Bất cập khi giấy phép lái xe tích hợp bị CSGT tạm giữ

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, không ít người dân Hà Tĩnh và các địa phương trong cả nước không thể đổi giấy phép lái xe ô tô trong thời gian bị tước giấy phép lái xe mô tô, do đã tích hợp bằng lái...

nong-do-con-2.jpg
CSGT Công an Hà Tĩnh xử lý người vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Theo Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, người dân có thể tích hợp các hạng của giấy phép lái xe (GPLX) vào làm một. Trên địa bàn Hà Tĩnh có khá nhiều người lựa chọn việc tích hợp GPLX, thường là tích hợp hạng A1 (GPLX mô tô) tích hợp với B2 hoặc C, D, E (GPLX ô tô).

Và sau khi tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được kích hoạt, việc có thể tích hợp các loại giấy, trong đó có GPLX vào ứng dụng định danh điện tử - VNEID do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an Việt Nam phát triển, lại càng thuận tiện cho người dân. Trường hợp tích hợp thông tin GPLX vào ứng dụng VNeID giúp người dân khi tham gia giao thông không còn gặp phải tình trạng quên bằng lái, dễ dàng xuất trình khi cần.

lkiyu.jpg
Việc tích hợp GPLX lên ứng dụng VNeID mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Bên cạnh các tiện ích gọn nhẹ, dễ dàng quản lý, bảo quản, tránh mất mát và thuận tiện trong quá trình sử dụng, việc tích hợp các hạng của GPLX vào làm 1 khi ứng dụng vào thực tế cũng gặp phải một số bất cập, nhất là trường hợp vi phạm quy định ATGT và bị tước GPLX.

Cụ thể, khi người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm quy định về ATGT, bị xử phạt vi phạm hành chính kèm hình thức phạt bổ sung là tước GPLX có thời hạn. Với trường hợp người dân sử dụng GPLX tích hợp, khi bị tước GPLX 1 hạng, đồng nghĩa với việc bị tạm giữ luôn hạng còn lại. Với hạng không bị tước khi tới thời điểm cần phải cấp đổi, người dân không thể thực hiện vì GPLX tích hợp đang bị tạm giữ.

“Tôi đã tích hợp GPLX hạng A1 với hạng B2. Vào tháng 2/2024, tôi lái xe mô tô sau khi đã sử dụng bia rượu nên bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính và tước GPLX hạng A1 trong thời gian 11 tháng. Tôi đã chấp hành các quy định về việc xử phạt. Tuy nhiên, khi GPLX hạng B2 hết hạn vào giữa tháng 9, tôi tới Sở GTVT làm thủ tục đổi thì mới biết không thể thực hiện do GPLX đang bị CSGT tạm giữ do vi phạm giao thông” - anh Nguyễn Văn A. (SN 1983, trú TP Hà Tĩnh) cho hay.

Theo anh A., do không thể làm thủ tục đổi GPLX hạng B2 nên nếu chờ hết thời hạn tước GPLX hạng A1, anh phải sát hạch lại lý thuyết hạng B2, do pháp luật quy định người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX. Trường hợp quá hạn từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

“Tôi vi phạm giao thông khi điều khiển xe mô tô nên tôi bị tước GPLX hạng A1 là đúng, nhưng với GPLX hạng B2 không liên quan tới việc vi phạm nên việc không cấp đổi GPLX cho tôi là không phù hợp. Tôi làm nghề lái xe nên lúc nào cũng cần GPLX hạng B2 cho công việc nhưng GPLX hết hạn mà không đổi được thì tôi phải ở nhà, không dám đi làm, trong khi lại là lao động chính trong nhà” - anh A. cho hay.

tich-hop-giay-phep-lai-xe-01.jpg
Bất cập cho người dân khi không thể đổi GPLX ô tô khi đã tích hợp 2 hạng của GPLX mà GPLX mô tô bị cơ quan công an tước quyền sử dụng do vi phạm giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh) xác nhận tình trạng một số người dân gặp khó khi sử dụng GPLX tích hợp mà bị tước một hạng GPLX do vi phạm giao thông, còn một hạng đến thời hạn cấp đổi nhưng không thể thực hiện được. Đây là một bất cập cho người dân khi tích hợp nhiều hạng GPLX khi ứng dụng vào thực tế.

