toàn sinh học... được quy định tại Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Video: Nông dân Hà Tĩnh chăm sóc chồn hương, cho thu nhập kinh tế cao.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Hà Tĩnh thành lập 183 tổ khuyến nông cộng đồng

Hà Tĩnh thành lập 183 tổ khuyến nông cộng đồng

Với nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập được 183 tổ khuyến nông cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương.
Trồng nấm, làm giàu ở huyện Kỳ Anh

Trồng nấm, làm giàu ở huyện Kỳ Anh

Với quy trình khép kín, trang bị máy móc hiện đại, mô hình trồng nấm đem về cho gia đình chị Bùi Thị Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

Bức tranh nông thôn mới ở Thạch Hà sẽ có những thay đổi khi tới đây có 11 xã sẽ nhập vào TP Hà Tĩnh, đồng thời huyện có thêm 11 xã, thị trấn chuyển về từ huyện Lộc Hà. Các địa phương về thành phố sẽ khai thác tiềm năng, đón đầu cơ hội xây dựng NTM, đô thị văn minh; còn các xã của huyện Thạch Hà tiếp tục “giữ lửa” thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao.
Anh nông dân đầu tư tiền tỷ làm nông nghiệp hàng hóa

Thủ lĩnh cơ giới hóa nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh

Người ta vẫn gọi đùa anh Nguyễn Bằng Tấn (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là "gã liều”, thậm chí là "gã gàn” khi hết lần này đến lần khác “vác” tiền nhà mua máy móc để sản xuất nông nghiệp. Nhưng, sự liều lĩnh ấy hoàn toàn không hề vô định mà bên trong người nông dân “chân lấm tay bùn” là một tư duy đột phá, sự quyết liệt trong cách làm để phát triển nông nghiệp hiện đại.
Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.
Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.