“Phần lớn các trường hợp là người dân muốn đổi GPLX ô tô nhưng không làm được do GPLX mô tô đang bị tước có thời hạn do có vi phạm giao thông. Sau khi nắm bắt vấn đề, đơn vị đã có trao đổi với phòng chuyên môn của Sở GTVT Hà Tĩnh để tìm cách tháo gỡ cho người dân. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có giải pháp xử lý” - Trung tá Mạnh thông tin.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay: Vừa qua, đơn vị cũng nhận được thông tin phản ánh của người dân và văn bản của công an một số địa phương gửi tới về việc đổi GPLX tích hợp trong thời gian bị tước.

Nguyên nhân xuất phát từ việc khi truy cập, hệ thống hiển thị GPLX của người đó đang bị CSGT tước nên không thể làm thủ tục cấp đổi. Bất cập này không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn có ở các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

tich-hop-giay-phep-lai-xe-02.jpg
Cần sớm có giải pháp tháo gỡ bất cập khi sử dụng GPLX tích hợp mà bị tước một hạng GPLX do vi phạm giao thông, còn một hạng đến thời hạn cấp đổi nhưng không thể thực hiện được.

Theo ông Dũng, sau khi các địa phương có văn bản đề nghị hướng dẫn thực hiện, Bộ GTVT đã có trả lời: Tại khoản 3 Điều 33 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: “Người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này”.

Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định: “Trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề” và yêu cầu Sở GTVT các địa phương thực hiện theo đúng quy định này”.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.

Trước trả lời và yêu cầu như vậy từ Bộ GTVT nên Sở GTVT cũng không thể làm khác được. Sở cũng đã có phản hồi công dân, Phòng CSGT và công an các địa phương tương tự nội dung trả lời của Bộ GTVT.

Liên quan tới vấn đề này, Sở GTVT và Phòng CSGT Hà Tĩnh nhìn nhận rằng dù Bộ GTVT đã có trả lời, tuy nhiên, trên thực tế đây vẫn là bất cập cần sớm tháo gỡ cho người dân khi đã tích hợp GPLX. Để có giải pháp phù hợp, vừa khuyến khích người dân tích hợp GPLX và thuận lợi trong việc xử lý vi phạm, cấp đổi GPLX, 3 bộ (Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tư pháp) nên thống nhất và có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai.

Từ ngày 1/7, CSGT Công an Hà Tĩnh bắt đầu tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thông qua ứng dụng VNeID. Các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT sẽ tạm giữ hoặc tước GPLX trên môi trường điện tử thay cho bản cứng.

Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, sau 2 tháng triển khai, đơn vị này đã kiểm tra, kiểm soát thông tin giấy tờ trên ứng dụng VNEID với gần 1.800 trường hợp, qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính 600 trường hợp. Trong các trường hợp vi phạm, có 60 trường hợp bị tước giấy phép lái xe (GPLX) trên môi trường điện tử (GPLX đã tích hợp trên ứng dụng VNeID).

Thời gian đầu triển khai thực hiện quy định mới về kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông qua ứng dụng VNeID còn gặp một số khó khăn khi người dân người quên mật khẩu đăng nhập tài khoản định danh, đường truyền dữ liệu di động kém hoặc vẫn quen sử dụng giấy tờ vật lý (bản cứng).

Dần về sau, khi thông tin được cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi, lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích và khắc phục các bất cập, người dân đã nắm được các yêu cầu kiểm tra giấy tờ về giao thông qua ứng dụng VNeID.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.